Ông Lê Thanh Hải, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Khí tượng Thủy văn - Ảnh: Văn Duẩn
Những ngày gần đây, đang có rất nhiều thông tin về tình hình lũ ở Đồng Bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) khiến các cấp chính quyền và công luận quan tâm.
Hôm qua 31-8, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã ký công điện 1127/CĐ-TTg chỉ đạo ứng phó lũ lớn ở ĐBSCL và mưa lũ tại Bắc Bộ. Theo công điện, đến giữa tháng 9, mực nước đầu nguồn sông Cửu Long có khả năng lên mức báo động 3, hạ lưu sông Cửu Long lên mức báo động 2 đến báo động 3, có nơi trên báo động 3. Nguy cơ cao xảy ra ngập lụt ở vùng trũng thấp, tràn, vỡ đê bao, đặc biệt là tại các tỉnh Kiên Giang, An Giang, Đồng Tháp, Long An.
Thủ tướng yêu cầu Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN-MT) chỉ đạo Tổng cục Khí tượng thủy văn (KTTV) tổ chức theo dõi chặt chẽ diễn biến thời tiết, chủ động hợp tác, phối hợp với các tổ chức quốc tế, các nước trong khu vực, Ủy ban sông Mê Kông Việt Nam và các cơ quan liên quan chia sẻ thông tin (nhất là thông tin về mưa lũ, vận hành hồ chứa thủy điện ở thượng nguồn) để dự báo sát diễn biến lũ ở ĐBSCL, kịp thời cung cấp thông tin cho các cơ quan, địa phương có liên quan phục vụ công tác chỉ đạo, ứng phó hiệu quả.
Báo Người Lao Động đã có cuộc trao đổi với ông Lê Thanh Hải, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Khí tượng Thủy văn, Bộ TN-MT, quanh diễn biến này.
- Phóng viên: Thưa ông, hiện nay tình hình lũ ĐBSCL hiện nay đang diễn biến như thế nào, có bất thường so với mọi năm?
+ Ông Lê Thanh Hải, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Khí tượng Thủy văn: Cho đến thời điểm này, lũ đang lên rất nhanh. Tại Tân Châu lên gần 4 m, tại Châu Đốc 3,55 m trên báo động II. Theo tính toán của chúng tôi, tổng lượng nước của ĐBSCL trong tháng 8 tăng 20 - 40% so với trung bình nhiều năm; có một số điểm còn lớn hơn tổng lượng nước năm 2000 (năm 2000 là lũ lớn). Theo dự kiến, đến trung tuần tháng 9 tại Tân Châu, Châu Đốc sẽ lên mức báo động III là mức tương đối cao. Từ năm 2014 đến nay, ở khu vực này mới có đợt lũ lớn như vậy.
Nước lũ đã tràn về một số địa phương ở đồng bằng sông Cửu Long-Ảnh: Thốt Nốt
- Với tình hình như vậy, ngành khí tượng thuỷ văn (KTTV) đã có những dự báo và tư vấn gì cho các cơ quan chỉ đạo ở trung ương và địa phương, để chủ động ứng phó?
+ Căn cứ vào Luật Phòng chống thiên tai và Quy định số 46 của Thủ tướng Chính phủ, Bộ TN-MT sẽ là cơ quan đưa ra các cảnh báo dự báo cho Sông Mê Kông đến Tân Châu, Châu Đốc. Vì vậy ngay từ tháng 3, tháng 4-2018, trong các bản tin dự báo KTTV mùa, Trung tâm Dự báo KTTV quốc gia đã nhận định lũ trên Sông Mê Kông, sông Cửu Long đến sớm, đỉnh lũ năm trên Sông Cửu Long ở mức báo động 2 – báo động 3 và cảnh báo nguy cơ xảy ra ngập lụt một số vùng ven song, ngoài đê bao các tỉnh An Giang, Đồng Tháp, Long An vào thời kỳ cuối tháng 7.
