ĐBQH Nguyễn Hữu Cầu (Nghệ An) cho biết cử tri vẫn còn tâm tư, trăn trở về lãng phí, thất thoát tài sản, ngân sách Nhà nước, nhất là trong đất đai và xây dựng cơ bản. "Cá biệt như dự án nạo vét xây kè sông Sào Khê ở Ninh Bình được điều chỉnh tăng 36 lần, từ 72 tỉ lên 2.595 tỉ đồng đã chứng minh tâm tư của cử tri là có cơ sở".
Sáng nay, 25-5, Quốc hội (QH) bắt đầu phiên thảo luận tại hội trường kéo dài 1 ngày rưỡi về các báo cáo đánh giá bổ sung kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách Nhà nước năm 2017, những tháng đầu năm 2018 (trong đó có kết hợp thảo luận cùng báo cáo về kết quả thực hành tiết kiệm, chống lãng phí năm 2017).
Trong bài phát biểu của mình, đại biểu (ĐB) Nguyễn Hữu Cầu (Nghệ An) bày tỏ sự đồng tình với báo cáo kinh tế - xã hội của Chính phủ với với những con số tăng trưởng rất ấn tượng. Nhờ quyết tâm chính trị cao của Đảng, Nhà nước, kết quả đấu tranh phòng chống tham nhũng đã làm nức lòng cử tri cả nước. Với những thành tựu đạt được, chỉ số lòng tin của nhân dân từng bước được nâng lên, tuy nhiên cử tri đòi hỏi QH, Chính phủ chỉ đạo nhanh hơn, nhiều hơn, quyết liệt hơn những vấn đề bức xúc đang đặt ra.
Vị ĐB đồng thời là Giám đốc Công an tỉnh Nghệ An nêu những băn khoăn về suy thoái đạo đức, kỷ cương, phép nước chưa nghiêm.
"Thời gian gần đây đã xảy ra những câu chuyện động trời, gây bất bình dư luận, như đốt than tre làm thuốc trị ung thư, cô giáo phạt học sinh uống nước giặt giẻ lau bảng… Tình trạng bạo lực học đường, bạo lực trong bệnh viện, các vụ thảm án giết nhiều người và còn nhiều những câu chuyện động trời khác"- ĐB Nguyễn Hữu Cầu nói.
Ông Cầu cho biết cử tri lo lắng và tâm tư rằng ước gì đời sống kinh tế vật chất được như hiện nay, còn đạo đức xã hội được như ngày xưa. Nguyên nhân của thực trạng đáng buồn trên có nhiều, nhưng cốt yếu nhất là sự xuống cấp về đạo đức, sự buông lỏng kỷ cương phép nước. Vì thế, kiến nghị QH, Chính phủ cần có những giải pháp cứng rắn, mạnh tay, trừng trị, đẩy lùi những hành vi mất nhân tính nêu trên.
Theo ĐB Nguyễn Hữu Cầu, cử tri phấn khởi với kết quả phòng chống tham nhũng thời gian gần đây, nhưng vẫn còn tâm tư, trăn trở về lãng phí, thất thoát tài sản, ngân sách Nhà nước, nhất là trong đất đai và xây dựng cơ bản, tình trạng giao đất cho chủ đầu tư thực hiện dự án lớn nhưng chưa thực hiện quyền sử dụng đất gây thất thoát ngân sách, đất để hoang nhiều năm không triển khai gây lãng phí, trong khi dân không có đất sản xuất, dự án treo còn xảy ra nhiều, xảy ra tình trạng đầu cơ, chọn đất vàng chuyển nhượng để phục vụ lợi ích cá nhân, còn Nhà nước thất thoát lớn.
Trong xây dựng cơ bản, ông Cầu cũng dẫn phép so sánh khi cử tri cho rằng "nếu xây dựng một ngôi nhà có cùng thiết kế thì người dân chỉ xây hết 650 triệu đồng, nhưng Nhà nước xây hết 1 tỉ đồng, thậm chí chất lượng, thẩm mỹ không bằng nhà người dân xây".
Từ thực trạng ấy, cử tri kiến nghị Nhà nước nên tính toán lại các định mức, tính toán lại các vấn đề bù giá, trượt giá, nếu không sẽ còn thất thoát hơn rất nhiều, mà thực tiễn 12 dự án thua lỗ Chính phủ đang xử lý rốt ráo hiện nay là một ví dụ nhãn tiền.
"Gần đây thì xuất hiện thêm những vấn đề xung quanh các dự án BOT, BT, cổ phần hoá doanh nghiệp, cá biệt như dự án nạo vét xây kè sông Sào Khê ở Ninh Bình được điều chỉnh tăng 36 lần, từ 72 tỉ lên 2.595 tỉ đồng đã chứng minh tâm tư của cử tri là có cơ sở"- ông Cầu nói.
Bình luận (0)