Theo ông Nguyễn Anh Minh, Giám đốc Sở Giao thông Vận tải (GTVT) tỉnh Bình Dương, xác định phát triển hạ tầng giao thông, nhất là giao thông đối ngoại để kết nối đồng bộ, thông suốt với vùng, khu vực là đòn bẩy thúc đẩy tiến trình công nghiệp hóa, đô thị hóa, phát triển kinh tế - xã hội một cách bền vững nên năm 2022, tỉnh Bình Dương ưu tiên mọi nguồn lực để khởi công và hoàn thành hàng loạt dự án giao thông trọng điểm.
Đẩy nhanh dự án kết nối vùng
"Trong các dự án giao thông trọng điểm, các dự án mang tính kết nối vùng được chúng tôi đặc biệt chú trọng và theo sát tiến độ" - ông Nguyễn Anh Minh nhấn mạnh. Theo đó, hiện tại đang gấp rút đẩy nhanh tiến độ hoàn thành để đưa vào sử dụng đường tạo lực Bắc Tân Uyên - Phú Giáo - Đồng Phú. Đây là dự án có tổng mức đầu tư trên 965 tỉ đồng, với chiều dài 12,15 km, điểm đầu tuyến là cầu Tam Lập - ranh giới giữa huyện Phú Giáo và huyện Bắc Tân Uyên, điểm cuối tuyến là ranh giới giữa huyện Phú Giáo và huyện Đồng Phú của tỉnh Bình Phước. "Đường được thiết kế 6 làn xe với vận tốc 80 km/giờ. Khi thông xe, tuyến đường không chỉ góp phần phát triển kinh tế - xã hội, lưu thông hàng hóa mà còn tạo đà bứt phá cho Bình Dương, Bình Phước trong những năm tiếp theo" - Giám đốc Sở GTVT tỉnh Bình Dương nhấn mạnh.
Ngã tư Chợ Đình (TP Thủ Dầu Một) sẽ có thêm hầm chui, không chỉ giải quyết ùn tắc giao thông mà còn tạo mỹ quan đô thị
Nói đến dự án giao thông kết nối vùng thì không thể không kể đến dự án cầu Bạch Đằng 2, kết nối thị xã Tân Uyên (Bình Dương) với huyện Vĩnh Cửu (Đồng Nai) đang được gấp rút xây dựng. Theo UBND tỉnh Bình Dương, Đồng Nai và Bình Dương là 2 tỉnh nằm trong Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam. Do điều kiện tự nhiên, 2 tỉnh ngăn cách bởi sông Đồng Nai, việc lưu thông qua lại hiện nay thông qua một số cây cầu trên các tuyến như cầu Đồng Nai (Quốc lộ 1), cầu Hóa An (tuyến Quốc lộ 1K), cầu Thủ Biên trên vành đai 4. Tuy nhiên, do vị trí các cầu cách nhau khá xa đã tạo sự ngăn cách về giao thông giữa 2 tỉnh, ảnh hưởng đến phát triển kinh tế, thương mại của vùng, nhất là kết nối giữa trung tâm thị xã tân Uyên và huyện Vĩnh Cửu. Do đó, việc xây cầu Bạch Đằng 2 sẽ tạo thuận lợi cho việc lưu thông hàng hóa, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của 2 tỉnh. Đặc biệt, góp phần từng bước hoàn thiện hệ thống giao thông liên tỉnh trong khu vực Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, giúp kết nối giao thương các KCN phía Bình Dương với KCN ở TP Biên Hòa, huyện Vĩnh Cửu và Trảng Bom của tỉnh Đồng Nai.
Đặc biệt, hiện Bình Dương đang dồn lực để hoàn thành dự án đường Thủ Biên - Đất Cuốc. Dự án đường này là một trong những tuyến đường trọng điểm, nằm trong phân đoạn của tuyến Vành đai 4 dài 198 km, đi qua TP HCM, Long An, Bình Dương, Đồng Nai và Bà Rịa - Vũng Tàu. Dự án khi đi vào sử dụng sẽ tạo đà tăng tốc cho huyện Bắc Tân Uyên, tạo điều kiện liên kết vùng phát triển kinh tế - xã hội địa phương, đặc biệt là thu hút các doanh nghiệp nước ngoài đầu tư vào 2 KCN lớn KSB và VSIP 3...
