Trưa 1-2, cập nhật tình hình dịch Covid-19 trên địa bàn TP HCM, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP HCM (HCDC) thông báo kết quả công tác tiếp nhận khai báo, lấy mẫu xét nghiệm các trường hợp đến từ Hải Dương, Quảng Ninh, các địa điểm do Bộ Y tế công bố. Tính đến 7 giờ cùng ngày đã có 604 trường hợp khai báo y tế và lấy mẫu xét nghiệm. Trong số 556 trường hợp được xét nghiệm, 382 trường hợp âm tính, còn lại đang chờ kết quả.
Biến chủng nguy hiểm
TP tiến hành truy vết các trường hợp tiếp xúc gần với bệnh nhân (BN), xử lý phòng chống dịch theo quy định với các trường hợp nhiễm mới phát hiện.
Liên quan đến BN 1660, truy vết 19 trường hợp tiếp xúc, 18 trường hợp đã có kết quả âm tính, 1 trường hợp đang đợi kết quả. Đối với 114 hành khách và tổ bay trên chuyển bay VN1660 đang có mặt tại TP HCM, trong đó 20 người gồm tổ bay và hành khách ngồi trong vòng 5 hàng ghế gần BN đã có kết quả âm tính; các hành khách ngồi hàng ghế khác là 94 người, 36 người đã có kết quả âm tính, 58 người đang chờ kết quả xét nghiệm.
BN 1660 chính là thanh niên SN 1993 từ Hải Dương đến TP HCM ngày 28-1, chủ động khai báo y tế khi biết mình có tiếp xúc với người vừa trở thành BN 1612 trong cùng ngày. Nhóm nghiên cứu do TS-BS Nguyễn Văn Vĩnh Châu, Giám đốc Bệnh viện Bệnh nhiệt đới TP HCM và TS Lê Văn Tấn, Đơn vị Nghiên cứu lâm sàng Đại học Oxford (OUCRU) - đã tiến hành giải mã trình tự toàn bộ bộ gien của chủng SARS-CoV-2 lấy từ mẫu bệnh phẩm phết hầu họng của BN 1660. Kết quả là chủng virus SARS-CoV-2 từ BN này mang 17 đột biến tiêu biểu của biến chủng B.1.1.1.7 từ Anh, chính là biến chủng được cho là có khả năng lây lan nhanh so với các chủng SARS-CoV-2 trước đây. Kết hợp với các yếu tố dịch tễ liên quan cho thấy nhiều khả năng ổ dịch ở Hải Dương là do biến chủng này gây ra.
HCDC tiếp tục kiểm tra, giám sát các khu cách ly tại khách sạn, bệnh viện, các khu cách ly tập trung của quận - huyện, khu cách ly của TP. Ngoài ra, triển khai thực hiện cách ly người nhập cảnh theo quy định, giám sát người sau khi hoàn thành cách ly tập trung về cư trú tại TP, giám sát BN sau xuất viện (13 BN đang trong thời gian theo dõi, 117 trường hợp đã hết thời gian theo dõi).
Cơ quan y tế cũng lấy mẫu xét nghiệm đối với thành viên các tổ bay của các chuyến bay quốc tế, các nhóm nguy cơ cao, người làm việc tại sân bay, nhân viên y tế, xét nghiệm đối với BN Covid-19 sau xuất viện, người cách ly tập trung, người sau cách ly. Hiện TP đang cách ly tập trung 2.875 người, cách ly tại nhà/nơi lưu trú 209 người.
Kiểm tra thân nhiệt người dân trong khu cách ly tại TP HCM. Ảnh: HOÀNG TRIỀU
Học sinh ở TP HCM và nhiều tỉnh, thành nghỉ học
Trước diễn biến phức tạp của tình hình dịch Covid-19, ngày 1-2, UBND TP HCM đã có công văn khẩn cho phép học sinh, sinh viên, học viên các cơ sở giáo dục và giáo dục nghề nghiệp trên địa bàn TP dừng đến trường từ ngày 2-2. Cán bộ, giáo viên, nhân viên các trường vẫn tiếp tục thực hiện nhiệm vụ theo kế hoạch năm của TP, nhanh chóng chuyển đổi sang hình thức dạy và học trên internet và bảo đảm lịch trực, bảo đảm thông tin xuyên suốt trước, trong và sau Tết nguyên đán.
Trước đó, UBND TP HCM đã yêu cầu thủ trưởng các sở, ban, ngành; chủ tịch UBND TP Thủ Đức và các quận, huyện tăng cường công tác phòng chống dịch Covid-19; tiếp tục quán triệt sâu sắc phương châm "chống dịch như chống giặc"; thực hiện nghiêm túc các chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Ban Chỉ đạo quốc gia, Bộ Y tế, Thành ủy và UBND TP HCM trong công tác phòng chống dịch Covid-19. Các sở, ban, ngành; UBND TP Thủ Đức và các quận, huyện tuyệt đối không được lơ là, chủ quan, nhất là trong thời điểm virus gây bệnh là biến chủng SARS-CoV-2 mới có khả năng lây lan rất nhanh và TP HCM là nơi có nguy cơ cao đối với nguồn xâm nhập từ bên ngoài vào.
