Ngoài ra sức đẩy nhanh tiến độ các dự án Vành đai 3, Vành đai 4 - TP HCM, mới đây, UBND tỉnh Đồng Nai đã có văn bản thống nhất xây dựng hàng loạt cây cầu kết nối với TP HCM. Đó là các cây cầu tạm gọi là Đồng Nai 2, Phú Mỹ 2 và Cát Lái.
Những cây cầu khai phóng
Nêu lý do thống nhất xây dựng 3 dự án cầu trên, Phó Giám đốc Sở Giao thông Vận tải (GTVT) tỉnh Đồng Nai Nguyễn Bôn cho rằng Đồng Nai và TP HCM nằm ở trung tâm của Đông Nam Bộ, vùng kinh tế phát triển năng động nhất cả nước. Thế nhưng, để kết nối 2 địa phương, hiện nay chỉ có cầu Đồng Nai trên Quốc lộ 1 và cầu Long Thành trên đường cao tốc TP HCM - Long Thành - Dầu Giây, cùng cầu Nhơn Trạch (nối huyện Nhơn Trạch, tỉnh Đồng Nai và TP HCM), cầu Phước Khánh (nối huyện Cần Giờ, TP HCM và huyện Nhơn Trạch) đã khởi công. "Lượng phương tiện ngày càng cao, các hướng đi trên ngày càng quá tải nên việc phải mở thêm tuyến kết nối (cụ thể là cầu) là cấp thiết để phục vụ sự phát triển" - ông Bôn nhấn mạnh.
Theo ông Nguyễn Bôn, cầu Đồng Nai 2 sẽ kết nối TP Thủ Đức, TP HCM với xã Tam An, huyện Long Thành, tỉnh Đồng Nai. Theo định hướng quy hoạch của 2 địa phương, 2 bên bờ sông Đồng Nai đã được quy hoạch và đang xây dựng các khu dân cư, đô thị mới. Do đó, nhu cầu kết nối các khu đô thị dọc 2 bên sông Đồng Nai rất lớn, việc bổ sung quy hoạch vị trí cầu như trên là rất cần thiết nhằm chia sẻ lưu lượng cho cầu Đồng Nai hiện hữu. Ngoài ra, tỉnh Đồng Nai đề nghị TP HCM cập nhật kết nối vào tuyến đường tỉnh 777B đã có trong quy hoạch sử dụng đất huyện Long Thành. Cầu Đồng Nai 2 sẽ có quy mô 6 làn xe, đầu tư trong giai đoạn 2026-2030.
Cầu Đồng Nai kết nối Đồng Nai với TP HCM, Bình Dương quá tải nhiều năm nay. Ảnh: NGUYỄN TUẤN
Đối với cầu Cát Lái (thay phà Cát Lái), đây là dự án đã được Thủ tướng Chính phủ chấp thuận chủ trương bổ sung vào quy hoạch GTVT TP HCM từ năm 2017; năm 2019, Thủ tướng đã chấp thuận giao UBND tỉnh Đồng Nai là cơ quan nhà nước có thẩm quyền triển khai dự án cầu thay thế phà Cát Lái tại Văn bản 1094/TTg-CN ngày 27-8-2019. "Việc sớm triển khai cầu thay phà Cát Lái nhằm chia sẻ lưu lượng với đường cao tốc TP HCM - Long Thành - Dầu Giây, phục vụ kết nối sân bay và sớm thay thế phà Cát Lái để bảo đảm việc lưu thông được an toàn hơn" - Phó Giám đốc Sở GTVT tỉnh Đồng Nai nói về sự cần thiết của dự án. Cầu thay phà Cát Lái có quy mô 6 làn xe, đầu tư trước năm 2025.
Riêng với cầu Phú Mỹ 2 (kết nối khu vực phía Nam TP HCM với huyện Nhơn Trạch, tỉnh Đồng Nai), ông Bôn nhấn mạnh vị trí cầu này kết hợp với tuyến đường ĐT 769D (25C) và tuyến metro số 1 sẽ hình thành tuyến kết nối TP HCM (khu vực phía Nam quận 7) với sân bay Long Thành, khi hình thành tuyến sẽ chia sẻ lưu lượng cho đường cao tốc TP HCM - Long Thành - Dầu Giây vốn đang quá tải. Theo ông Bôn, giai đoạn đầu tư cầu Phú Mỹ 2 là 2026-2030.
