Trong bối cảnh tăng tốc phát triển để đạt đến một trong những vị trí hàng đầu của khu vực châu Á, TP HCM đang quyết tâm xây dựng khu đô thị sáng tạo tại phía Đông bao gồm 3 quận: Thủ Đức, quận 9, quận 2. Đây là một định hướng đem lại nhiều lợi ích, vừa khai phá các tiềm năng phát triển mới vừa tạo thêm quỹ đất cho TP.
Ba chân vạc chiến lược tạo động lực phát triển đô thị thông minh và đô thị sáng tạo cho khu Đông TP HCM
3 CỰC PHÁT TRIỂN
Nhiều dự định của TP HCM về đô thị sáng tạo vẫn đang là những dự án "rời", do đó cần có định hướng chiến lược tạo thành 3 cụm dự án, với bản sắc đặc thù và liên kết nhau chặt chẽ thông qua mạng lưới hạ tầng, có tác động như các cực phát triển, tạo nên động lực phát triển đô thị thông minh và đô thị sáng tạo, bao gồm:
KHU TRUNG TÂM TP HCM, bao gồm trung tâm mới Thủ Thiêm và trung tâm hiện hữu TP HCM. Trong đó, khu đô thị mới và cũng là trung tâm kinh tế tài chính Thủ Thiêm nên được "thiết kế" theo tư duy kinh tế thị trường. Nghĩa là mọi nghiên cứu không thể dừng lại ở ranh giới hành chính của riêng Thủ Thiêm mà phải đặt trong mối liên kết với khu trung tâm hiện hữu, để tạo nên sự thu hút đầu tư, nhờ vào kết nối trực tiếp và thuận tiện với khu trung tâm hiện hữu, hài hòa sự phát triển của cộng đồng. Tuy khu trung tâm hiện hữu nằm ngoài khu Đông nhưng quy hoạch Thủ Thiêm không thể thực hiện tốt nếu thiếu gắn kết với quy hoạch khu trung tâm hiện hữu theo một chiến lược thống nhất.
KHU ĐÔ THỊ ĐẠI HỌC & CÔNG NGHỆ CAO, bao gồm làng Đại học Quốc gia, làng Đại học Sư phạm Kỹ thuật, làng Đại học Fulbright, cơ sở II của Đại học Bình Dương, Khu công nghệ cao TP HCM (SHTP), Khu Đô thị Khoa học… là khu vực có rất nhiều tiềm năng phát triển nhưng đến nay vẫn chỉ là những dự án rời, chưa có kế hoạch liên kết nhau về mặt hạ tầng và hợp tác hoạt động để tạo nên sức mạnh tổng hợp.
KHU ĐÔ THỊ LOGISTICS, bao gồm cảng Cát Lái, Khu Công nghiệp Cát Lái, Khu Logistics Cát Lái, Khu Đô thị mới Cát Lái… là khu vực rất quan trọng vì là nơi trung chuyển để vận chuyển hàng hóa phục vụ cho TP HCM. Tuy nhiên, khu vực này đến nay vẫn chưa được nghiên cứu và phát triển đúng tầm, trong mối kết nối với cảng Thị Vải - Cái Mép, hệ thống đường giao thông vành đai và hướng tâm, hệ thống đường sắt và mạng lưới phân phối cho toàn TP sao cho không tạo áp lực ách tắc giao thông dân dụng của TP.
Ba khu vực đô thị này mang bản sắc riêng, với mức độ ứng dụng khác nhau về quản lý đô thị thông minh và yêu cầu khác nhau về phát triển đô thị bền vững. Xen giữa là các khu đô thị nhỏ hơn, được hưởng lợi từ hệ thống hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội của 3 khu vực chính. 3 khu vực đô thị này tạo nên 3 chân vạc, 3 cực phát triển, có tác động thu hút đầu tư công và xã hội hóa, thu hút dân cư và tạo nên các động lực phát triển cho toàn khu vực.
TSKH-KTS Ngô Viết Nam Sơn
4 ĐỊNH HƯỚNG
Về mặt quy hoạch kiến trúc và quản lý đô thị, việc chuẩn bị tiến lên vị thế mới của TP HCM trong tương lai cần đặt nền tảng trên 4 định hướng chiến lược phát triển quan trọng: Kiến tạo động lực phát triển từ văn hóa kinh tế cộng đồng; xây dựng đô thị đáng sống để thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao; ưu tiên phát triển bền vững để bảo vệ môi trường sống tốt; và tăng cao hiệu quả kinh tế đô thị trong mọi dự án đầu tư để thúc đẩy hợp tác công - tư.
Với trên 300 năm lịch sử phát triển đô thị, TP HCM cần bảo tồn những khu đô thị lịch sử đồng thời với việc xây dựng những khu đô thị mới. Cần phải giữ gìn và phát triển được những khu đô thị có bản sắc đặc thù của các cộng đồng, về mặt không gian quy hoạch kiến trúc lẫn đời sống sinh hoạt, kinh tế, văn hóa xã hội, đại diện cho từng thời kỳ đặc trưng trong lịch sử phát triển của TP. Những khu đô thị đa bản sắc như vậy không chỉ là những khu vực đa dạng, hấp dẫn thu hút khách du lịch mà còn là những đơn vị kinh tế đóng góp cho phát triển TP.
