Khuya qua (10-10), rất đông người dân tranh nhau mua xăng lẻ với giá 30.000 đồng/lít ngay trước cửa cây xăng treo biển hết xăng ở TP Biên Hoà, Đồng Nai.
Bán xăng lẻ kiểu thủ công
Một người đàn ông mang 3 can xăng 30 lít đến trước cây xăng trên đường Đồng Khởi (đối diện Bệnh viện Đa khoa Đồng Nai) bán. Nhiều người dân dừng lại, tranh nhau mua tạo nên cảnh chen lấn.
Anh Giang (nhà gần đó) chờ đợi, nài nỉ mãi mới mua được 30.000 đồng xăng. Anh than thở đã đi 5 cây xăng nhưng không đổ được, đành lòng mua ở đây chứ không còn cách nào khác.
Hình ảnh người dân bao quanh người đàn ông bán xăng 30.000 đồng/lít
Một người dân nài nỉ mới mua được xăng
Liên quan việc bán lẻ xăng như trên, Cảnh sát PCCC tỉnh Đồng Nai thừa nhận tình trạng cầu vượt cung nên một số người tranh thủ đi gom xăng tại nhiều cửa hàng, chứa trong các can nhựa sau đó bán lại kiếm lời.
Việc sang chiết giữa các can nhựa mà không sử dụng các thiết bị chuyên dụng là không đảm bảo an toàn, tiềm ẩn nguy cơ cháy nổ, nguy cơ gây thiệt hại về người và tài sản là rất lớn.
Ngoài ra, theo Cảnh sát PCCC, việc tích trữ xăng, dầu gây cháy, nổ có thể bị xử lý hành chính, thậm chí là xử lý hình sự.
Ghi nhận sáng 11-10, người dân vẫn chờ đợi rất lâu để có thể đổ xăng tại TP Biên Hoà
Theo báo cáo của Sở Công Thương tỉnh Đồng Nai, trong ngày 10-10, toàn tỉnh có 58 cây xăng hết xăng hoặc dầu. Còn ngày 9-10, ghi nhận trên địa bàn tỉnh có 65 cửa hàng thông báo hết xăng hoặc dầu hoặc hết cả xăng và dầu (tăng 25 cửa hàng so với ngày 8-10).
Trời mưa nhưng mọi người vẫn kiên trì chờ đợi tới lượt vào tối qua
Hiện trên địa bàn tỉnh hiện có 1 thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu, 7 thương nhân phân phối xăng dầu và 415 cửa hàng xăng dầu đang hoạt động. Từ ngày 5-10 đến nay, tình hình cung ứng xăng dầu trên địa bàn tỉnh có nhiều biến động, nguồn cung xăng dầu từ các thương nhân đầu mối khan hiếm, bị gián đoạn hoặc không kịp cung ứng hàng.
Vì vậy, các thương nhân phân phối xăng dầu không đủ nguồn hàng cung ứng cho các cửa hàng bán xăng dầu. Bên cạnh đó, chiết khấu hoa hồng thấp cùng các chi phí mặt bằng, nhân công, vận chuyển… không được tính vào giá bán khiến doanh nghiệp thua lỗ. Đã có nhiều cửa hàng bán lẻ xăng dầu trên địa bàn tỉnh treo bảng hết xăng, tạm ngưng chờ nhập hàng hoặc bán cầm chừng, khống chế số lượng bán cho mỗi xe.
Phía Sở Công Thương sẽ tiếp tục kiến nghị Bộ Công Thương sớm có giải pháp cụ thể hỗ trợ, tạo điều kiện cho các thương nhân đầu mối và thương nhân phân phối trong việc tìm kiếm nguồn cung ứng xăng dầu cho người dân và doanh nghiệp vượt qua giai đoạn khó khăn.
Bình luận (0)