Nằm cách thủ đô Hà Nội khoảng 160 km về phía Nam, Thanh Hóa trong vài năm trở lại đây nổi lên là một khu vực sôi động của thị trường bất động sản (BĐS) phía Bắc. Nhiều tập đoàn lớn, nhà đầu tư đã bỏ ra hàng ngàn tỉ đồng xây dựng các đô thị xanh thông minh, các khu vui chơi, nghỉ dưỡng mang tầm quốc tế, khu vực.
"Đại đô thị" ở TP Sầm Sơn, TP Thanh Hóa
5 năm trước, TP Sầm Sơn vẫn là một thị xã bé nhỏ, du lịch phát triển manh mún, mùa vụ, cơ sở hạ tầng nghèo nàn. Giờ đây, Sầm Sơn "lột xác" kể từ khi Tập đoàn FLC đầu tư hàng ngàn tỉ đồng xây dựng khu vui chơi, giải trí, sân golf, khu nghỉ dưỡng cao cấp rộng hàng trăm hecta sát bờ biển.
Việc FLC Sầm Sơn đi vào hoạt động đã kéo theo hàng loạt dự án BĐS du lịch, các khách sạn VIP đua nhau mọc lên, biến Sầm Sơn nhanh chóng trở thành một "đại đô thị" biển hiện đại. Trong 3 năm nay, Sầm Sơn mỗi năm thu hút hàng triệu lượt du khách đến vui chơi, nghỉ dưỡng. Biển Sầm Sơn nhanh chóng lọt vào tốp những bãi biển đông khách nhất cả nước.
Một góc trung tâm hành chính mới của TP Thanh Hóa
Ông Lương Tất Thắng, Chủ tịch UBND TP Sầm Sơn, cho biết ngoài FLC, nhiều tập đoàn lớn đang quan tâm đầu tư vào TP. Địa phương sắp triển khai một "siêu dự án" sinh thái, nghỉ dưỡng có diện tích lên tới 1.260 ha, với mức đầu tư dự kiến hơn 1 tỉ USD, do Công ty CP Tập đoàn Mặt Trời (Sun Group) lập quy hoạch chi tiết 1/500. "Địa phương đang gấp rút triển khai giải phóng mặt bằng để giao đất cho nhà đầu tư. Dự án này đi vào hoạt động sẽ góp phần không nhỏ trong việc làm thay đổi bộ mặt TP" - ông Thắng nhận xét.
Trong khi đó, TP Thanh Hóa, trung tâm kinh tế - chính trị của tỉnh Thanh Hóa, những năm qua cũng phát triển nhanh chóng. Thị trường BĐS tại TP này đang "nóng" khi xuất hiện hàng loạt đô thị mang phong cách châu Âu của các công ty, tập đoàn lớn. Điển hình là các đô thị xanh thông minh của Vingroup, Eurowindow... Trong số này, trung tâm thương mại cao 36 tầng tại phường Điện Biên, khu đô thị rộng 130 ha ở phường Đông Hải của Vingroup với tổng mức đầu tư hơn 10.000 tỉ đồng đã làm thay đổi hoàn toàn diện mạo TP Thanh Hóa.
Đất "sốt" giá, rừng "ngộp thở"
Gần đây, nhiều tập đoàn tiếp tục xin lập quy hoạch xây dựng các khu đô thị lớn khác tại Thanh Hóa, như: "đại đô thị" 1.600 ha ở huyện Đông Sơn; một dự án với điểm nhấn là 2 tòa nhà cao 42 tầng...
Việc xuất hiện hàng loạt dự án đô thị, khu nghỉ dưỡng lớn khiến giá đất tại tỉnh Thanh Hóa những năm gần đây được đẩy lên chóng mặt, gây ra tình trạng "sốt ảo". Nhiều khu đất "vàng" bị các công ty lớn thâu tóm; vấn đề an sinh xã hội cũng có nhiều thách thức.
Mới đây, TP Thanh Hóa đưa ra đấu giá một khu đất "vàng" và làm lợi cho ngân sách tới 548 tỉ đồng. Đây là khu đất đã được tổ chức đấu giá 3 lần. Hai lần trước, việc đấu giá có sự "thông thầu", vi phạm Luật Đấu giá khi giá trúng thầu chỉ cao hơn giá khởi điểm vài tỉ đồng. Đến lần thứ 3, khu đất này được đấu giá có sự giám sát chặt chẽ của người dân, với giá khởi điểm 666,4 tỉ đồng. Một công ty ở TP Thanh Hóa trúng thầu với 1.215 tỉ đồng, cao hơn giá khởi điểm 548 tỉ đồng. Đáng nói, đây cũng chính là công ty đã trúng thầu lần thứ nhất với giá 437 tỉ đồng - chênh hơn 3 tỉ đồng so giá khởi điểm.
Tại TP Sầm Sơn, việc các khu nghỉ dưỡng, khách sạn cao cấp ồ ạt xuất hiện cũng đang làm cho dãy núi Trường Lệ "ngộp thở". Hàng chục hecta đất rừng đặc dụng ở đây bị "xóa sổ" để thực hiện các dự án du lịch. Năm 2012, Công ty CP Xây dựng và Thương mại Đại Long đã xin chủ trương lập quy hoạch để thực hiện dự án "Khu vườn đảo hoang và hoài niệm thuộc Khu sinh thái núi Trường Lệ". Dự án này xin "xóa sổ" 222 ha rừng đặc dụng và đã được UBND tỉnh Thanh Hóa đồng ý. Song, đến nay, dự án vẫn chưa được phê duyệt do vướng các thủ tục và nhiều sở, ngành còn cân nhắc trước việc mất gần như toàn bộ đất rừng đặc dụng.
Đề cập chuyện hàng loạt dự án hoành tráng đổ vào Thanh Hóa, một cán bộ hưu trí băn khoăn: "Cần nhớ lại vụ việc năm 2016, khi hàng ngàn người dân TP Sầm Sơn kéo lên tỉnh để phản đối việc xóa sổ các bến thuyền của ngư dân để triển khai dự án du lịch Không gian ven biển đường Hồ Xuân Hương. Sự việc chỉ dừng lại khi ông Trịnh Văn Chiến, Bí thư Tỉnh ủy Thanh Hóa, trực tiếp đứng ra đối thoại với người dân, đồng ý để lại 4 bến thuyền dọc bờ biển cho dân ra khơi".
Tồn tại nhiều vấn đề
Theo ông Hoàng Văn Hưng, Giám đốc Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng số 2 - TP Thanh Hóa, việc phát triển đô thị ồ ạt cũng để lại nhiều vấn đề: Các dự án sẽ lấy rất nhiều đất mà người dân đang sử dụng, kể cả đất lúa nên họ sẽ thiếu công ăn việc làm; gây ô nhiễm môi trường, ngập lụt...
"TP Thanh Hóa hiện là 1 trong 3 đô thị lớn nhất Bắc Trung Bộ, với quy mô dân số khoảng 435.000 người, có 34 đơn vị hành chính cấp xã - phường. Vì thế, để xây dựng một TP xứng tầm, kết nối được với các vùng lân cận, đặc biệt là thủ đô Hà Nội, thì ngoài giải quyết các vấn đề an sinh cho dân, cần quan tâm cải tạo, chỉnh trang, nâng cấp các khu đô thị, khu dân cư cũ, mở rộng các tuyến đường giao thông" - ông Hưng nhấn mạnh.
Bình luận (0)