Đặc biệt ngay từ bản tin ban hành ngày 13-4 đã cảnh báo nguy cơ xuất hiện lũ lớn ở ĐBSCL. Ngày 12-7, Trung tâm đã phát tin cảnh báo nước lên đầu tiên ở đầu nguồn Sông Cửu Long với lũ sớm, lũ lớn. Các bản tin cảnh báo lũ tiếp theo được phát vào các ngày 20, 25 và 30-7; từ ngày 8-8 đến nay Trung tâm thường xuyên phát tin lũ trên Sông Cửu Long (1 ngày 3 bản tin).
Ngày 28-8, chúng tôi đã có công văn số 354 gửi Văn phòng Ban chỉ đạo trung tâm về phòng, chống thiên tai, về tình hình lũ lớn, cảnh báo nguy cơ cao xảy ra ngập lụt ở các vùng thấp trũng và mất an toàn đê bao tại các tỉnh thuộc vùng ĐBSCL, đặc biệt là Kiên Giang, An Giang, Đồng Tháp, Long An, để Văn phòng Ban chỉ đạo sớm chỉ đạo rà soát các phương án chủ động ứng phó với lũ lớn có khả năng xảy ra ở khu vực này.
Tổng cục KTTV thuộc Bộ TN-MT có trách nhiệm theo dõi chặt chẽ lưu lượng nước đến trên hệ thống Sông Mê Kông và ảnh hưởng cụ thể của nó đến ĐBSCL. Hệ thống dự báo của chúng tôi gồm có 3 cấp: quốc gia, khu vực và cấp tỉnh. Cấp quốc gia dự báo toàn bộ dòng sông Mê Kông đến Tân Châu, Châu Đốc. Đài Khu vực dự báo cụ thể hơn đến từng điểm đo trên dòng chính sông Mê Kông. Các Đài tỉnh thuộc vùng Tây Nam Bộ dự báo cụ thể đến từng huyện, nội đồng để theo dõi chặt chẽ lượng nước.
Đồng nghiệp của chúng tôi ở Đài KTTV khu vực Nam Bộ cũng đã liên tục đưa ra bản tin phục vụ. Đài KTTV các tỉnh trong khu vực Tây Nam Bộ đã đưa ra các bản tin cụ thể để các địa phương và nhân dân sinh sống trong khu vực được cập nhật thông tin về mức nước lên.
Hệ thống dự báo của chúng tôi phải cụ thể cho từng địa phương. Bà con sống ở huyện nào, ví dụ như Tịnh Biên - An Giang, Tứ giác Long Xuyên, hay vùng Đồng Tháp Mười, sẽ căn cứ vào bản tin của Trung tâm dự báo quốc gia, hay bản bản tin dự báo của Đài KTTV khu vực và cụ thể hơn là bản tin của các tỉnh. Căn cứ vào tình hình ngập úng của địa phương vào từng thời điểm cụ thể để quyết định thu hoạch lúa sớm hay muộn tùy thời điểm để giảm thiệt hại. Tiến trình này được theo dõi chặt chẽ ngay từ sự cố vỡ đập tại Lào.
Không chỉ theo dõi, chúng tôi còn làm cả bản tin dự báo hỗ trợ cho các bạn Lào trong vòng 10 ngày và sau đó còn làm cả bản tin dự báo tình hình mưa lũ đầu nguồn sông Cửu Long địa phận Lào để phục vụ cho các lực lượng quân đội Việt Nam tình nguyện hỗ trợ Lào.
- Việc cho xả lũ sớm ở 2 đập Trà Sư và Tha La thuộc tỉnh An Giang sẽ gây ảnh hưởng như thế nào tới lũ ở khu vực ĐBSCL, thưa ông?
+ Chúng ta được biết là việc xả lũ ở 2 đập Trà Sư và Tha La là một việc làm thường xuyên. Hàng năm khi lũ từ Campuchia đến, các đập phải giúp thau chua, rửa mặn sạch môi trường cho các tỉnh trong khu vực, bởi nước Sông Cửu Long sẽ đẩy mặn ra biển Tây.
Đợt xả lũ ở Đập Tha La và Trà Sư sẽ làm giảm áp lực nước cho khu vực thuộc hạ du song Cửu Long từ 3-4 cm phía Tân Châu, Châu Đốc. Năm nay do lũ về sớm nên việc xả này cũng sớm hơn 3 ngày so với các dự kiến.
Bình luận (0)