xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Đón Tết cùng thợ lắp máy

ĐỨC DŨNG

Toàn công trường ăn Tết từ ngày 30 và trước khi chờ đón giao thừa, một chương trình giao lưu văn nghệ đặc sắc được diễn ra giữa thợ lắp máy Việt Nam với chuyên gia Liên Xô.

Mùa Xuân năm 1980, là một kỹ thuật viên trẻ ngành xây dựng vừa mới ra trường, tôi được nhận về Liên hiệp Xí nghiệp Lắp máy số 45 (nay là Công ty Cổ phần LILAMA 5, Tổng Công ty Lắp máy Việt Nam, Bộ Xây dựng), thi công lắp đặt Nhà máy Xi măng Bỉm Sơn (Thanh Hóa). Tôi được phân vào Xí nghiệp 45-2, biên chế thuộc Phòng Kỹ thuật. Chúng tôi vừa đóng vai trò giám sát thi công vừa là những người thợ kỹ thuật trực tiếp thi công cùng với thợ lắp máy và thợ xây dựng, giữa bốn bề triền núi đá vôi điệp trùng, san sát...

Sôi động nhịp sống công trường

Cách công trường xây lắp Nhà máy Xi măng Bỉm Sơn khoảng 3 km là trụ sở làm việc của liên hiệp và các xí nghiệp lắp máy, đồng thời là khu dành cho hoạt động văn hóa, thể thao, bếp ăn tập thể, khu tập thể của CB-CNV và khu gia đình. Chỉ khu gia đình mới được nấu ăn riêng (vì họ còn có con cái), còn những hộ độc thân, sống tập thể thì buộc phải ăn cơm tại nhà ăn tập thể. Có 3 tiêu chuẩn chế độ khác nhau.

Đón Tết cùng thợ lắp máy - Ảnh 1.

Cán bộ gián tiếp, văn phòng ăn theo tiêu chuẩn 13 kg gạo/tháng, cán bộ kỹ thuật đi hiện trường tiêu chuẩn 17 kg gạo/tháng và cao nhất là tiêu chuẩn của công nhân lao động trực tiếp được hưởng 20,5 kg/tháng. Sau tiếng kẻng hết giờ trưa hoặc cuối giờ chiều, tôi bám xe công trường về nơi ở, xuống bếp ăn, đôi lúc thấy những ánh nhìn buồn bã của những cán bộ gián tiếp nhìn sang khẩu phần đầy đặn hơn của những người thợ sức dài vai rộng, trần lưng, trầy mặt với nắng gió và công việc nặng nhọc kia, mà thấy lòng se lại. Chỉ có những chị nấu bếp thời bao cấp mới không phải lo cho cái bao tử ngày đêm réo gào như cánh gián tiếp, kỹ thuật hay thợ công trường. Dù gian khổ như vậy nhưng những con người của sức lực và trí tuệ này vẫn vượt lên hoàn thành xuất sắc những định mức, chỉ tiêu kế hoạch được giao.

Ban ngày chúng tôi đi hiện trường, bám sát ca trực. Buổi tối tôi lại tất bật cho việc thu thập tin bài từ các tổ, đội cung cấp; biên tập và "sản xuất" các chương trình cho đài truyền thanh của công trường lắp máy Bỉm Sơn, với thời lượng 30 phút phát lúc 20 giờ các ngày. Ngoài thông tin phản ánh những hoạt động của công trường, tiến độ xây lắp, "nhà đài" chúng tôi còn kịp thời biểu dương, tuyên truyền nhân tố mới với những gương người tốt, việc tốt, những sáng kiến cải tiến kỹ thuật lắp máy trong đội ngũ kỹ thuật và công nhân. Chưa hết, "nhà đài" còn xen vào chương trình những tiết mục văn nghệ với những "giọng ca vàng" thợ lắp máy, ngâm thơ, đọc thơ tự sáng tác. Ngay cả những tin bài của các báo Lao Động, Nhân Dân, Thanh Hóa... viết về công trường xây dựng Nhà máy Xi măng Bỉm Sơn, chúng tôi cũng đọc đi đọc lại. Vẫn còn văng vẳng, như mới đây thôi, những vần thơ cháy bỏng ca ngợi vẻ đẹp của người lao động, qua góc nhìn của nhà báo - nhà thơ Trần Thị Việt Anh (Báo Lao Động): "Trên cao giàn giáo em ngồi/ Em hàn cả vệt chân trời ánh sao". Qua cái nhìn tinh tế của nhà báo - nhà thơ Lý Phương Liên (Báo Nhân Dân), công việc, tâm trạng, cung bậc tình cảm của những nữ công nhân cũng đầy dí dỏm, đằm thắm: "Có gì đâu chuyện nhà máy chúng em/ Ca một, ca hai, ca bình minh như có người đang gọi/ Thích ca nào? Cấm. Anh không được hỏi/ Thích ca nào chỉ em hiểu riêng thôi".

