xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Dự án khu nghỉ dưỡng 6 sao cạnh Đại nội Huế: Tránh xâm hại không gian di sản

Bài và ảnh: Quang Tám

Dự án nằm trong khu vực Khâm Thiên Giám nên cần thận trọng, tôn trọng các yếu tố gốc của di tích

Dự án Khu nghỉ dưỡng Nama (Nama Resort) tại số 85 đường Nguyễn Chí Diểu, phường Thuận Thanh, TP Huế (Thừa Thiên - Huế) do Công ty TNHH Đầu tư Du lịch Kinh Thành làm chủ đầu tư được UBND tỉnh này cấp quyết định chủ trương đầu tư lần đầu vào ngày 21-6-2017.

Điều chỉnh quy hoạch đất để... tránh phạm di tích

Dự án nằm trong kinh thành Huế tiếp giáp 3 đường Nguyễn Chí Diểu, Hàn Thuyên và Đoàn Thị Điểm. Đặc biệt, dự án nằm sát bờ tường phía Đông di tích kinh thành Đại nội Huế thuộc Quần thể di tích cố đô Huế được UNESCO công nhận là di sản văn hóa thế giới vào năm 1993. Dự án này với Đại nội Huế được ngăn bởi đường Đoàn Thị Điểm và thành hào bao quanh.

Dự án khu nghỉ dưỡng 6 sao cạnh Đại nội Huế: Tránh xâm hại không gian di sản - Ảnh 1.

Dự án Khu nghỉ dưỡng Nama Resort nằm cạnh di tích Đại nội Huế

Trên cơ sở rà soát, báo cáo đề xuất của Sở Xây dựng về cơ sở pháp lý để cho thuê đất, cấp phép xây dựng, ông Nguyễn Văn Phương, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế yêu cầu việc đầu tư xây dựng trên khu vực đã được quy hoạch có chức năng là đất di tích cần phải điều chỉnh để bảo đảm phù hợp, thống nhất giữa các quy hoạch khi triển khai đầu tư dự án. Trước đó, vào đầu năm nay, trả lời câu hỏi của Báo Người Lao Động về dự án này có sự tác động đến di tích hay không, ông Phan Thanh Hải, khi đó là Giám đốc Trung tâm Bảo tồn di tích cố đô Huế (hiện là Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao tỉnh Thừa Thiên - Huế), khẳng định rằng dự án này là khu nghỉ dưỡng theo mô hình sinh thái nên hài hòa phù hợp tổng thể di tích, bổ trợ khai thác dịch vụ hiệu quả. Bên cạnh đó, hơn 10 năm trước khi khai quật khảo cổ học, các dấu tích được phát hiện khá mờ nhạt, không đủ để phản ánh công trình xưa.

Tuy nhiên, theo ông Hải, khu vực triển khai dự án lại nằm trong khoanh vùng bảo vệ đất di tích nên không thể giao đất 49 năm. Để gỡ vướng, UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế đã chỉ đạo Trung tâm Bảo tồn di tích cố đô Huế chủ trì, phối hợp với các cơ quan khác nghiên cứu, điều chỉnh khu đất triển khai dự án không phải là đất khoanh vùng bảo vệ khu vực 1 di tích để có thể giao đất theo thời hạn này. "Tôi cho rằng những khu vực không phải cấu thành di tích gốc, không có khả năng phục hồi di tích, nơi cư dân sống lâu đời thì nên tính toán để thuận tiện với cuộc sống người dân, cho sự phát hiện, miễn là hài hòa" - ông Hải nói thêm.

Phải tuân thủ Luật Di sản

Nhà nghiên cứu văn hóa Nguyễn Xuân Hoa, người đã ký tên trong tấm bản đồ về di tích Khâm Thiên Giám - Bộ Học khi còn là Giám đốc Sở Văn hóa - Thông tin tỉnh Thừa Thiên - Huế, cho rằng khu vực này nằm trong hồ sơ công nhận di tích cấp quốc gia đặc biệt, di sản văn hóa thế giới nên mọi hoạt động ở đây phải tuân thủ theo Luật Di sản, trong đó có quy định khu vực bảo vệ một di tích phải phục hồi nguyên trạng về kiến trúc. Bất cứ dự án gì cũng phải thận trọng, luật không cấm hẳn việc khai thác di tích nhưng không được xâm phạm.

Ông Hoa cũng nói rằng khu vực đường Đoàn Thị Điểm là không gian văn hóa, lịch sử tiếp giáp Hoàng thành Huế, là điểm ra của du khách sau khi tham quan. Vì vậy, địa phương nếu muốn khai thác thì nên quy hoạch lại không gian đường Đoàn Thị Điểm - Lê Thánh Tôn đoạn từ đường Mai Thúc Loan đến đường Hai Ba Tháng Tám. Việc quy hoạch phải thể hiện ý đồ không gian về kiến trúc, sinh hoạt, dịch vụ, kinh tế để tạo ra không gian văn hóa lịch sử, góp phần thu hút khách, tôn tạo vẻ đẹp kinh thành. Quy hoạch cần tập trung tu bổ phần di tích, điều chỉnh kết cấu hạ tầng dân cư, hạ tầng dịch vụ. Quy hoạch đó phải định hướng cho cuộc sống người dân và định hướng kiến trúc. Phải tuân thủ nguyên tắc kiến trúc kinh thành Huế, khuyến khích người dân xây dựng nhà cửa có những đường nét kiến trúc truyền thống. Dự án Nama triển khai cũng phải tuân thủ.

"Yếu tố đáng lo ngại là dự án này có địa chỉ 85 Nguyễn Chí Diểu. Khu đất này trước kia không thuộc tuyến đường này, việc cho phép như vậy rất dễ dẫn đến công trình sẽ ngược hướng với các công trình di tích kinh thành Huế, sẽ đối mặt với khu di tích Lục Bộ nếu được khôi phục" - ông Hoa bày tỏ sự lo lắng.

Theo ông Hoa, ở khu đất này trước đây khi Công ty CP Du lịch Hương Giang lập đề án xây dựng khách sạn, nhà hàng cũng có tuân thủ yếu tố gốc được công bố khai quật khảo cổ học nhưng hướng được mở ra đường Đoàn Thị Điểm, đối diện kinh thành nhằm có không gian đẹp, thu hút khách. "Hội đồng kiến trúc của tỉnh lúc đó đã bác dự án này, yêu cầu thay đổi hướng mặt về đường Hàn Thuyên để tôn trọng không gian quy hoạch chung của hoàng thành. Vì vậy, bây giờ không có lý do gì để cấp dự án theo địa chỉ đường Nguyễn Chí Diểu, dễ dẫn tới nguy cơ quay mặt về đường này, đối chọi với kinh thành Huế" - ông Hoa khẳng định. 

Theo nhà nghiên cứu văn hóa Nguyễn Xuân Hoa, dự án triển khai thì phải tuân thủ yếu tố gốc đã có với 2 cách. Thứ nhất là, từ yếu tố gốc để khôi phục công trình nhưng bên trong được thiết kế nhằm sử dụng như một resort. Thứ hai là, có thể làm mới nhưng phải tuân thủ yếu tố kiến trúc, có cái để giới thiệu điểm lịch sử Khâm Thiên Giám bởi ở đây vẫn còn cổng và nhà chính của di tích này.
Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo