Lưu lượng thấp
"Hoạt động thu phí trên cả tuyến cao tốc Bắc Giang - Lạng Sơn và Quốc lộ 1 trong những giờ đầu tiên diễn ra suôn sẻ, tình hình an ninh trật tự được bảo đảm, nhưng lưu lượng xe thấp hơn nhiều so với dự kiến", ông Vũ Minh Hoàng, Tổng giám đốc Công ty cổ phần BOT Bắc Giang - Lạng Sơn, cho biết.
Trước đó, cơ quan nhà nước có thẩm quyền là UBND tỉnh Lạng Sơn đã ban hành Quyết định 264/QĐ - UBND ngày 12-2-2020 quy định về giá vé dịch vụ sử dụng đường bộ của dự án thành phần 1, thuộc dự án BOT đầu tư xây dựng tuyến cao tốc Bắc Giang - Lạng Sơn đoạn Km1+800 - Km108+500, kết hợp tăng cường mặt đường Quốc lộ 1 đoạn Km1+800 - Km106+500, tỉnh Bắc Giang và tỉnh Lạng Sơn.
Trong khi tuyến Quốc lộ 1 áp dụng hình thức thu phí lượt thì tuyến cao tốc Bắc Giang - Lạng Sơn sẽ áp dụng hình thức thu phí kín, chủ phương tiện trả tiền theo quãng đường sử dụng, mức phí được áp dụng cho từng loại xe.
Theo đó, mức phí khởi điểm dành cho loại xe dưới 12 ghế ngồi, xe tải có tải trọng dưới 2 tấn; các loại xe buýt vận tải khách công cộng (xe nhóm 1) trên Quốc lộ 1 đoạn Km1+800 - Km106 +500 là 52.000 đồng/lượt. Mức phí dành cho các xe loại 1 trên tuyến cao tốc Bắc Giang - Lạng Sơn là 2.100 đồng/km; mức phí cao nhất được áp dụng cho loại xe nhóm 5 (xe tải có tải trọng từ 18 tấn trở lên; xe chở hàng bằng container 40 fit) là 8.100 đồng/km.
Đường cao tốc Bắc Giang - Lạng Sơn
Điều đáng nói, đây vẫn chưa phải là mức phí mà nhà đầu tư thực hiện dự án đầu tư xây dựng tuyến cao tốc Bắc Giang - Lạng Sơn đề xuất nhằm đảm bảo phương án tài chính của dự án.
Trong văn bản gửi UBND tỉnh Lạng Sơn đề xuất mức phí sử dụng dịch vụ đường bộ của dự án thành phần 1 (gồm trạm thu phí Quốc lộ 1 và cao tốc Bắc Giang - Lạng Sơn), mức phí khởi điểm mà Công ty Cổ phần BOT Bắc Giang - Lạng Sơn đề xuất là 62.000 đồng/lượt/xe nhóm 1 với Quốc lộ 1 và 2.200 đồng/km đối với xe loại 1, 8.600 đồng/km đối với xe nhóm 5 lưu thông trên cao tốc Bắc Giang - Lạng Sơn.
Với mức phí đề xuất, dự án vẫn thiếu khoảng hơn 2.000 tỉ đồng trả lãi vay trong các năm đầu tính từ khi khai thác tuyến cao tốc, dẫn đến chưa đảm bảo dòng tiền trả gốc vay, không thể đáp ứng thời hạn trả nợ đến ngày 31-12-2034 theo hợp đồng tín dụng hai bên đã ký kết...
Cuộc tái sinh thần tốc
Dự án BOT đầu tư xây dựng tuyến cao tốc Bắc Giang - Lạng Sơn (dự án thành phần 1) được khởi công từ năm 2015, nhưng do các nhà đầu tư trước đây không thu xếp được vốn nên bị chậm tiến độ gần 2 năm. Đến tháng 6-2017, hợp phần Quốc lộ 1 chỉ mới đạt 13% sản lượng và chưa triển khai hợp phần cao tốc.
Sau khi tăng cường năng lực nhà đầu tư theo đề nghị của Bộ GTVT, Tập đoàn Đèo Cả đã xử lý các vướng mắc, thu xếp tín dụng để hoàn thành dự án. Tháng 3-2018, hợp phần Quốc lộ 1 đã hoàn thành, đưa vào khai thác sử dụng, tháng 9-2019, 64 km đường cao tốc Bắc Giang - Lạng Sơn đã thông xe, đưa vào khai thác, thiết lập kỷ lục về tiến độ hoàn thành tuyến đường cao tốc sau 2 năm tái khởi động.