Đến chiều 1-2, các tỉnh - thành: An Giang, Bắc Ninh, Bình Phước, Bình Dương, Bà Rịa - Vũng Tàu, Bắc Kạn, Đồng Tháp, Gia Lai, Hòa Bình, Hà Nội, Hải Dương, Hưng Yên, Hải Phòng, Lai Châu, Long An, Quảng Ninh, Sơn La, Vĩnh Phúc, Tuyên Quang, Thái Bình, TP HCM, Thái Nguyên, Thanh Hóa... cũng đã cho học sinh nghỉ học sớm để phòng ngừa dịch bệnh xâm nhập, lây lan.
Đã quen dạy và học online
Trao đổi với phóng viên Báo Người Lao Động, lãnh đạo nhiều trường phổ thông tại TP HCM cho biết sau khi nhận chỉ đạo của UBND TP, Sở Giáo dục và Đào tạo TP HCM, các trường đã gấp rút thông báo cho phụ huynh và nhanh chóng triển khai kế hoạch dạy học trực tuyến.
Ông Huỳnh Đức Trọng, Phó Hiệu trưởng Trường THCS Lạc Hồng (quận 10), đánh giá trong 2 đợt dịch trước, các giáo viên (GV) đã dần làm quen với phương pháp dạy học online. Nếu như lúc đầu, do chưa quen, chỉ có sự tương tác một phía từ GV thì nay đã có sự tương tác ở cả hai phía, người học và người dạy. GV cũng sử dụng đa dạng các phần mềm dạy học.
Tự giác và ý thức cộng đồng
Đến thời điểm cận Tết, nhu cầu di chuyển giữa các địa phương gia tăng. Đây lại là thời điểm xuất hiện các ổ dịch Covid-19 trong cộng đồng.
Mặc dù đã có thông tin "định vị" được các vùng dịch tại Hải Dương, Quảng Ninh và lực lượng chức năng cũng đã có các biện pháp khoanh vùng cách ly tại các địa phương này. Song những ngày qua, các trường hợp nghi nhiễm, tiếp xúc gần các ca nhiễm từ các vùng dịch trên cũng đã kịp di chuyển, làm cho dịch bệnh lây lan tại các địa phương khác như Hà Nội, Gia Lai, TP HCM...
Biện pháp quyết liệt truy vết, cách ly, khoanh vùng dập dịch mà lực lượng chức năng tiến hành đã đem lại hiệu quả trong một thời gian dài, giúp Việt Nam phần nào ổn định sản xuất, phát triển kinh tế và bảo đảm an sinh trong hoàn cảnh bình thường mới. Hiệu quả đó một phần quan trọng là nhờ vào ý thức tuân thủ của người dân.
Thời gian qua, báo chí trong và ngoài nước có nhiều cách lý giải khác nhau về tâm lý người dân tuân thủ quy định trong phòng dịch: sợ phải vào bệnh viện, sợ việc cách ly ảnh hưởng đến sinh kế, kể cả sợ... bị phạt tiền. Và cũng phải thừa nhận rằng trên tất cả, là tính đồng thuận với giải pháp của Chính phủ, ý thức cộng đồng cao.
Chính những điều trên khiến cho người Việt cảm thấy không nề hà gì chuyện đeo khẩu trang, rửa tay sát khuẩn và làm theo hướng dẫn của cơ quan y tế trong những điều kiện bắt buộc.
Tinh thần tự nguyện và ý thức cộng đồng trong mỗi cá nhân, gia đình, công sở, địa phương... đã được cộng hưởng với các chính sách quyết liệt đã mang lại những kết quả tốt trong kiểm soát dịch bệnh. Tinh thần ấy rất cần được phát huy mạnh hơn trong thời điểm căng thẳng hiện nay, trong khi nhu cầu sinh hoạt hội hè, thăm viếng được xem là một phần của phong tục văn hóa Tết truyền thống.
Nhưng sự cảnh giác với dịch bệnh chưa bao giờ là thừa trong điều kiện biến thể của virus SARS-CoV-2 gây ra đại dịch Covid-19 đã đi vào Việt Nam.
Vì vậy, Tết truyền thống trong hoàn cảnh của đại dịch có lẽ rất cần những điều chỉnh, đặt yếu tố an toàn lên cao nhất. Tinh thần cộng đồng của Tết cần được tư duy lại, đề cao sự tiết chế và ý thức liên đới để sự bình an được lan tỏa. Những hình thức tụ họp đông đúc, những lễ tục hội hè cần được hạn chế, hủy bỏ.
Ngoài ra, việc triển khai mạng lưới thu thập thông tin sức khỏe ở các sân bay, bến xe, ga tàu, bệnh viện, những nơi tập trung đông người cần chặt chẽ hơn, không nên dừng ở sự đáp ứng hình thức. Vì chỉ cần một chút sơ suất thì khả năng phát tán dịch bệnh sẽ rất khó lường.
Việc kiểm soát dịch bệnh được đặt trong một tinh thần tự giác và ý thức rất cao để không xảy ra tình trạng chỉ vì ham vui, dễ dãi trong vài ngày Tết mà sau đó chúng ta rơi vào tình trạng mất kiểm soát, kiệt quệ vì đại dịch lây lan. Bài học tổn thất nặng nề bởi dịch bệnh lây lan sau lễ hội đón năm mới 2021 vừa qua tại nhiều quốc gia là một bài học nhãn tiền.
Bình tĩnh, lạc quan, nhưng cần đặt trên cơ sở một ý thức cộng đồng mới: văn minh và lành mạnh. Đó cũng là một cách đón Tết, ăn Tết thực sự sâu sắc và ý nghĩa.
Nguyễn Vĩnh Nguyên
Bình luận (0)