Ngoài 3 cây cầu trên, Đồng Nai đang hoàn thiện hệ thống kết nối với tỉnh Bình Dương. Ngoài kết nối lưu thông qua cầu Đồng Nai (Quốc lộ 1), cầu Hóa An (Quốc lộ 1K), cầu Thủ Biên trên đường Vành đai 4 - TP HCM, 2 địa phương này đang đẩy nhanh hoàn thành để sớm đưa vào sử dụng cầu Bạch Đằng 2 nối Tân Uyên (Bình Dương) với Vĩnh Cửu (Đồng Nai). Ngoài ra, tỉnh Đồng Nai vừa bổ sung 4 vị trí cầu kết nối với tỉnh Bình Dương gồm cầu Hiếu Liêm 2, cầu Tân An - Lạc An, cầu Tân Hiền - Thường Tân và cầu Thạnh Hội 2. "Hiện nay, các cầu này đang thực hiện thủ tục bổ sung vào các quy hoạch. Sau khi có quy hoạch, 2 tỉnh sẽ làm việc để thống nhất về đầu tư xây dựng" - ông Bôn thông tin.
Ở hướng kết nối Đồng Nai với tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu (BR-VT), việc triển khai xây dựng dự án cầu Phước An kết nối huyện Nhơn Trạch (Đồng Nai) với thị xã Phú Mỹ (BR-VT) qua sông Thị Vải có chiều dài hơn 3,4 km, tổng mức đầu tư gần 4.900 tỉ đồng đang được thực hiện khẩn trương. Dự kiến cây cầu này sẽ đưa vào khai thác trong giai đoạn 2021-2025, giúp kết nối giữa tuyến đường liên cảng với hệ thống đường cao tốc trong khu vực, thúc đẩy phát triển khu đô thị mới Nhơn Trạch.
Tập trung kết nối đường vào sân bay
Ngoài những dự án cầu nêu trên, để tận dụng những cơ hội phát triển từ sân bay Long Thành, Đồng Nai đã thực hiện rà soát các quy hoạch nhằm tạo mạng lưới giao thông kết nối tốt nhất để khai thác tối đa hiệu quả động lực từ dự án sân bay Long Thành. Từ đây, theo ông Nguyễn Bôn, Sở GTVT đã đề xuất 3 dự án đầu tư xây dựng và nâng cấp, mở rộng các tuyến đường tỉnh 770B, 769 và 773 để hình thành các trục giao thông chính của tỉnh kết nối với sân bay Long Thành. Sau đó, tháng 12-2021, HĐND tỉnh đã thông qua các nghị quyết về chủ trương đầu tư các dự án trên với giai đoạn triển khai là 2022-2027. Theo chủ trương đầu tư được phê duyệt, các dự án này có tổng mức đầu tư hơn 18.500 tỉ đồng.
Vị trí xây dựng cầu Nhơn Trạch thuộc dự án Vành đai 3 - TP HCM kết nối huyện Nhơn Trạch (Đồng Nai) với TP HCM. Ảnh: NGUYỄN TUẤN
Tuyến đường tỉnh 770B là dự án được xây dựng mới hoàn toàn với chiều dài khoảng 42,5 km, điểm đầu giao với đường tỉnh 763 tại xã Suối Nho (huyện Định Quán), điểm cuối tuyến giao với Quốc lộ 51 tại xã Phước Thái (huyện Long Thành). Đường tỉnh 770B khi hoàn thành sẽ tạo sự kết nối giữa các huyện phía Đông, Đông Bắc của tỉnh với sân bay Long Thành, cũng như các khu công nghiệp (KCN) sẽ được mở mới trong thời gian tới gồm Xuân Quế - Sông Nhạn, Bàu Cạn - Tân Hiệp. Đây cũng là tuyến đường kết nối các địa phương ở phía Đông và Đông Bắc của tỉnh với đường cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu, Quốc lộ 51 và khu vực cảng biển Cái Mép - Thị Vải (tỉnh BR-VT). Riêng tuyến đường tỉnh 769 và 773 được đầu tư nâng cấp, mở rộng nhằm bảo đảm nhu cầu kết nối giữa các huyện Xuân Lộc, Cẩm Mỹ, Thống Nhất với sân bay Long Thành. Trong đó, đường tỉnh 769 sẽ góp phần tăng cường khả năng lưu thông giữa Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam với các tỉnh Tây Nguyên, kết nối với sân bay Long Thành; đường tỉnh 773 sẽ là tuyến kết nối 2 địa phương Xuân Lộc và Cẩm Mỹ đến sân bay Long Thành cũng như KCN Xuân Quế - Sông Nhạn.
