Có điều kiện học hành bài bản từ thuở thiếu thời, tốt nghiệp thủ khoa ngành kiến trúc Trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương ở tuổi 25 nhưng đồng chí Huỳnh Tấn Phát không chỉ lo lập thân lập nghiệp cho bản thân mà còn tích cực tham gia các hoạt động chính trị - xã hội.
Nhà trí thức chân chính
Những hoạt động của ông từ năm 1940 đến 1945 ở Tuần báo Thanh Niên, Hội Truyền bá Quốc ngữ, Phong trào Cứu trợ nạn đói Bắc Kỳ… thể hiện lòng ái quốc và thái độ dấn thân trong hoàn cảnh đất nước bị đắm chìm dưới ách đô hộ thực dân.
Từ bước khởi sự đó, đồng chí Huỳnh Tấn Phát đến với Thanh niên Tiền phong, tham gia công cuộc chuẩn bị và tiến hành khởi nghĩa giành chính quyền vào tháng 8-1945 tại Sài Gòn và Nam Bộ. Gắn bó cuộc đời và sự nghiệp của mình với đất nước, với nhân dân từ tuổi thanh xuân - đó là sự lựa chọn không thể khác của một trí thức chân chính.
Trí thức đúng nghĩa còn phải là người gắn với hoạt động chuyên môn, có những cống hiến đúng mức trong lĩnh vực mình theo đuổi. Ở góc độ này, đồng chí Huỳnh Tấn Phát cho thấy trình độ chuyên môn xuất sắc suốt từ thời trai trẻ cho đến khi đảm nhận nhiều trọng trách bộn bề ở cương vị lãnh đạo.
Ở tuổi 28, ông đoạt giải nhất cuộc thi đề án thiết kế và xây dựng khu Trung tâm Hội chợ triển lãm Đông Dương tại Vườn Ông Thượng (nay là Công viên Văn hóa Tao Đàn, TP HCM) do Toàn quyền Đông Dương tổ chức. Trong độ tuổi 30, ông là người thiết kế nhiều công trình có phong cách độc đáo ở Sài Gòn, Đà Lạt và một số địa phương Nam Bộ, tạo tiếng vang đáng kể trong giới kiến trúc, xây dựng. Trong kháng chiến, ông đích thân thiết kế và chỉ đạo xây dựng các công trình mang tính sáng tạo cao, đáp ứng hữu hiệu các nhu cầu khánh tiết, nghi lễ, sinh hoạt...
KTS Huỳnh Tấn Phát, Chủ tịch Chính phủ Cách mạng Lâm thời Cộng hòa Miền Nam Việt Nam, trò chuyện với Anh hùng Lực lượng vũ trang Nguyễn Thị Lài tại lễ tuyên dương năm 1969. Ảnh: Tư liệu
Sau ngày đất nước hòa bình, thống nhất, vừa đảm nhận các cương vị lãnh đạo trong bộ máy nhà nước và MTTQ Việt Nam, đồng chí Huỳnh Tấn Phát vẫn không ngừng nghỉ làm công việc chuyên môn. Cùng với các chức danh Phó Thủ tướng Chính phủ, Phó Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng, Phó Chủ tịch Hội đồng Nhà nước, Chủ tịch Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam…, ông còn là Trưởng ban Quy hoạch đô thị, Chủ nhiệm Ủy ban Xây dựng cơ bản nhà nước, Chủ tịch Hội Kiến trúc sư Việt Nam…
Ở các cơ quan, tổ chức đòi hỏi tri thức học thuật và uy tín chuyên môn, đồng chí Huỳnh Tấn Phát tiếp tục để lại dấu ấn sâu đậm trong nhiều quyết sách cũng như trong các đề án quy hoạch và xây dựng tầm cỡ của giai đoạn trước đổi mới.
