Loạt bài điều tra của Báo Người Lao Động giải cứu cô bé khỏi "động quỷ" ở gần Khu Công nghiệp Nhơn Trạch (tỉnh Đồng Nai) đã phơi trần bản chất của loại hình kinh doanh dã man này. Nó được kẻ bất lương thiết kế bài bản từ khâu dụ dỗ tìm việc trên mạng, tiếp cận "con mồi" tại bến xe và sang tay sống sượng cho các chủ quán. Nạn nhân của chúng hầu hết là các em gái trẻ 16-17 tuổi, thậm chí là những bé gái có gia cảnh khó khăn. Mong muốn có việc làm lo cho bản thân và giúp đỡ gia đình nhưng thiếu kinh nghiệm nên các em dễ dàng rơi vào tay bọn lừa đảo. Canh chừng các cô là những kẻ bặm trợn và sẵn sàng ra đòn nếu không nghe theo sự sai bảo của chủ quán.
Điều khó hiểu là loại hình cà phê này đã nở rộ cả chục năm qua nhưng đến nay vẫn không dẹp được. Cách đây chưa lâu, CLB Phòng chống tội phạm hiệp sĩ Bình Dương cũng đã giải cứu 3 cô gái khỏi "động quỷ" ở thị xã Dĩ An (tỉnh Bình Dương), thế nhưng chủ quán và những người liên quan không được xử lý thích đáng. Đây cũng là địa bàn nổi tiếng về những quán cà phê "chòi", tạo thành những khu vực được gọi là "những cung đường sung sướng". Kế bên Bình Dương là Đồng Nai cũng có lắm quán cà phê "chòi" ép các cô gái trẻ phục vụ khách. Từ cà phê đồi trụy tiến đến bán thân chỉ là một bước gần, bởi các cô gái trẻ không thể thoát được sự ma mãnh, hung tợn và đầy bất lương của các tú bà chủ quán.
Còn đội ngũ ma cô chực chờ ở các bến xe Miền Đông, Miền Tây (TP HCM) để gạ gẫm các cô gái quê cũng từng được Báo Người Lao Động điểm mặt nhưng qua nhiều năm vẫn tồn tại. Bọn chúng rình rập, luôn sẵn tay thu tiền rồi đẩy các cô gái nhẹ dạ vào vòng chăn dắt của chủ các "động quỷ" trước sự bất lực hoặc thờ ơ của các cơ quan chức năng.
Lạ lùng và bất an nhất chính là hoạt động của các quán này sờ sờ trước mắt bao cơ quan chức năng địa phương nhưng chẳng mấy trường hợp bị dẹp. Trong vụ việc cụ thể ở Bình Dương, một quan chức địa phương cho rằng muốn xử lý thì "phải bắt quả tang, phải có bằng chứng chứ không thể... tin lời các đứa trẻ". Thật lạ, muốn có bằng chứng thì các ông phải theo dõi, điều tra chứ nhìn mà không thấy thì làm sao có bằng chứng? Biện pháp xử lý các cơ quan chức năng đưa ra chỉ là phạt hành chính. Nói cách khác, đóng tiền phạt xong, những "động quỷ" này tiếp tục hoạt động, những bé gái tiếp tục trở thành nạn nhân của bọn ma cô.
Lẽ nào các cơ quan chức năng không đủ năng lực để xử lý những đường dây ma quỷ này? Sự tồn tại của tệ nạn cho thấy sự thờ ơ với những vấn đề xã hội khá nghiêm trọng của các cấp quản lý địa phương. Phát triển đến đâu, phồn hoa thế nào cũng khó khỏa lấp được việc bỏ qua thân phận của những bé gái vì nghèo khó phải sa chân vào "động quỷ".
Bình luận (0)