Ngày 16-7, Văn phòng Chính phủ có văn bản truyền đạt ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Phạm Minh Chính về các biện pháp cấp bách phòng chống dịch Covid-19 tại TP HCM.
Không để người dân chờ đợi, gây bức xúc
Theo đó, Thủ tướng yêu cầu các bộ trưởng, thủ trưởng cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ và chủ tịch UBND các tỉnh, thành tạo mọi điều kiện thuận lợi trong việc tiếp nhận người lao động, người dân từ TP HCM và các tỉnh, thành phía Nam trở về địa phương.
Các tỉnh, thành phải bảo đảm các quy định về phòng chống dịch; không để tình trạng phải chờ đợi, quy trình, thủ tục phức tạp, kéo dài, gây bức xúc cho người dân; có kế hoạch cụ thể bố trí chuyên chở, thực hiện các quy định về cách ly, phòng chống dịch và chuẩn bị các điều kiện cần thiết khác theo tinh thần hỗ trợ tối đa, không gây khó khăn, phiền hà cho người lao động, người dân và các cơ quan, tổ chức, cá nhân liên quan.
Thủ tướng cũng yêu cầu bảo đảm nguồn hàng hóa, nhu yếu phẩm đầy đủ, dồi dào và vận chuyển kịp thời từ các địa phương đến TP HCM để phục vụ đời sống của người dân; không để tình trạng thừa, thiếu cục bộ hoặc ứ đọng, không kịp thời vận chuyển; phân phối hàng hóa, nhu yếu phẩm đến nơi sử dụng và người dân; bảo đảm các hoạt động giao thông vận tải thuận tiện, thông suốt giữa các địa phương và TP HCM đối với các hàng hóa phục vụ cho hoạt động kinh tế - xã hội, sản xuất - kinh doanh, xuất khẩu cần thiết.
Miễn phí hoàn toàn
Chiều cùng ngày, lãnh đạo tỉnh Thừa Thiên - Huế cho biết đã thông qua kế hoạch đón người dân của tỉnh ở TP HCM muốn trở về địa phương cách ly. Kế hoạch dự kiến triển khai vào tuần sau, đợt đầu khoảng 300 người.
Hiện tỉnh Thừa Thiên - Huế đang làm việc với ngành đường sắt để được hỗ trợ một chuyến tàu đón bà con từ TP HCM về Huế, cách ly tập trung tại thị xã Hương Thủy. Toàn bộ chi phí vé tàu, ăn uống, sinh hoạt trong khu cách ly của người dân sẽ hoàn toàn miễn phí.
Trong ngày, UBND TP Đà Nẵng đã đề nghị UBND TP HCM cho phép Hội đồng hương Đà Nẵng tại TP HCM được tổ chức đón dân; đồng thời đề nghị các tỉnh từ Bình Dương ra đến Quảng Nam tạo điều kiện cho các xe do Đà Nẵng tổ chức đưa đón dân được lưu thông thuận lợi và bảo đảm an toàn. UBND TP Đà Nẵng cũng đề nghị Hội đồng hương Đà Nẵng tại TP HCM chủ động liên hệ các cơ quan chức năng của địa phương triển khai các thủ tục.
Người từ TP HCM trở về TP Đà Nẵng sẽ được cách ly y tế. Đối với người cách ly tại khu tập trung, có hoàn cảnh khó khăn sẽ không phải đóng bất cứ chi phí nào trong suốt quá trình cách ly.
Ông Nguyễn Văn Đẩu, Chủ tịch Hội đồng hương Đà Nẵng tại TP HCM, cho biết hội đã tiếp nhận hơn 300 trường hợp đăng ký, đều là người Đà Nẵng vào TP HCM để chữa bệnh, làm việc, học tập... Hội dự kiến tổ chức các chuyến xe 45 chỗ, xuất phát từ TP HCM ngày 20 hoặc 21-7. Trước khi trở về, người dân sẽ phải xét nghiệm Covid-19 và có kết quả âm tính để tránh lây nhiễm chéo trên xe. Một doanh nghiệp đã cam kết tài trợ toàn bộ chi phí xét nghiệm (300.000 đồng/mẫu). Chuyến đầu do một đơn vị vận tải có uy tín thực hiện, đã được UBND TP Đà Nẵng chấp nhận.