Cái Tết đầm ấm, đáng nhớ

Năm Canh Thân 1980 có nhiều sự kiện lớn. Đó là kỷ niệm 90 năm ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh (1890 - 1980), đặc biệt là 20 năm thành lập ngành lắp máy (1960 - 1980). Cũng chính năm đó, lần đầu tiên người Việt Nam bay vào vũ trụ. Đó là Anh hùng phi công Phạm Tuân cùng nhà du hành Gorbatko (Liên Xô) đã làm cả thế giới dõi theo, để Phạm Tiến Duật sáng tác bài thơ "Trái tim đi giữa thiên hà", phát trên tivi (đen trắng) của công trường, khiến thợ lắp máy và chuyên gia Liên Xô... vỗ tay không ngớt. Chính từ những sự kiện ý nghĩa và thời sự đó, công trường xây lắp Nhà máy Xi măng Bỉm Sơn luôn dấy lên các phong trào thi đua sôi nổi, không ngoài mục tiêu: Để sản phẩm xi măng lò quay nhãn hiệu "Con voi" sớm được ra lò!

Vì mục tiêu cao cả ấy mà thợ lắp máy miệt mài như bầy ong xây tổ, bỗng giật mình khi Xuân đang về tới. Đón Tết Tân Dậu 1981, Ban Giám đốc Liên hiệp Xí nghiệp Lắp máy số 45 có những sáng kiến rất độc đáo, nhân văn. Bắt đầu từ ngày 30 Tết, CB-CNV đã được ăn Tết. Không còn phân chia khẩu phần ăn giữa cán bộ, nhân viên gián tiếp với người lao động trực tiếp mà được "cào bằng". Từ sáng sớm, tiếng lợn kêu rinh ran trước khi bị hóa kiếp vọng vào vách núi, làm những người thợ xôn xao nhớ quê nhà. Nhưng khi cả nhà ăn là một không gian xanh đến mát mắt với màu áo bảo hộ xanh, bánh chưng xanh "gói" những ước mơ xanh, tất cả cùng nâng ly rượu nồng bên những lời chúc tụng, chào mời nhau đầy thân thương và ấm áp thì họ thực sự cảm nhận mùa Xuân mới đã về.

Trước khi chờ đón giao thừa, một chương trình giao lưu văn nghệ đặc sắc được diễn ra giữa thợ lắp máy Việt Nam với chuyên gia Liên Xô. Trên sân khấu, không còn nhận ra những cô thợ hàn, thợ điện; những chàng trai lắp cấu kiện hay lái cẩu suốt ngày đêm trên công trường. Họ lộng lẫy, sang trọng trong áo vest, nền nã trong tà áo dài đủ sắc màu mềm mại, tung bay trong gió Xuân Bỉm Sơn. Nếu phía thợ lắp máy Việt Nam say sưa những ca khúc về đề tài lao động, công nghiệp, mùa Xuân - tình yêu - đất nước như "Trên công trường rộn tiếng ca" (Ngô Quốc Tính), "Bài ca xây dựng" (Hoàng Vân), "Những ánh sao đêm" (Phan Huỳnh Điểu), "Mùa Xuân đến rồi đó" (Trần Chung), "Mùa Xuân gọi" (Trần Tiến), "Mùa Xuân bên cửa sổ" (Xuân Hồng), "Một mùa Xuân" (Trần Hoàn - Thanh Hải)... thì bên kia - những người bạn Nga tự hào, say đắm lúc du dương, lúc sôi nổi với những "Địa chỉ của chúng tôi Liên bang Xô-viết", "Bài ca sông Volga", "Chiều hải cảng", "Đàn sếu", "Triệu đóa hồng" (có cả những tiết mục song ca giữa ca sĩ không chuyên hai nước). Kết thúc chương trình giao lưu nghệ thuật đặc sắc ấy là giọng ngâm truyền cảm của Hồng Hạnh (nhân viên nhà trẻ) bài thơ của Nguyễn Đức (Phòng Kỹ thuật): "Đứng giữa Bỉm Sơn đứng giữa đất trời/ giữa vùng công nghiệp lớn sinh sôi/ tôi muốn ca lên ngàn lần ngân vang mãi/ xi măng ơi, nhà máy của tôi ơi".

Ký ức và hiện tại cứ hiện hữu, đan cài trong tôi giữa dòng đời hối hả. Đất nước đổi mới, đời sống, việc làm, thu nhập của người lao động đã khác xưa và Tết cũng khác xưa. Nhưng với tôi, đón Tết với thợ lắp máy thời bao cấp vẫn là cái Tết đáng nhớ nhất, đầm ấm nhất. Nó thực sự là "mùa Xuân đầu tiên", với "nước mắt trên vai anh/ Giọt rơi ấm đôi vai anh/ Niềm vui phút giây như đang long lanh" - như ca khúc bất hủ của Văn Cao.

Viết là để trả ơn

Năm 1982, chúng tôi lại quay ra vùng đất Chí Linh (Hải Dương) bên bờ sông Bạch Đằng lịch sử để xây dựng nhà máy nhiệt điện Phả Lại, nhà máy chạy than có công suất lớn nhất nước thời đó, chính «bộ ba» nhà báo - nhà thơ Trần Thị Mỹ Hạnh, Trần Thị Việt Anh và Hữu Tính của Báo Lao Động ngày đó, có tầm ảnh hưởng, động lực lớn để tôi có ngã rẽ theo nghề báo, nghiệp văn. Rời các công trình xây dựng trọng điểm của đất nước, tôi theo học dài hạn tại Khoa Báo chí Trường Tuyên huấn Trung ương. Bởi thế sau này, dù viết nhiều về các đề tài, chủ đề ở nhiều thể loại nhưng hình tượng, vẻ đẹp tâm hồn của người lao động vẫn là ưu tiên đặc biệt đối với tôi. Như một nhà văn đã nói, "Viết là để trả ơn"!

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo