Ngày 8-12, trao đổi với phóng viên Báo Người Lao Động, ông Ngô Văn Bảo - Chủ tịch UBND huyện Cam Lâm - khẳng định huyện này chưa tổ chức việc cắm mốc tọa độ nào liên quan đến việc nghiên cứu dự án của một số tập đoàn lớn. Việc cắm mốc, giao đất phải tuân thủ trình tự, đúng quy định pháp luật. Vì vậy, huyện sẽ kiểm tra, xử lý cá nhân tự ý thực hiện việc này.
Mượn danh tập đoàn lớn
Theo người dân các xã Cam Hiệp Bắc, Cam Hiệp Nam (huyện Cam Lâm), Cam Thành Nam (TP Cam Ranh)…, khoảng 10 ngày gần đây, liên tục có người đi xe bán tải chạy dọc theo các tuyến đường tỉnh lộ, đường bê-tông cấp phối dọc các thôn rồi đào hành lang đường chôn mốc tọa độ.
Ghi nhận thực tế của phóng viên, trên các mốc tọa độ bằng xi-măng này, không có bất cứ thông tin về kinh độ, vĩ độ tiêu chuẩn mà chỉ ghi "BTN&MT điểm tọa độ" (dễ bị hiểu là Bộ Tài nguyên và Môi trường). Đồng thời phía mặt trên ghi tên viết tắt của một tập đoàn lớn đang nghiên cứu một số dự án ở huyện Cam Lâm.
Việc chôn các cột mốc này cũng hết sức tùy tiện, khoảng cách lúc dài 4-5 km mới có một cột mốc, có khi chỉ vài trăm mét đã có một mốc. Tại một đường hẻm của thôn Quảng Đức (xã Cam Hiệp Nam), đầu đường cắm cột mốc bên phải nhưng đoạn giữa lại cắm cột mốc bên trái đường. Điểm chung các cột mốc này là chạy dọc theo các tuyến đường, các cột mốc cắm thường gần các khu vực phân lô bán nền, lô đất đang san gạt tạo mặt bằng hoặc trong các khu dân cư còn nhiều quỹ đất trống hợp quy hoạch lên đất thổ cư.
Anh Nguyễn Văn Khánh, người dân xã Cam Hiệp Nam, cho biết những người đi chôn cột mốc nói rằng đi cắm mốc tọa độ cho "một tập đoàn lớn" để làm dự án tại khu vực này.
"Thông tin về tập đoàn lớn thì chúng tôi cũng có nghe nhưng chưa thấy chính quyền nói gì. Tuy nhiên, thời gian gần đây có rất nhiều người biển số ngoại tỉnh đi các loại ôtô hạng sang đến đặt vấn đề mua lại đất của người dân với giá tăng rất cao" - ông Khánh nói.
Ông cho biết trước đây mỗi mét ngang (rộng 1 m dài 25-30 m) giá 30-40 triệu đồng, sau khi những người đi chôn cột mốc xuất hiện, giá đất bị thổi lên đến 130-140 triệu đồng/mét ngang. Người dân ở đây xôn xao, mua đi, bán lại loạn xạ.
Nhiều cột mốc tự chế chôn dọc các tuyến đường ở huyện Cam Lâm, TP Cam Ranh gần các khu vực phân lô bán nền
Lắm thủ thuật thổi giá
Với hình ảnh các cột mốc được cắm, một số người chụp lại, đăng trên các trang mạng xã hội và kèm theo các khu đất để rao bán. Các cò đất với lời lẽ có cánh như: "Tập đoàn… đã đóng cọc. Chắc chắn bất động sản Cam Lâm sẽ tăng mạnh, x3, x5 thậm chí x10. Quý anh chị còn ngại ngùng gì nữa mà không đầu tư ở Cam Lâm…".
Một chuyên gia bất động sản cho rằng đây thực chất là hành vi "cáo mượn oai hùm", lợi dụng thông tin mập mờ để tung tin nhằm mục đích tạo cơn sốt đất. Chuyên gia này còn cảnh báo tình trạng đẩy giá đất của một nhóm người. Nhóm này sẽ mua đất giá rẻ, liên tục mua đất lẫn nhau để tạo cơn sốt. Khi đạt được giá cao gấp 4, gấp 5 lần giá mua đầu tiên sẽ bán lại cho các cá nhân khác để kiếm lời. Người mua cuối cùng sẽ ôm giá đất rất cao, không thể bán cho ai được nữa. Nếu có dự án thì khả năng cao sẽ bị thu hồi với giá thấp hơn rất nhiều.
Tại khu vực Cam Lâm, TP Cam Ranh vài tháng qua đã xảy ra cơn sốt đất ảo với việc phân lô bán nền, lập dự án "ma". Ông Ngô Văn Bảo cho biết đã ký văn bản về việc tăng cường công tác kiểm tra, xử lý và quản lý đất đai trên địa bàn. Văn bản này khẳng định trên địa bàn huyện Cam Lâm có một số trường hợp người sử dụng đất tự ý phân lô, sử dụng đất sai mục đích, xây dựng trái phép trên đất nông nghiệp.
"Một số đối tượng lợi dụng các trang mạng xã hội để đưa thông tin đất đai để chuyển nhượng quyền sử dụng đất đối với các dự án không có thật và chưa được cấp có thẩm quyền cho phép như: Cam Lam Central Park, Cam Lam Future City, Cam Lam Sky Lake, Ocean View, khu dân cư Trần Đại Nghĩa, khu dân cư Quang Trung…" - văn bản này cho biết. Ông Bảo nói việc phân lô bán nền có dấu hiệu sai phạm nên huyện đã yêu cầu tạm ngừng việc chuyển đổi mục đích sử dụng đất, phân lô đất nền và đợi các kết luận thanh kiểm tra của bộ, ngành để thực hiện các bước tiếp theo.
Chính quyền vào cuộc
Về thông tin, hình ảnh việc cắm mốc tọa độ từ phóng viên Báo Người Lao Động, ông Ngô Văn Bảo cho biết đây là hiện tượng mới xuất hiện sau này. Huyện đã yêu cầu Phòng Tài nguyên và Môi trường cùng các địa phương kiểm tra. Qua đó, phía tập đoàn đang nghiên cứu tại địa phương khẳng định họ không cắm mốc tọa độ. Dẫu thực hiện việc cắm mốc hay đo đạc mà không thông báo, xin phép địa phương cũng là sai.
"Tôi cũng phê bình các lãnh đạo xã, sự việc xảy ra trên địa bàn mà không nắm bắt, xử lý" - ông Bảo cho biết.
Ngoài ra, UBND huyện Cam Lâm cũng đã ra văn bản chỉ đạo Công an huyện, các phòng, ban liên quan và UBND các xã tổ chức kiểm tra, nắm bắt tình hình có biện pháp ngăn chặn, xử lý đối với cá nhân đưa thông tin quy hoạch, dự án và giá trị bất động sản sai sự thật nhằm mục đích trục lợi; thường xuyên theo dõi các quảng cáo mua bán nhà đất tại các dự án không đúng sự thật, có dấu hiệu lừa đảo trên mạng xã hội để ngăn chặn, xử lý.
Bình luận (0)