Theo Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Đồng Nai, địa phương hiện có gần 3,3 triệu dân, dự báo còn tăng nhanh bởi dân nhập cư, nhiều khu đô thị mới theo đó hình thành. Toàn tỉnh có 31 KCN đang hoạt động, trong tương lai còn thêm 7 KCN đưa vào hoạt động. Vì vậy, địa phương đang chịu áp lực khá lớn trong quản lý, xử lý ô nhiễm môi trường ở tất cả các mặt như khí thải, nước thải công nghiệp, nước thải sinh hoạt, bảo vệ tài nguyên khoáng sản…
Chia nhỏ dự án để đẩy nhanh triển khai
Điển hình về khí thải, hệ thống quan trắc của tỉnh Đồng Nai vẫn cho thấy những nơi, những thời điểm hàm lượng bụi vượt quy chuẩn. Bằng mắt thường, người dân vẫn có thể nhìn thấy, ghi nhận tình trạng bụi bẩn, ô nhiễm nặng ở nhiều nơi, đặc biệt là ở đô thị.
Bên cạnh áp lực của khí thải, tình trạng xử lý nước thải cho đô thị tại Đồng Nai đang là vấn đề cấp thiết. Trong đó, đặc biệt ở TP Biên Hòa, với dân số đông và ngày càng tăng, hệ thống hạ tầng nhiều nơi không theo kịp tốc độ tăng dân số thì hệ thống xử lý nước thải sinh hoạt lại đang gần bằng… 0. Hiện trên địa bàn tỉnh chỉ có một công trình xử lý nước thải hoàn thành và đưa vào sử dụng, nằm tại TP Biên Hòa, tuy nhiên công trình này chưa có đường ống dẫn nguồn nước thải từ các hộ gia đình đến trạm mà phải tạm thời bơm nước suối nơi nước thải của dân xả xuống đem xử lý rồi trả lại môi trường.
Đã đến lúc phải quyết liệt hơn trong việc di dời KCN Biên Hòa 1, tỉnh Đồng Nai
Theo số liệu thống kê mới nhất, hiện tổng lượng nước thải ở các đô thị trên địa bàn tỉnh Đồng Nai là khoảng 289.000 m3/ngày đêm, trong đó tại TP Biên Hòa là 116.000 m3/ngày đêm, TP Long Khánh là 15.500 m3/ngày đêm, còn lại là các đô thị khác. Tuy nhiên, hiện chỉ hơn 1% nước thải sinh hoạt được thu gom, xử lý theo quy định, còn hơn 98% vẫn đang xả trực tiếp ra môi trường. Trong khi đó, dự án hệ thống thoát nước và xử lý nước thải TP Biên Hòa từng hứa hẹn được đầu tư trong giai đoạn 1 với tổng mức đầu tư hơn 6.600 tỉ đồng, trong đó nguồn vốn ODA hơn 5.300 tỉ đồng và nguồn vốn đối ứng của UBND tỉnh hơn 1.200 tỉ đồng. Dự án dự kiến thực hiện từ năm 2016 đến 2026, tuy nhiên vướng mắc sau đó xảy ra xung quanh các vấn đề mặt bằng, công nghệ và phương án triển khai.
Trước thực tế này, UBND tỉnh Đồng Nai vừa yêu cầu các cơ quan liên quan phải nhanh chóng nghiên cứu giải pháp khắc phục. UBND tỉnh nêu rõ nếu chưa thực hiện được dự án lớn để xử lý ô nhiễm thì chia nhỏ dự án để đẩy nhanh thực hiện. Điển hình có thể chia nhỏ dự án xử lý nước thải thông qua việc đầu tư các trạm xử lý nước có quy mô phù hợp tại các khu vực, tuyến sông, suối trước khi xả ra sông.
Cần sớm xử lý dứt điểm KCN Biên Hòa 1
Theo các chuyên gia trong lĩnh vực môi trường, "bản đồ môi trường" tỉnh Đồng Nai nhìn một cách tổng quan chủ yếu nổi bật quanh con sông Đồng Nai và các phụ lưu của nó như hệ thống sông La Ngà, sông Thị Vải, các KCN, khu bảo tồn thiên nhiên - văn hóa Đồng Nai.
Tháng 9 vừa qua, một kết quả khảo sát cho thấy chất lượng nước sông Đồng Nai đã có nhiều cải thiện. Theo kết quả quan trắc do Trung tâm Quan trắc môi trường miền Nam thực hiện đối với các sông trên 13 tỉnh, thành phía Nam, nước sông Đồng Nai và sông Thị Vải đã đạt chất lượng tốt. Tại 20 vị trí quan trắc cho kết quả đạt bình quân 77-100 điểm, mức độ rất tốt đạt 86% - mức đủ điều kiện cho khai thác sử dụng để cấp nước sinh hoạt, cải thiện khá nhiều so với cùng kỳ năm 2020.
Tuy nhiên, các chuyên gia cho rằng kết quả đó khó giữ được khi tỉnh Đồng Nai trở lại điều kiện bình thường mới sau những ngày siết chặt giãn cách xã hội để phòng chống dịch Covid-19. Vì vậy, để giữ vững kết quả này, Đồng Nai ngoài việc nhanh chóng đầu tư hệ thống xử lý nước thải, cần ra quân xử lý triệt để nạn khai thác cát bừa bãi ở thượng nguồn cũng như triệt để xử lý các cơ sở gây ô nhiễm ở hạ nguồn.
Đặc biệt, các chuyên gia cho rằng đã đến lúc UBND tỉnh Đồng Nai phải đưa ra giải pháp hữu hiệu để xử lý dứt điểm điểm nóng môi trường mang tên KCN Biên Hòa 1 (TP Biên Hòa) - một trong những KCN lâu đời nhất hiện đã hoàn thành sứ mệnh lịch sử, đang gây ô nhiễm trầm trọng. KCN Biên Hòa 1 đã có kế hoạch di dời từ cả chục năm trước nhưng đến nay vẫn chưa thực hiện xong. Điều này đòi hỏi UBND tỉnh Đồng Nai phải kiên quyết hơn.
Bình luận (0)