Khu cách ly tập trung ở xã Điền Hải, huyện Phong Điền, tỉnh Thừa Thiên - HuếẢnh: Phan Ngọc
Chuẩn bị suất ăn tại một khu cách ly ở tỉnh Quảng NgãiẢnh: Tử Trực
Hội đồng hương làm đầu mối
Trong khi đó, ông Lê Trí Thanh, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam, đề nghị Hội đồng hương Quảng Nam tại TP HCM làm đầu mối thu thập thông tin những bà con thực sự gặp khó khăn để đề xuất tỉnh hỗ trợ.
Hiện hội đồng hương các huyện, thị của tỉnh Quảng Nam ở TP HCM được giao nhiệm vụ tập hợp danh sách người dân cần giúp đỡ để tỉnh hỗ trợ tại chỗ hoặc đưa về quê. Tỉnh Quảng Nam đang giao Sở Y tế phối hợp Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh, Sở Giao thông Vận tải và các địa phương xây dựng phương án đón dân trở về; đồng thời làm việc với Ủy ban MTTQ tỉnh để có phương án hỗ trợ người ở lại.
Đối với người về quê, tỉnh Quảng Nam sẽ đưa xe vào đón, thực hiện các biện pháp cách ly y tế tương tự người nhập cảnh. Tỉnh sẽ dùng ngân sách cùng nguồn xã hội hóa để hỗ trợ tiền ăn ở, đi lại miễn phí cho toàn bộ người dân trong những ngày cách ly. Người đăng ký về quê sẽ không phải tốn tiền.
Theo ông Phan Việt Cường - Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Quảng Nam - có khoảng 32.000 người Quảng Nam lao động tại TP HCM. Hội đồng hương Quảng Nam dự tính có khoảng 10.000 người đăng ký về quê. Trước hết, tỉnh ưu tiên áp dụng cho người ở TP HCM, sau đó là một số địa phương khác. "Tỉnh sẵn sàng hỗ trợ người dân trong lúc khó khăn nhưng phải áp dụng nghiêm ngặt các biện pháp phòng chống dịch để dịch không lây lan ra cộng đồng. Bà con hãy bình tĩnh, không hoang mang, dao động" - ông Cường nhắn gửi.
Theo kế hoạch, người dân Quảng Nam sinh sống tại TP nếu không có nhà ở, ốm đau, già yếu hoặc có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn sẽ được ưu tiên đón về quê trước. Tỉnh Quảng Nam đề nghị TP HCM mở các chốt kiểm dịch, bàn giao người dân Quảng Nam tại điểm tập kết và hỗ trợ người dân xét nghiệm trong 48 giờ trước khi lên xe trở về. Hội đồng hương Quảng Nam tại TP HCM phối hợp UBND TP HCM xác định đúng đối tượng để lập danh sách ưu tiên theo từng đợt. Sở Y tế tỉnh Quảng Nam chuẩn bị các phương tiện phòng chống dịch cho lực lượng tham gia đón người về từ TP HCM.
Tỉnh Quảng Ngãi thống kê sơ bộ có khoảng 200.000 người dân của tỉnh này sinh sống, làm việc tại TP HCM. Trong số này, hiện hàng chục ngàn người có nhu cầu trở về quê tránh dịch. Tuy nhiên, tỉnh chưa thể tiếp nhận hết số lượng người dân về quê cùng lúc.
