Ngày 7-9, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN-PTNT) phối hợp với UBND tỉnh Kiên Giang tổ chức hội nghị về dự án hệ thống thủy lợi Cái Lớn - Cái Bé (gọi tắt là cống Cái Lớn - Cái Bé) giai đoạn 1 để lấy ý kiến của các chuyên gia.
Hai tỉnh muốn làm nhanh
Ông Đỗ Đức Dũng, Viện trưởng Viện Quản lý Thủy lợi miền Nam, cho biết dự án cống Cái Lớn - Cái Bé trong giai đoạn 1 cần hơn 3.300 tỉ đồng. Mục tiêu giai đoạn 1 là kiểm soát mặn, giải quyết mâu thuẫn giữa vùng nuôi trồng thủy sản và vùng sản xuất nông nghiệp của các tỉnh Kiên Giang, Hậu Giang và Bạc Liêu; chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, nước biển dâng, tạo nguồn nước ngọt cho vùng ven biển, phòng chống cháy rừng; tăng cường khả năng thoát lũ, tiêu úng, tiêu chua cải tạo đất phèn và kết hợp phát triển giao thông thủy, bộ trong vùng dự án.
Ông Nguyễn Văn Đồng, Giám đốc Sở NN-PTNT Hậu Giang, cho biết ngành nông nghiệp địa phương đang gặp khó khăn do chưa kiểm soát được nguồn nước mặn và ngọt nên phát sinh tình trạng người dân mâu thuẫn nhau trong nuôi trồng thủy sản và trồng lúa. Mỗi năm Hậu Giang phải tiêu tốn hàng chục tỉ đồng để đắp hàng trăm con đập, bờ bao tạm ngăn mặn hoặc giữ ngọt. Do đó, Hậu Giang mong muốn Bộ NN-PTNT sớm triển khai dự án này để địa phương thực hiện mô hình đa dạng cây trồng, vật nuôi theo hướng bền vững.
Theo ông Phạm Vũ Hồng, Chủ tịch UBND tỉnh Kiên Giang, việc Bộ NN-PTNT quyết định đầu tư dự án này được sự đồng tình cao của các cấp, các ngành và người dân trong vùng dự án thuộc các tỉnh Kiên Giang cũng như các địa phương lân cận. Nếu dự án sớm được triển khai sẽ giúp cho Kiên Giang kiểm soát mặn, giải quyết nuôi trồng ven biển, tạo nước ngọt vùng ven biển và tăng cường thoát lũ, tiêu úng, tiêu chua.
Chính quyền hai tỉnh Kiên Giang, Hậu Giang muốn dự án cống Cái Lớn - Cái Bé sớm được triển khai trong khi các nhà khoa học còn lo ngại. Trong ảnh: Khu vực dự kiến triển khai dự án
Bài học ngọt hóa bán đảo Cà Mau
GS-TSKH Nguyễn Ngọc Trân cho rằng hiện ĐBSCL có nhiều biến động môi trường nên cần cân nhắc trước khi đầu tư các dự án để không nuối tiếc. Nếu như đổ thừa cho việc thiếu nước ngọt, xâm nhập mặn nên cần dự án này là không đúng và có thể gây nguy hại hơn. Bởi cho đến nay, các bộ ngành vẫn chưa có tổng kết tại dự án sông Ba Lai không thành công đối với công trình ngọt hóa bán đảo Cà Mau để rút kinh nghiệm cho dự án cống Cái Lớn - Cái Bé, tránh tình trạng "đâm lao phải theo lao".
"Dự án ngọt hóa bán đảo Cà Mau bị phá sản cũng vì xây dựng rất nhiều cống dọc theo Quốc lộ 1A và âu thuyền Tắc Thủ ngăn không cho mặn vào vùng ngọt hóa. Các cống xây dựng và vận hành không đồng bộ nhưng nước ngọt cũng không đủ dùng trong mùa khô ngoại trừ một số vùng trũng ở khu vực trung tâm. Mùa mưa phải mở cống để lấy nước mặn nuôi tôm và để tránh nẻ đất, xì phèn. Vì vậy mà chức năng theo thiết kế của các công trình thủy lợi nơi đây về cơ bản có thể xem là phá sản. Hệ lụy là có những vùng nước đứng như ở huyện Phước Long gây ô nhiễm nặng môi trường nước" - GS-TSKH Nguyễn Ngọc Trân dẫn chứng.
Thạc sĩ Nguyễn Hữu Thiện, chuyên gia độc lập về sinh thái ĐBSCL, cho rằng ước mơ chuyển đổi ĐBSCL thân thiện thịnh vượng sẽ không còn nếu thực hiện dự án này. Bởi lẽ, để thích ứng với biến đổi khí hậu thì không nên xây dựng những công trình vĩnh cữu, vừa tốn chi phí vừa không chỉnh sửa được cũng như loại trừ tất cả các dự án khác trong tương lai.
Phát biểu tại hội nghị, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Hoàng Văn Thắng cho rằng việc xây dựng cống thay cho các công trình khác là giải pháp ứng phó, khắc phục thiên tai tốt nhất mà các nước trên thế giới đang áp dụng. Thứ trưởng đề nghị các chuyên gia tiếp tục đóng góp ý kiến xác đáng hơn để bộ tiếp thu, sửa đổi phù hợp nhằm đạt được mục tiêu cao nhất của dự án.
Bình luận (0)