Khó khăn chất chồng
Dự án cao tốc Bắc Giang - Lạng Sơn được Chính phủ chấp thuận chủ trương đầu tư tại Văn bản số 2167/TTg-KTN ngày 30-10-2014 và Bộ GTVT phê duyệt đầu tư tại Quyết định 1249/QĐ-BGTVT ngày 9-4-2015 do Công ty Cổ phần BOT Bắc Giang - Lạng Sơn thực hiện, gồm 2 hợp phần: Hợp phần Quốc lộ 1 với chiều dài 110 km; Hợp phần cao tốc (cao tốc Bắc Giang - TP. Lạng Sơn đoạn Km 45+100 - Km 108+500) với chiều dài 64 km. Tổng mức đầu tư toàn bộ dự án là 12.189 tỉ đồng.
Theo hợp đồng ban đầu, dự án có 2 trạm thu phí trên Quốc lộ 1 hoàn vốn cho dự án. Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện, theo đề nghị của UBND tỉnh Lạng Sơn, nhằm tạo sự đồng thuận với người dân, các bên đã thống nhất bỏ trạm thu phí Km24+900 trên Quốc lộ 1; thực hiện việc miễm giảm gần 6.000 phương tiện tại Trạm thu phí Km93+160; đồng thời tuyến cao tốc Hữu Nghị - Chi Lăng kết nối với TP. Lạng Sơn và cửa khẩu Hữu Nghị chưa xác định thời điểm hoàn thành do vướng mắc về nguồn vốn...
Các yếu tố này đã được Kiểm toán Nhà nước, ngân hàng và các bên liên quan xác định là nguyên ngân chính làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến phương án tài chính, phương án tín dụng của dự án cao tốc Bắc Giang - Lạng Sơn. "Chúng tôi chia sẻ với khó khăn của địa phương nhưng với mức phí được phê duyệt, phương án tài chính cho dự án sẽ càng thêm mất cân đối", ông Hoàng lo lắng.
Cần phải nói thêm rằng ngay trong giai đoạn chuẩn bị triển khai thu phí, dự án cao tốc Bắc Giang - Lạng Sơn đã và đang phải đối mặt với tình huống khó khăn mới, nằm ngoài tầm kiểm soát của nhà đầu tư.
Cụ thể, do ảnh hưởng của dịch Covid-19, lượng phương tiện lưu thông trên hai tuyến Quốc lộ 1 và cao tốc Bắc Giang - Lạng Sơn sụt giảm khoảng 40%, từ bình quân 11.000 lượt xe/ngày đêm xuống còn khoảng 7.000 lượt xe/ngày đêm so với thời điểm chưa xuất hiện dịch. Điều này càng khiến phương án tài chính của dự án thêm khó khăn.
"Với các bất cập về phương án tài chính hiện nay chưa được giải quyết, đồng thời tuyến Chi Lăng - Hữu Nghị chưa hoàn thành, điểm đầu Chi Lăng của tuyến cao tốc Bắc Giang - Lạng Sơn còn cách TP Lạng Sơn khoảng 30 km và cách cửa khẩu Hữu Nghị khoảng 43 km khiến dự án đang gặp nhiều khó khăn trong việc hoàn vốn đầu tư", ông Hoàng nói.
Trước thực trạng khó khăn của dự án, vừa qua, nhà đầu tư đã có văn bản đề nghị UBND tỉnh Lạng Sơn sớm báo cáo cơ quan trung ương về các khó khăn liên quan đến phương án tài chính của dự án và có các giải pháp bổ sung nguồn vốn ngân sách nhà nước hỗ trợ cho dự án giống như những dự án cao tốc khác, tránh việc phải dừng khai thác, hướng tới việc vận hành ổn định, lâu dài.
Bảng so sánh một số dự án khác
Một số tuyến | Chiều dài (km) | Mức phí (đồng) | Bình quân (đồng/Km) |
Quốc lộ 1A đoạn Km1+800 -:- Km106+500, Tỉnh Bắc Giang, Lạng Sơn | 110.00 | 52,000.00 | 472.73 |
Quốc lộ 1A đoạn Km 1374+525 -:- Km1392 và Km1450-Km1425, Tỉnh Khánh Hòa | 37.50 | 41,000.00 | 1,093.33 |
Quốc lộ 91 và Quốc lộ 15, tỉnh Cần Thơ, An Giang | 52.00 | 41,300.00 | 794,23 |
Quốc lộ 1A đoạn Nghi Sơn (Thanh Hóa), Cầu Giát (Nghệ An) | 34.00 | 35,000.00 | 1,029.41 |
Bình luận (0)