Sau 15 năm dự án đường sắt Yên Viên - Phả Lại - Hạ Long - Cái Lân ngưng trệ và 10 năm các hạng mục thi công bị "đắp chiếu", Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng vừa yêu cầu Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) khẩn trương báo cáo cấp có thẩm quyền quyết định số phận dự án này, đó là tiếp tục triển khai hay kết thúc.
Dự án dang dở, khiếu kiện kéo dài
Dự án trên được Thủ tướng Chính phủ cho phép đầu tư tại Văn bản số 75/CP-CN ngày 9-1-2004 có tổng chiều dài 131 km, trong đó có 43 km xây dựng mới và 88 km cải tạo, nâng cấp đường cũ. Điểm đầu dự án từ tim ga Yên Viên (TP Hà Nội) và điểm cuối là bãi xếp dỡ của cảng Cái Lân (tỉnh Quảng Ninh). Tổng mức đầu tư dự án là 7.665 tỉ đồng, từ nguồn vốn trái phiếu Chính phủ.
Dự án được khởi công vào năm 2005, chia thành 4 tiểu dự án thành phần, vận hành độc lập. Từ năm 2007-2009, chủ đầu tư (lúc đó là Cục Đường sắt Việt Nam) triển khai ký hợp đồng với các nhà thầu để cung cấp vật tư thiết bị (ray, ghi, tà vẹt, các loại phụ kiện liên kết đồng bộ), với tổng chi khoảng hơn 4.200 tỉ đồng.
Theo thiết kế, tuyến đường sắt mới này sử dụng đường lồng (gồm đường khổ 1.435 mm và 1.000 mm), ray hàn liền, tốc độ 120 km/giờ cho tàu khách và 80 km/giờ cho tàu hàng. Sau khi hoàn thành, tàu không phải chạy ngược từ ga Yên Viên (Hà Nội) lên ga Kép (Bắc Giang) và hành trình chạy từ Hạ Long (Quảng Ninh) về Yên Viên còn 1,5-2 giờ (với tàu khách), 3-4 giờ (với tàu hàng).
Dự kiến hoàn thành năm 2011 nhưng trên thực tế, từ năm 2010 đến nay bị "đắp chiếu" và đang tạm dừng triển khai theo chủ trương cắt giảm đầu tư công tại Nghị quyết số 11/2011/NQ-CP của Chính phủ. Cho đến nay, nhiều hạng mục của dự án như vật tư, thiết bị có giá trị hàng trăm tỉ đồng phải "đắp chiếu" nhiều năm nhưng không thể thanh lý để thu hồi vốn ngân sách vì dự án chưa kết thúc.
Trong văn bản gửi Bộ GTVT, cử tri tỉnh Quảng Ninh cho rằng dự án ngưng trệ gây lãng phí tài nguyên đất đai, ảnh hưởng đến phát triển kinh tế - xã hội chung của tỉnh và phát sinh nhiều vướng mắc, bất cập cho đời sống người dân trong vùng quy hoạch dự án. Nhiều năm qua, người dân không được xây dựng, sửa chữa, chuyển nhượng nhà ở, đất đai nhưng cũng không được đền bù và di dời, từ đó dẫn đến khiếu kiện kéo dài. Theo thống kê, trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh có 3.616 hộ dân bị ảnh hưởng do dự án đi qua.
Cử tri tỉnh Hải Dương cũng phản ánh dự án đã triển khai 15 năm nhưng đang dừng thi công, gây ra nhiều hệ lụy. Do đó, cử tri tỉnh này đề nghị Bộ GTVT sớm khôi phục lại dự án và hoàn thành trong thời gian sớm nhất hoặc nếu dừng thì hoàn trả mặt bằng để người dân ổn định cuộc sống.
Từ nhiều năm qua, do thiếu kết nối với các tuyến, mỗi ngày ga Hạ Long (tỉnh Quảng Ninh) chỉ đón, đưa một chuyến tàu với khoảng gần 30 hành khách. Ảnh: TRỌNG ĐỨC
Làm tiếp hay dừng?
Trước khi Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng có chỉ đạo, Bộ GTVT đã đề xuất Thủ tướng Chính phủ phương án sử dụng số ray, ghi, tà vẹt, các loại phụ kiện liên kết đã mua sắm của dự án này vào các dự án cải tạo, nâng cấp tuyến đường sắt Hà Nội - TP HCM.