Về xây dựng đô thị đáng sống, TP HCM đang hướng đến mục tiêu TP đáng sống nhưng chúng ta có phần lúng túng trước cách đánh giá đa dạng của nước ngoài. Thực tế, không nên xây dựng TP chỉ đáng sống cho một số người có khả năng kinh tế nhưng "khó sống" đối với đa số người dân. Tuy chúng ta có thể tham khảo nước ngoài nhưng vị trí trên bảng xếp hạng không quan trọng bằng việc đó phải là TP đáng sống cho mọi người dân thuộc mọi tầng lớp xã hội. Thử thách lớn nhất hiện nay của việc xây dựng đô thị đáng sống là các cơ quan quản lý phải cùng nhau hợp tác đa ngành, tư duy khoa học để giải quyết từng vấn đề đô thị từ gốc rễ.
Ở định hướng ưu tiên phát triển bền vững, qua gần 3 thập niên sau đổi mới, TP HCM đã đạt nhiều thành tựu phát triển đáng kể về mọi mặt. Tuy nhiên, tình trạng ngập nước, ách tắc giao thông, ô nhiễm môi trường… cũng gia tăng song đôi với quá trình đô thị hóa và đang dần đến mức báo động. Nếu không được xử lý tốt, đây sẽ là những yếu tố kìm hãm sự phát triển của TP.
Những vấn đề đó chỉ được giải quyết khi việc quản lý phát triển TP HCM được chấn chỉnh lại theo hướng bền vững, nghĩa là trong khi đáp ứng những nhu cầu phát triển đô thị hiện tại và trong tương lai gần, luôn luôn phải bảo vệ sự cân bằng môi trường sống tốt, để sau này không phải trả giá quá đắt cho việc sửa chữa sai lầm.
Ảnh: KHÁNH PHAN
Cuối cùng là vấn đề tăng hiệu quả kinh tế đô thị. Những năm qua, TP HCM đã trở thành đầu tàu kinh tế của cả nước, chỉ với 0,6% diện tích tự nhiên, 8,8% dân số của cả nước nhưng đóng góp đến 22% GDP và 30% tổng thu ngân sách cả nước. Dù vậy, TP HCM không nên tự mãn với mức tăng trưởng 9,85%/ năm hiện nay, dù đã khá cao so với các TP trên thế giới, mà phải hướng đến mục tiêu đạt tỉ lệ tăng trưởng cao hơn nữa, để sớm bắt kịp các TP hàng đầu trong vùng. Với chính sách phát triển hiệu quả hơn về mặt kinh tế đô thị, xử lý được tình trạng đầu tư kém hiệu quả các dự án tỉ đô, tình trạng cạnh tranh không lành mạnh và thiếu phối hợp hiệu quả, thậm chí triệt tiêu lẫn nhau giữa các bộ phận kinh tế công - tư, việc tăng tốc phát triển cao hơn nhiều so với hiện nay, có thể đạt đến 2 con số một năm, là điều hoàn toàn khả thi.
Hiệu quả kinh tế đô thị có thể đạt giá trị cộng hưởng với tầm nhìn rộng ra quy mô vùng, khuyến khích phát triển có kế hoạch, có liên kết vùng, nhất là có sự cạnh tranh lành mạnh giữa các cá nhân, các đơn vị, các quận - huyện của TP, giữa các tỉnh - thành khác trong vùng đô thị TP HCM trên mọi lĩnh vực hoạt động của nền kinh tế, xa hơn nữa, là cạnh tranh với các vùng đô thị hàng đầu châu Á như vùng đô thị Thượng Hải, Thâm Quyến, Tokyo và đảo quốc Singapore. TP HCM nên khuyến khích các tập đoàn và công ty liên kết với các công ty nước ngoài, đặc biệt là các công ty của Việt kiều, để mở rộng thị trường ra nước ngoài, tạo động lực phát triển cao trong quá trình hội nhập quốc tế.
Cần quan tâm bảo tồn di sản
Thử thách lớn hiện nay là chính sách bảo tồn di sản vẫn chưa được quan tâm để được nghiên cứu, phê duyệt và thực hiện song song với chính sách phát triển đô thị nhằm đem lại hiệu quả kinh tế - xã hội cao nhất. Tại khu trung tâm TP HCM, 2 vấn đề quy hoạch chiến lược đến nay vẫn chưa làm được. Thứ nhất, quy hoạch điều chỉnh lại khu trung tâm hai bờ Đông Tây theo một đồ án thống nhất, không tách rời, bao gồm khu trung tâm hiện hữu bờ Đông (930 ha) và khu trung tâm mới Thủ Thiêm bờ Tây (730 ha) để giải quyết những vấn đề bất cập, tránh việc 2 khu vực này phát triển cạnh tranh không lành mạnh, không theo quy hoạch. Thứ hai, khuyến khích phát triển khu cao tầng, cao nhất khu trung tâm, tại khu trung tâm mới Thủ Thiêm, trong khi xác định ranh giới khu trung tâm lịch sử ở bờ Tây, kèm theo các chính sách bảo tồn di sản đô thị ở khu vực này.
Bình luận (0)