Từ lâu, KCN Biên Hòa 1 nằm bên sông Đồng Nai, thuộc TP Biên Hòa (tỉnh Đồng Nai) được xem là nguyên nhân chính dẫn đến nước sông Đồng Nai đoạn chảy qua TP Biên Hòa ô nhiễm nghiêm trọng. Năm 2009, Thủ tướng Chính phủ đã chấp thuận chủ trương cho Đồng Nai di dời, chuyển đổi công năng KCN này. Thế nhưng, gần chục năm qua, mọi việc vẫn giậm chân tại chỗ, khiến chính quyền sốt ruột, dư luận bức xúc.
Bức bách
Ngày 12-10, có mặt ở KCN Biên Hòa 1, chúng tôi ghi nhận một số nhà máy vẫn hoạt động nhộn nhịp, tuy nhiên nhiều đơn vị đã dừng sản xuất, cho thuê lại đất để làm kho bãi, nhà xưởng. Hỏi những người xung quanh khu vực, gần như ai cũng biết chủ trương giải tỏa, di dời KCN và hoàn toàn ủng hộ. "Cũ kỹ quá rồi, hoàn thành sứ mệnh rồi, sông Đồng Nai lại đang ô nhiễm nặng nên việc di dời, giải tỏa cho phù hợp với sự phát triển là chuyện cấp thiết" - ông Nguyễn Văn Chín, nhân viên bảo vệ tại một doanh nghiệp (DN) đang hoạt động trong KCN Biên Hòa 1, cho biết.
Trong khi đó, những người có nhà gần KCN Biên Hòa 1 thì than rằng KCN ngoài việc gây ô nhiễm nguồn nước sông Đồng Nai còn gây ô nhiễm không khí cả vùng, với những ống khói luôn nhả khói đen ngòm tỏa vào khu dân cư. "Các KCN khác trên địa bàn TP Biên Hòa do mới được quy hoạch, xây dựng sau này nên đường sá, hạ tầng bài bản, hoạt động năng động. Riêng KCN Biên Hòa 1 tôi thấy đã quá ọp ẹp. Giải tỏa, di dời đi chứ không thể cứu vãn đâu. Bức bách lắm rồi…" - ông Hóa, cư dân gần KCN Biên Hòa 1, nói.
Các chuyên gia trong lĩnh vực đô thị ví von KCN Biên Hòa 1 thực sự là "vết nám" trên gương mặt đẹp của TP Biên Hòa. Theo họ, KCN này hiện nằm trong khu vực có thể nói là sầm uất và phát triển mạnh nhất ở trung tâm TP Biên Hòa, với hệ thống quốc lộ, đường cao tốc, metro hướng đến. Vì vậy, hình ảnh KCN Biên Hòa 1 với nhà xưởng xập xệ, hệ thống hạ tầng xuống cấp, hàng trăm ống khói ngày đêm phả lên bầu trời, hệ thống xả nước thải cũng liên tục đổ ra hệ thống cống rồi xả thẳng ra sông Đồng Nai… là điều khó có thể chấp nhận.
KCN Biên Hòa 1 có tổng diện tích 323 ha. Nơi đây đang có hơn 80 DN thuê đất, trong đó hơn một nửa có thời hạn thuê đất đến sau năm 2050. Mỗi ngày, các DN trong KCN Biên Hòa 1 xả hơn 9.000 m3 nước thải nhưng chỉ có khoảng 1.000 m3 được đấu nối vào KCN Biên Hòa 2 để xử lý, phần còn lại các DN tự xử lý rồi xả trực tiếp ra sông Đồng Nai.
Dù chủ trương di dời, giải tỏa có gần chục năm nhưng các doanh nghiệp trong KCN Biên Hòa 1 vẫn nhất quyết chưa thực hiện vì cho rằng phương án di dời… chưa ổn!
Giải tỏa gấp, chưa bàn chuyển đổi công năng
Đề án khắc phục ô nhiễm môi trường và chuyển đổi công năng KCN Biên Hòa 1 được UBND tỉnh Đồng Nai giao cho Tổng Công ty Phát triển KCN Sonadezi thực hiện với tổng chi phí hơn 15.000 tỉ đồng. Trong đó, bồi thường, giải phóng mặt bằng gần 7.600 tỉ đồng, chi phí xây dựng gần 2.500 tỉ đồng, hỗ trợ DN, người lao động gần 1.300 tỉ đồng...
Theo lộ trình, đề án trên chia làm 3 giai đoạn thực hiện và sẽ hoàn thành vào năm 2025. Trong đề án, khu vực sẽ được chuyển đổi công năng trở thành trung tâm hành chính tỉnh, khu trung tâm thương mại, đô thị. Thế nhưng, dù Đồng Nai đã đưa ra nhiều phương án để thúc đẩy nhanh đề án giải tỏa, chuyển đổi công năng KCN Biên Hòa 1 nhưng mọi thứ vẫn như ngày đầu, bởi không nhận được sự đồng thuận từ DN đang sản xuất, kinh doanh tại đây. Cụ thể, nhiều DN không đồng tình do chênh nhau giữa các khoản phí di dời, khấu hao, ưu đãi. Chẳng hạn, khi cơ quan chức năng xác định khấu hao hạ tầng máy móc nhà máy ở trị giá bằng 0 vì đã "hết đát" thì DN không chấp nhận, trong khi đó ngân sách không thể đáp ứng. Nhìn chung, các khó khăn chính vẫn là vấn đề về vốn và sự chênh nhau ở mức bù đắp cho DN. Kế đến, có ý kiến đưa ra là phải thuê đơn vị tư vấn độc lập thẩm định giá trị của DN, tuy nhiên lại nảy sinh vấn đề cách thẩm định, thời gian thẩm định và yếu tố trượt giá. Nếu thời gian thẩm định kéo dài thì đề án không phù hợp, lại tiếp tục phải điều chỉnh. Ngoài ra, vấn đề chế độ cho lao động bị ngưng việc trong thời gian di dời cũng nan giải.
Trước thực trạng trên, tại Hội nghị Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Đồng Nai lần thứ 14, khóa X diễn ra ngày 11-10, vấn đề xử lý KCN Biên Hòa 1 một lần nữa được bàn đến. Theo đó, chủ trương mới của tỉnh là để thúc đẩy nhanh việc giải quyết vấn đề cấp bách, trong đó có việc xử lý tình trạng ô nhiễm để cứu sông Đồng Nai, thì trước mắt chưa bàn tới chuyện chuyển đổi công năng, mà tập trung vào di dời, giải tỏa KCN. Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Đồng Nai, ông Nguyễn Phú Cường, đã nhấn mạnh: "KCN Biên Hòa 1 đang gây ô nhiễm rất lớn đối với sông Đồng Nai, nguồn sống của hàng triệu người dân các tỉnh vùng Đông Nam Bộ. Vì vậy, trước mắt chưa tập trung vào việc chuyển đổi công năng KCN Biên Hòa 1, điều đó chưa phù hợp mà phải tập trung vào vấn đề giải tỏa, di dời các DN, đóng cửa KCN Biên Hòa 1".
Biết "đất vàng" nên đòi thêm ưu đãi?
Theo không ít các chuyên gia trong lĩnh vực bất động sản, ngoài những nguyên nhân mà DN nêu ra để chưa di dời thì còn một nguyên nhân nữa khiến dự án cứ thế "treo", đó là DN thừa biết sau khi giải tỏa nơi đây sẽ trở thành "đất vàng" nên họ muốn làm giá để được thêm ưu đãi.
Bình luận (0)