Để đẩy nhanh tiến độ những dự án này, UBND tỉnh Đồng Nai đã phê duyệt các đề án khai thác quỹ đất vùng phụ cận với diện tích hơn 1.100 ha. Ngoài ra, Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai Cao Tiến Dũng đã chỉ đạo các đơn vị liên quan khẩn trương rà soát để sớm hoàn thiện việc lập báo cáo nghiên cứu khả thi để dự án bảo đảm về đích theo tiến độ đề ra.
Không chỉ các dự án nội tỉnh, để khai thác tối đa hiệu quả của sân bay Long Thành, Sở GTVT tỉnh Ðồng Nai đã có văn bản gửi Sở GTVT tỉnh BR-VT lấy ý kiến đối với các đề xuất phương án hạ tầng giao thông kết nối giữa 2 địa phương. Theo đó, ngoài tuyến Quốc lộ 51C đã được phê duyệt theo quy hoạch mạng lưới đường bộ quốc gia, Sở GTVT tỉnh Ðồng Nai kiến nghị Sở GTVT tỉnh BR-VT xem xét thống nhất phương án kết nối 2 tuyến đường mới từ địa phận huyện Long Thành (Ðồng Nai) đến tuyến đường Mỹ Xuân - Ngãi Giao (BR-VT). Ông Trần Thượng Chí, Giám đốc Sở GTVT tỉnh BR-VT, đã có văn bản phản hồi nêu rõ thống nhất với phương án xây dựng tuyến đường kết nối từ ÐT 770B của tỉnh Ðồng Nai đến đường Mỹ Xuân - Ngãi Giao của tỉnh BR-VT.
Bình Dương - Bình Phước hợp sức!
Theo ông Võ Văn Minh, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương, tỉnh này đã kiến nghị Bình Phước thống nhất về phương án đầu tư đoạn cao tốc TP HCM - Thủ Dầu Một - Chơn Thành đi qua địa bàn 2 tỉnh.
Cụ thể, giai đoạn 1, đoạn từ cầu Khánh Vân đến tỉnh Bình Phước dài 45,6 km với tổng mức đầu tư khoảng 17.300 tỉ đồng, được đầu tư theo hình thức PPP; dự kiến hoàn thành năm 2026. Giai đoạn 2, nâng cấp từ 4 làn lên 6 làn xe, thực hiện một số giải pháp kỹ thuật như xây cầu vượt, hầm chui, đường nhánh. Về phía tỉnh Bình Phước, bà Trần Tuệ Hiền - Chủ tịch UBND tỉnh - cho hay cơ bản đồng ý với kiến nghị của Bình Dương. "Tới đây, UBND tỉnh sẽ báo cáo Thường trực Tỉnh ủy và HĐND tỉnh xem xét bố trí nguồn vốn đoạn cao tốc TP HCM - Thủ Dầu Một - Chơn Thành đi qua tỉnh Bình Phước dài 7 km" - bà Hiền nói.
Ngoài dự án trên, ông Võ Văn Minh còn cho biết UBND 2 tỉnh đã thống nhất giao 2 sở GTVT và các huyện khảo sát, tính toán hướng tuyến và phương án kết nối cụ thể đối với các đường tỉnh và đường huyện giáp ranh 2 tỉnh để trình UBND 2 tỉnh xem xét sớm triển khai.
Bình luận (0)