Ngoài 3 dự án trên, theo ông Nguyễn Anh Minh, Bình Dương sẽ thống nhất với TP HCM để sớm triển khai đầu tư nút giao Sóng Thần và đường từ cầu vượt Sóng Thần đến đường Phạm Văn Đồng (TP HCM). Tranh thủ sự đồng tình của Bộ GTVT, kiến nghị Chính phủ cho tỉnh Bình Dương nghiên cứu đầu tư tuyến đường sắt công nghiệp Bàu Bàng - Thị Vải, kéo dài tuyến metro Bến Thành - Suối Tiên về phía TP Dĩ An…
Huy động tối đa vốn ngoài ngân sách
Ông Nguyễn Anh Minh cho rằng do quan tâm đặc biệt đến hạ tầng giao thông nên Bình Dương luôn cần nguồn vốn rất lớn để thực hiện. Vì vậy, việc huy động nguồn vốn ngoài ngân sách đầu tư xây dựng luôn được địa phương xem là nhiệm vụ trọng tâm và việc huy động này đã và đang đạt được những kết quả khả quan. Trong đó đáng kể nhất là các dự án Mỹ Phước - Tân Vạn, dự án mở rộng ĐT.746 (đoạn từ cầu Tân Khánh - thị xã Tân Uyên đến đường Vành đai 4), dự án ĐT.747b (đoạn từ miếu Ông Cù - TP Thuận An đến giáp ĐT.747a - thị xã Tân Uyên), dự án ĐT.743 (đoạn từ miếu Ông Cù đến cầu vượt Sóng Thần - TP Dĩ An)…
Kế thừa những kết quả đạt được trong huy động vốn ngoài ngân sách, Bình Dương sẽ đẩy mạnh triển khai các dự án hầm chui, cầu vượt trên địa bàn nhằm tạo ra hệ thống giao thông hạ tầng đồng bộ, tạo cảnh quan đô thị thông thoáng và chống ùn tắc tại các điểm nóng. Cụ thể, Bình Dương sẽ triển khai dự án hầm chui ngã tư Chợ Đình (phường Phú Cường, TP Thủ Dầu Một) với quy mô 2 làn xe, từ đường Yersin qua Phú Lợi, chiều dài hầm 450 m (100 m hầm kín và 350 m hầm hở); dự án hầm chui ngã năm Phước Kiến (phường Hiệp Thành, TP Thủ Dầu Một) với quy mô dự kiến 4 làn xe, từ đường Huỳnh Văn Cù qua đường Phạm Ngọc Thạch, chiều dài hầm 450 m (100 m hầm kín và 350 m hầm hở). Ngoài ra, tập trung triển khai dự án cải tạo hạ tầng giao thông công cộng trên đường Mỹ Phước - Tân Vạn (đoạn qua TP Thủ Dầu Một, TP Thuận An và TP Dĩ An) với quy mô xây dựng 6 cầu vượt ôtô khác mức, 6 cầu vượt cho người đi bộ.
Ông Nguyễn Lộc Hà, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương, cho hay đối với các dự án xây cầu vượt, hầm chui hay đường cao tốc chính phủ đã giao địa phương làm nhưng không giao kinh phí, Bình Dương đang tính toán 2 phương án. "Một là, thực hiện theo phương án đối tác công tư (PPP) nhưng đền bù thì vẫn phải do Nhà nước bỏ tiền ra thực hiện. Hai là, với những dự án có nhà đầu tư đang làm BOT thì vẫn tiếp tục làm. Tuy nhiên, sẽ có nhiều vướng mắc về thủ tục, do đó Bình Dương đang xin ý kiến của trung ương, còn hồ sơ và phương án thì địa phương đã thực hiện xong. Đối với những dự án này phải triển khai thực hiện sớm để giảm tải tình trạng ùn tắc giao thông vào giờ cao điểm" - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương nhấn mạnh.
Hai dự án đã "khai phóng" Bình Dương
Theo ông Nguyễn Anh Minh, Giám đốc Sở GTVT tỉnh Bình Dương, những dự án đã hoàn thành giúp Bình Dương bứt phá thời gian qua, đứng đầu danh sách phải kể đến là Quốc lộ 13 và đường cao tốc Mỹ Phước - Tân Vạn (do Tổng Công ty Becamex IDC làm chủ đầu tư). "Hai dự án này gần như quyết định về phát triển công nghiệp, dịch vụ, đô thị của Bình Dương" - ông Nguyễn Anh Minh nhấn mạnh.
Bình luận (0)