Góp phần mở rộng khối đoàn kết
Với nhân cách và uy tín chuyên môn của mình, đồng chí Huỳnh Tấn Phát là một trong những ngọn cờ có sức tập hợp các giới đồng bào tham gia các phong trào và hoạt động đấu tranh chống thực dân đế quốc, đòi quyền dân sinh dân chủ, đòi hòa bình thống nhất đất nước.
Trước Cách Mạng Tháng Tám 1945, ông là một trong những nhân vật chủ chốt khơi dậy các hoạt động sôi nổi của sinh viên, học sinh, nhất là phong trào "xếp bút nghiên lên đường tranh đấu" và phong trào Thanh niên Tiền phong.
Trong kháng chiến chống Pháp, khả năng thuyết phục, vận động quần chúng của ông thể hiện rõ khi ông được bầu làm Trưởng ban Đại diện tù nhân tại Khám Lớn Sài Gòn, sau đó được phân công phụ trách công tác trí vận, công tác báo chí trên địa bàn Nam Bộ.
Tuần báo Thanh Niên do đồng chí Huỳnh Tấn Phát làm chủ nhiệm. Ảnh: TƯ LIỆU
Trong kháng chiến chống Mỹ, với sự vận động và tổ chức của đồng chí Huỳnh Tấn Phát, nhiều nhân sĩ, trí thức tiêu biểu đã rời thành thị vào vùng căn cứ tham gia Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam, Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa Miền Nam Việt Nam, Liên minh Các lực lượng Dân tộc Dân chủ và Hòa bình Việt Nam…; góp phần mở rộng khối đoàn kết các tầng lớp nhân dân miền Nam đấu tranh cho mục tiêu "Độc lập - Thống nhất - Hòa bình - Trung lập".
Từ năm 1977, ở cương vị Ủy viên Đoàn Chủ tịch và từ năm 1983 là Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, đồng chí Huỳnh Tấn Phát có những đóng góp quan trọng nhằm nâng cao vị thế của Mặt trận, tăng cường hơn nữa khối đại đoàn kết toàn dân tộc.
Đồng chí Huỳnh Tấn Phát đã đi xa nhưng với những cống hiến của ông đối với đất nước càng đáng để nhân dân cảm phục về một người trí thức chân chính, luôn vì nước, vì dân, dấn thân vì nghĩa lớn.
Giúp đất nước phần nào thoát khỏi bao vây, cấm vận
Trên lĩnh vực đối ngoại, sau khi Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam thành lập (tháng 6-1969), những nỗ lực của Chủ tịch Huỳnh Tấn Phát có tác động mang tính quyết định trong việc xác lập uy tín và ảnh hưởng của Chính phủ trên bàn đàm phán tại Hội nghị Paris về chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam, cũng như trên mặt trận ngoại giao nói chung trong giai đoạn cuối của cuộc kháng chiến chống Mỹ.
Dẫn đầu các đoàn công tác đi thăm hữu nghị nhiều nước và tham dự các diễn đàn quốc tế, thái độ ứng xử của ông giúp bạn bè trên thế giới thấu hiểu và ủng hộ mạnh mẽ cả về tinh thần lẫn vật chất cho cuộc đấu tranh chính nghĩa của nhân dân Việt Nam. Chỉ trong một thời gian ngắn, Chính phủ Cách mạng lâm thời đã được 23 nước công nhận và thiết lập quan hệ ngoại giao.
Nhiều nguyên thủ quốc gia và nhân vật có ảnh hưởng trên thế giới xem ông là người bạn lớn, chí tình và thân thiết. Mối quan hệ tốt đẹp đó tiếp tục được thực thi với nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam cũng như với cá nhân Phó Thủ tướng Chính phủ, Phó Chủ tịch Hội đồng Nhà nước Huỳnh Tấn Phát trong những năm 1976-1989, giúp đất nước phần nào thoát khỏi tình trạng ngặt nghèo do bị bao vây, cấm vận.
Bình luận (0)