Ông Đặng Văn Minh, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi, cho biết: "Tình hình dịch bệnh ở Quảng Ngãi thời gian qua căng thẳng, bùng phát rất mạnh. Số lượng cách ly tập trung rất đông, trên 2.000 người, trong đó có khoảng 1.000 người dân địa phương và 1.000 người dân từ các nơi ở vùng có dịch (trong đó có TP HCM) nên các cơ sở lưu trú đã quá tải. Tuy nhiên, không vì quá tải mà Quảng Ngãi không tiếp nhận người dân trở về từ TP HCM. Hiện tại, tỉnh đang khẩn cấp trưng dụng các khách sạn, nhà nghỉ, cơ sở lưu trú trên địa bàn để làm nơi cách ly tập trung, tiếp đón người dân trở về từ TP HCM".
Cũng theo ông Minh, sắp tới tỉnh Quảng Ngãi sẽ thông qua Hội đồng hương Quảng Ngãi ở TP HCM tiếp nhận khoảng 400 người dân thực sự khó khăn đang lao động, mưu sinh ở TP HCM. Số này sẽ chia làm 4 đợt để bố trí ở khu cách ly tập trung tại TP HCM, do tỉnh quản lý và sẽ không trả chi phí. Còn lại sẽ tiếp nhận từ 1.500 - 2.000 người được bố trí ở các khách sạn, nhà nghỉ nhưng người dân phải tự trả chi phí dịch vụ cách ly. Thời gian cách ly tập trung 14 ngày. Hết thời hạn cách ly, tỉnh sẽ tiếp tục tiếp nhận người dân từ TP HCM về quê ở các đợt tiếp theo.
Quảng Ngãi: Tiếp tục +vận động, quyên góp
Để hỗ trợ người dân tỉnh Quảng Ngãi đang làm ăn, sinh sống tại TP HCM, tỉnh này vừa chủ trương hỗ trợ người dân của tỉnh đang lao động, sinh sống tại TP HCM gặp khó khăn do ảnh hưởng dịch Covid-19 tổng số tiền 2 tỉ đồng, chuyển qua Hội đồng hương Quảng Ngãi tại TP HCM triển khai. Ngoài ra, Quảng Ngãi cũng sẽ phát động toàn thể cán bộ, công chức, viên chức, nhân dân trên địa bàn vận động, quyên góp ủng hộ, tiền, vật chất, nhu yếu phẩm để hỗ trợ, chia sẻ với người dân Quảng Ngãi đang lao động tại TP HCM.
Đắk Lắk: Chờ phản hồi từ TP HCM
Chiều 16-7, bà H’Yim Kđoh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Lắk, cho biết UBND tỉnh này đã có văn bản chỉ đạo Sở Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ-TB -XH) tỉnh xây dựng kế hoạch đưa công dân của tỉnh đang sinh sống, làm việc tại TP HCM có nhu cầu về địa phương.
Theo ông Lê Văn Dần, Chánh Văn phòng Sở LĐ-TB-XH tỉnh Đắk Lắk, ngay sau khi nhận được chỉ đạo của tỉnh, sở này đã có văn bản gửi Sở LĐ-TB-XH TP HCM đề nghị hỗ trợ lập danh sách công dân của tỉnh đang sinh sống, làm việc tại TP HCM có nhu cầu về quê. Đồng thời, hỗ trợ địa điểm tập trung người lao động để tiếp nhận, thời gian tổ chức tiếp nhận, dự kiến phương tiện để chở người về là thuê xe của TP HCM hay xe của Đắk Lắk xuống chở về.
Cũng theo ông Dần, sau khi nhận phản hồi từ TP HCM, trên cơ sở số lượng người, Sở LĐ-TB-XH tỉnh Đắk Lắk sẽ phối hợp các sở - ngành liên quan xây dựng kịch bản chi tiết tổ chức đưa công dân về, vừa bảo đảm an toàn cho người dân vừa bảo đảm phòng chống dịch Covid-19. "Chúng tôi hy vọng sẽ hỗ trợ công dân của tỉnh về quê an toàn và chia sẻ những khó khăn của TP HCM trước tình hình dịch bệnh đang diễn biến phức tạp hiện nay" - ông Dần nói.
C.Nguyên
Bình luận (0)