Khoảng 40 dịch vụ có tần suất sử dụng nhiều trong các cơ sở y tế sẽ được giảm giá trong tháng 7-2018. Đây là lần đầu tiên giá dịch vụ y tế được điều chỉnh giảm hàng loạt sau hơn 2 năm thực hiện viện phí mới.
Tiền giường gần 1.000 tỉ đồng
Theo BHXH Việt Nam, quy định hiện hành về giá dịch vụ y tế thuộc diện BHYT thanh toán đang có một số bất cập. Ông Đàm Hiếu Trung, Phó Giám đốc Trung tâm Giám định và Thanh toán đa tuyến phía Bắc - BHXH Việt Nam, cho biết trong quý I/2018, chi phí khám chữa bệnh BHYT tăng gần 20% so với quý I/2017. Chỉ tính riêng chi phí cho tiền giường điều trị đã tăng gần 1.000 tỉ đồng.
Trước đây, cứ 100 người đi khám chữa bệnh thì có 5-7 người điều trị nội trú, nay đã tăng lên 8,6 người. Nhiều tỉnh có tỉ lệ bệnh nhân nội trú cao hơn 2 lần mức chung toàn quốc như: Phú Thọ, Hà Giang, Thanh Hóa, Sơn La, Vĩnh Phúc... Cơ cấu giá tiền giường bệnh hiện nay khá cao, gần 180.000 - 700.000 đồng/ngày.
Ông Vũ Xuân Bằng, Phó trưởng Ban Thực hiện chính sách BHYT - BHXH Việt Nam, cho biết những năm trước, viện phí nặng nhất là tiền thuốc, vật tư y tế chiếm 50%-60% thì nay chỉ còn 30%-40%. Trong khi đó, chi phí tiền giường lại lên đến 40%-60%.
Nhiều dịch vụ y tế sẽ giảm giá mạnh từ tháng 7 tới đây
"Nếu như quyền lợi bệnh nhân bị co lại, Bộ Y tế cần tính toán lại chi phí tiền giường cho hợp lý. Không thể một phòng 4 bệnh nhân, thu tới 1,8 triệu đồng/đêm, cao hơn nhiều so với tiền khách sạn 3-4 sao. Hơn nữa, cơ cấu tính giá giường có cả chi phí máy điều hòa, máy hút ẩm, quạt điện 4 mùa nhưng mùa đông không dùng điều hòa, quạt sao vẫn giữa nguyên giá?" - ông Bằng phân tích.
Đại diện BHXH cho biết chi phí tiền giường bệnh được xây dựng trên cơ sở 1 giường có 1-1,3 nhân viên y tế nhưng thực tế ở nhiều bệnh viện (BV), con số này chỉ là 0,4 - 0,7. Một số trang bị tính vào chi phí tiền giường nhưng nay không còn dùng nữa hoặc không được trang bị như tiền màn, nước, máy hút ẩm... BHXH cùng Bộ Y tế khảo sát, đánh giá để sửa lại một số dịch vụ kỹ thuật có cơ cấu giá bất hợp lý.
Rà soát 18.000 dịch vụ
Ông Nguyễn Nam Liên, Vụ trưởng Vụ Kế hoạch Tài chính - Bộ Y tế, thông tin cơ quan này cùng các bộ, ngành liên quan sẽ ban hành khung giá mới với một số dịch vụ y tế trong tháng 5-2018, áp dụng chính thức từ ngày 1-7.
Theo khung giá mới, sẽ giảm giá với khoảng 40 dịch vụ có tần suất sử dụng cao trong các cơ sở y tế như: giá khám bệnh giảm 5.000 - 12.000 đồng/lượt tùy hạng BV. Thế nhưng, giá giường điều trị, trừ giường điều trị tích cực và hồi sức cấp cứu tuyến cuối, sẽ được điều chỉnh tăng.
Các dịch vụ cận lâm sàng: X-quang, chụp cộng hưởng từ, nội soi tai mũi họng, siêu âm, chụp cắt lớp điện não đồ... được đề xuất giảm giá 2%-20%. Trong đó, dịch vụ siêu âm can thiệp - đặt ống thông dẫn lưu ổ áp-xe giảm mạnh, từ hơn 2 triệu đồng còn chưa đến 600.000 đồng; phẫu thuật cắt amiđan bằng dao điện từ gần 3,7 triệu xuống còn 1,6 triệu đồng; phẫu thuật nội soi khâu thủng dạ dày từ hơn 4 triệu đồng xuống còn gần 2,9 triệu đồng...
Ông Liên cho biết giá một số dịch vụ được liên bộ Tài chính, Y tế và BHXH Việt Nam xây dựng từ năm 2012 đến năm 2015 hiện không còn phù hợp. Từ năm 2016, khi quy định thông tuyến huyện có hiệu lực, lượng người đến khám tại các BV tuyến huyện tăng lên, do đó giá các dịch vụ này được điều chỉnh lại.
Tới đây, Bộ Y tế cũng sẽ rà soát giá của 18.000 dịch vụ y tế, thu gọn còn 4.000 - 5.000 nhóm dịch vụ nhằm tạo thuận lợi hơn trong việc thanh toán và giám định BHYT theo cách mà nhiều nước đang áp dụng.
Giảm gánh nặng cho người bệnh
Theo ông Lê Văn Phúc, phụ trách Ban Thực hiện chính sách BHYT, ngoài mức giảm đề xuất kể trên của Bộ Y tế, BHXH Việt Nam cũng có một biểu giá đề nghị liên bộ Y tế, Tài chính xem xét. Nhóm dịch vụ y tế được điều chỉnh giá đợt này sẽ về mức giá sát với thực tế cung cấp. Chẳng hạn, trong cơ cấu giá, buồng bệnh nào cũng phải có cây nước, máy hút ẩm nhưng thực tế lại không có hay tất cả phòng từ BV hạng II trở lên đều phải có điều hòa nhưng không có thì sẽ tính thế nào? Vì vậy, phải điều chỉnh trên cơ sở thật để có được giá dịch vụ phù hợp nhất, giảm gánh nặng cho quỹ BHYT và giảm đồng chi trả từ tiền túi của người bệnh.
Bình luận (0)