Nhiều năm qua, UBND tỉnh Quảng Bình đã quan tâm đến vấn đề này, đầu tư nhiều dự án thoát nước, xử lý nước thải song vẫn tồn tại nhiều bất cập về hạ tầng khiến khả năng tiêu - thoát kém, gây ngập úng ngay tại trung tâm TP Đồng Hới.
Sau trận mưa lũ lịch sử vào tháng 10, đến tháng 12-2016, UBND tỉnh Quảng Bình đã ban hành quy định quản lý hoạt động thoát nước và xử lý nước thải trên địa bàn, xác định rõ nguyên nhân dẫn đến tình trạng ngập lụt diện rộng ở TP Đồng Hới cũng như các đô thị của tỉnh. Chính quyền tỉnh này còn yêu cầu TP Đồng Hới lập 13 điểm ngập lụt xung yếu trên địa bàn để đầu tư xây dựng hệ thống thoát nước nhưng sau 5 năm, tình hình không được cải thiện là bao.
Theo Sở Xây dựng tỉnh Quảng Bình, nguyên nhân chính khiến Đồng Hới ngập sâu và lâu như hiện nay là do biến đổi khí hậu nên thời điểm mưa lớn, kéo dài trùng với triều cường, làm mực nước ở cửa sông Nhật Lệ dâng cao, các tuyến kênh không tiêu thoát được. Trong khi đó, các biện pháp phòng chống ngập lụt, khắc phục ô nhiễm môi trường, nạo vét khơi thông dòng chảy được triển khai một cách hình thức, không theo quy chuẩn, dẫn tới gây ứ nghẽn dòng chảy. Để có giải pháp xử lý triệt để, Đồng Hới phải cải tạo trị thủy, Sở Xây dựng đang chú trọng vấn đề này và cần giải pháp tổng thể để xử lý cục bộ mới đạt hiệu quả.
Một số tuyến đường ở TP Đồng Hới ngập sâu khi mưa lớn
Giới chuyên môn ở Quảng Bình nhìn nhận một nguyên nhân khác là tốc độ đô thị hóa nhanh, bê-tông hóa diện tích bề mặt lớn làm kém đi khả năng thẩm thấu nước nên mỗi khi mưa lớn hay lũ lụt thì lượng nước bề mặt đồn vào hệ thống thoát nước bằng bê-tông gây quá tải. Trong khi đó, hệ thống cống lại quá dài, đường ống nhỏ, ùn tắc nước nên dẫn đến ngập lụt là điều khó tránh.
UBND tỉnh Quảng Bình đã giao Ban Quản lý dự án môi trường và biến đổi khí hậu TP Đồng Hới quản lý 2 dự án: "Môi trường bền vững các thành phố duyên hải - Tiểu dự án TP Đồng Hới" với tổng mức đầu tư 58,11 triệu USD và "Phát triển môi trường, hạ tầng đô thị để ứng phó với biến đổi khí hậu TP Đồng Hới" với tổng đầu tư 38,8 triệu USD, thực hiện trong giai đoạn 2017-2022. Trong đó, có một số gói thầu xây dựng hệ thống thoát nước mưa, nước thải và cống cấp 3 tại các phường Nam Lý, Bắc Lý, Đức Ninh, Đồng Sơn… Hai dự án này đang được triển khai với tiến độ "rùa bò", dở dang, gây ô nhiễm môi trường. Theo báo cáo khảo sát, đến nay, chưa có dự án nào đạt trên 50% giá trị thi công, trong khi thời gian kết thúc và bàn giao các công trình chỉ còn hơn 1 năm.
Bình luận (0)