Tuy nhiên, Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư không đồng tình, vì theo Luật Quản lý, sử dụng tài sản công, hàng ngàn tấn vật tư, thiết bị thừa này là tài sản công, chỉ được thanh lý sau khi dự án kết thúc. Do vậy, khối vật tư, thiết bị này vẫn vạ vật nằm chờ xuống cấp từng ngày.
Theo tính toán của Bộ GTVT, để dự án có thể tiếp tục, cần thêm 6.000 tỉ đồng bên cạnh 4.556,4 tỉ đồng vốn trái phiếu Chính phủ đã được bố trí, tức là tổng mức đầu tư "đội" lên thành 10.556 tỉ đồng so với 7.665 tỉ đồng được phê duyệt năm 2004. Lý do tăng là thay đổi về giá nguyên vật liệu, nhân công, kinh phí giải phóng mặt bằng.
Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Ngọc Đông cho biết dự án này đã ngừng triển khai từ năm 2011. Tới năm 2015, dự án được đánh giá lại, tính toán nhu cầu vốn cần bổ sung để tiếp tục triển khai. Bộ GTVT cũng đã đề xuất vốn cho dự án trong kế hoạch vốn trung hạn giai đoạn 2016-2020, song do không cân đối được vốn nên dự án vẫn chưa thể khởi động trở lại.
Về việc đánh giá lại dự án để quyết định có nên tiếp tục hay kết thúc như yêu cầu của Chính phủ, ông Nguyễn Ngọc Đông nói: "Bộ GTVT đang giao Viện Chiến lược GTVT và Ban Quản lý dự án đường sắt nghiên cứu tính toán tổng nhu cầu vốn để Chính phủ xem xét khả năng cân đối vốn, báo cáo Quốc hội xem xét tại kỳ họp cuối năm 2020. Nếu kịp, có thể giao cho kế hoạch vốn trung hạn giai đoạn 2021-2025 để triển khai dự án trở lại".
Trả lời các câu hỏi liên quan đến dự án đã ngừng trệ khá lâu, hiệu quả cũng giảm sút do tính kết nối không cao, bị cạnh tranh với đường bộ cao tốc cùng tuyến..., ông Đông khẳng định dự án này phù hợp chung với quy hoạch mạng lưới đường sắt toàn quốc cũng như nhu cầu vận tải. Các cơ quan thuộc Bộ GTVT sẽ tính toán kỹ về khối lượng còn lại phải triển khai, ước tính kinh phí, có thể phân kỳ làm từng đoạn để đẩy nhanh kết nối tới cảng Cái Lân. Hiện tuyến đường sắt này đã hoàn thiện đoạn 5 km từ Hạ Long - Cái Lân nhưng phải sử dụng tuyến đường sắt cũ để kết nối.
"Tuyến đường sắt này sẽ phải cạnh tranh gay gắt với đường bộ song song cùng tuyến. Tuy nhiên, đối tượng phục vụ chủ yếu là hàng hóa, vào cảng biển Cái Lân. Nếu so về chi phí, vận chuyển tàu hàng sẽ rẻ hơn nhiều so với vận chuyển hàng hóa bằng xe container đường bộ" - ông Đông đánh giá.
Bộ GTVT không muốn dừng
Trả lời kiến nghị của cử tri tỉnh Quảng Ninh, Bộ GTVT cho biết vừa qua, thực hiện ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, bộ đã triển khai rà soát, đánh giá tổng thể về dự án. Theo kết quả rà soát của tư vấn cho thấy dự án có hiệu quả về kinh tế; nếu tiếp tục dừng - giãn, dự án sẽ không phát huy được hiệu quả nguồn vốn đã được đầu tư và tiếp tục có những thiệt hại nhất định.
Dù vậy, trong bối cảnh nguồn lực đầu tư khó khăn như hiện nay, Bộ GTVT đã kiến nghị Thủ tướng xem xét nghiên cứu, kêu gọi để tiếp tục đầu tư theo hình thức xã hội hóa đối với các hạng mục còn lại để hoàn thành dự án.
Bình luận (0)