Ngày 21-8, ông Hòa Quang Khiêm - Chủ tịch UBND huyện M’Đrắk, tỉnh Đắk Lắk - cho biết chính quyền địa phương đang tổ chức thống kê thiệt hại của người dân do dự án hồ thủy lợi Krông Pách Thượng chặn dòng để thi công đập chính, gây ngập.
Làm khổ người dân
Trước đó, tháng 3-2020, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN-PTNT) ký quyết định phê duyệt kế hoạch chặn dòng thi công vượt lũ đập đất số 1, thuộc cụm công trình đầu mối của dự án hồ thủy lợi Krông Pách Thượng.
Những ngày qua, do mưa lớn cùng với việc chặn dòng thi công đập chính của dự án này đã khiến một vùng rộng lớn chìm trong nước.
Ông Giàng Seo Chúng (ngụ thôn 11, xã Cư San) phản ánh việc đắp đập, chặn dòng khiến ruộng lúa của gia đình ông và nhiều hộ dân chuẩn bị đến kỳ thu hoạch ngập úng, người dân phải lặn ngụp trong nước để cắt lúa non nhằm vớt vát thiệt hại.
Theo ghi nhận, chỉ riêng xã Cư San, khoảng 40 ha cây trồng của hàng trăm hộ dân bị thiệt hại. Ngoài ra, nước dâng cao khi người dân vẫn đang sinh sống trong vùng còn tiểm ẩn nguy cơ mất an toàn.
Không chỉ là việc chặn dòng thi công gây ngập nặng, theo phản ánh của người dân, 10 năm qua, quá trình triển khai dự án này gây ra nhiều hệ lụy, tác động tiêu cực đến cuộc sống người dân.
Ông Lê Văn Hải (ngụ xã Cư Elang) phản ánh gia đình ông có lô đất 5,8 ha bị thu hồi, giải phóng mặt bằng (GPMB) nhưng đến nay chưa được bồi thường. "Người có đất thì không được bồi thường, hỗ trợ, trong khi những hộ không có đất thì được bồi thường hơn 1,1 tỉ đồng. Bức xúc về vấn đề này, nhiều hộ dân đã làm đơn tố cáo, khiếu nại nhiều năm qua" - ông Hải nói.
Người dân ngụp lặn trong nước ngập để gặt lúa, vớt vát chút công sức
Sai phạm trong bồi thường
Quá trình bồi thường, hỗ trợ tại dự án hồ thủy lợi Krông Pách Thượng đã xảy ra nhiều sai phạm, bồi thường không đúng đối tượng, từ đó phát sinh tố cáo, khiếu kiện kéo dài. Những sai phạm này đã bị cơ quan chức năng khởi tố vào năm 2019 và đưa ra xét xử mới đây.
Theo Công an tỉnh Đắk Lắk, đến thời điểm cuối năm 2017, UBND huyện Ea Kar đã tiến hành bồi thường, hỗ trợ 3 đợt cho 34 hộ dân với tổng số tiền hơn 36 tỉ đồng để thực hiện điểm tái định cư số 1. Cơ quan chức năng đã làm rõ sai phạm, xét xử 4 cán bộ xã Cư Elang cùng 3 cặp vợ chồng chiếm đoạt hơn 4,6 tỉ đồng.
Đối với 30 hộ dân có hành vi kê khai để nhận tiền bồi thường, hỗ trợ không đúng quy định của Luật Đất đai với tổng số tiền lên đến hơn 32 tỉ đồng, do khu vực này đang bị ngập nước, không thể cắm mốc theo dải thửa đã nhận bồi thường nên chưa thể đo đạc.
Do thời hạn điều tra đã hết nhưng chưa có cơ sở xác định hành vi sai phạm trong việc bồi thường, hỗ trợ và trách nhiệm của các cá nhân khác có liên quan nên cơ quan điều tra tách nội dung vụ việc để tiếp tục điều tra. Riêng một số cá nhân tại UBND xã Cư Elang, Chi nhánh Trung tâm Phát triển quỹ đất huyện Ea Kar, Ban Quản lý dự án huyện Ea Kar, Hội đồng Thẩm định huyện Ea Kar, UBND huyện Ea Kar mắc sai phạm trong việc lập, xét duyệt bồi thường, hỗ trợ trái quy định, cơ quan công an cũng đã tách nội dung để tiếp tục điều tra.
Cũng theo Cơ quan CSĐT, có 19 hộ dân đã tố cáo 3 cặp vợ chồng bị khởi tố như nói trên và 1 hộ không có đất nhưng nhận tiền bồi thường về đất, hỗ trợ nghề nghiệp; trong khi các hộ có đất thực tế lại không được bồi thường. Từ đó, cùng với điều tra, xử lý sai phạm, Công an tỉnh Đắk Lắk đề nghị thẩm định lại phương án bồi thường, hỗ trợ của dự án.
Chậm tiến độ, đội vốn
Năm 2009, Bộ NN-PTNT ra quyết định phê duyệt dự án đầu tư hồ chứa nước Krông Pách Thượng với tổng mức đầu tư gần 2.900 tỉ đồng. Tháng 12-2018, dự án này được điều chỉnh tổng mức đầu tư lên hơn 4.400 tỉ đồng. Những sai phạm khiến trong 6 tháng đầu năm 2020, tiến độ giải ngân vốn đầu tư dự án hợp phần GPMB, đền bù, di dân tái định cư thuộc dự án chỉ đạt dưới 15%, quá chậm so với kế hoạch đã cam kết trước đó.
Ông Phạm Văn Hạ, Giám đốc Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình giao thông và NN-PTNT tỉnh Đắk Lắk (Ban A), thừa nhận sau khi đơn vị tiếp nhận làm chủ đầu tư hợp phần GPMB, công tác đền bù, di dân tái định cư gặp nhiều trở ngại; sự phối hợp của chủ đầu tư với các đơn vị liên quan chưa được chặt chẽ dẫn đến GPMB chậm. Còn theo ông Mai Quang Vượng, Giám đốc Ban Quản lý đầu tư và xây dựng thủy lợi 8 (Bộ NN-PTNT), nếu các địa phương không sớm tiến hành GPMB để chủ đầu tư tiếp tục thi công theo tiến độ đã đề ra thì rất có thể dự án sẽ tiếp tục đội vốn.
Bình luận (0)