Ông Ngô Hồng Hệ, Trưởng Phòng Kiểm định xe cơ giới Cục Đăng kiểm Việt Nam, cho biết khoản 2 điều 55 Luật Giao thông đường bộ 2008 quy định chủ phương tiện không được tự thay đổi kết cấu, tổng thành, hệ thống của xe không đúng với thiết kế của nhà chế tạo hoặc thiết kế cải tạo đã được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt.
Nguy cơ cháy nổ
Ông Hệ cho rằng khi đăng kiểm phương tiện phải bảo đảm đúng thiết kế kỹ thuật của nhà sản xuất hoặc thiết kế cải tạo đã được cơ quan chức năng phê duyệt. Cục Đăng kiểm Việt Nam đã yêu cầu các đơn vị đăng kiểm xe cơ giới tăng cường phối hợp với các cơ quan chức năng tại địa phương kiểm tra tình trạng kỹ thuật xe đang lưu thông.
Thanh tra Sở GTVT TP HCM kiểm tra các điều kiện an toàn của xe khách hoạt động tại Bến xe Miền Đông cuối năm 2017 Ảnh: GIA MINH
Về ý kiến cho rằng cơ quan chức năng có thể nới lỏng các quy định về thiết bị được lắp thêm trên xe chở người, đại diện Cục Đăng kiểm Việt Nam nhấn mạnh việc thay đổi kết cấu, hình dáng, bố trí, nguyên lý làm việc, thông số, đặc tính kỹ thuật của một phần hoặc toàn bộ hệ thống của xe cơ giới đã được Bộ Giao thông Vận tải quy định từ trước năm 1995 và nay tiếp tục được thực hiện theo Thông tư số 85/2014/TT-BGTVT ngày 31-12-2014 quy định về cải tạo phương tiện giao thông cơ giới đường bộ. "Do vậy, trường hợp chủ phương tiện có nhu cầu lắp thêm các vật dụng lên xe chở người thì có thể được thực hiện theo quy định tại Thông tư số 85/2014/TT-BGTVT" - ông Hệ bày tỏ.
Vào đầu năm 2017, Bộ Giao thông Vận tải đã yêu cầu Cục Đăng kiểm kiểm tra toàn bộ các tiêu chuẩn, quy chuẩn quy định về an toàn kỹ thuật của phương tiện; kiên quyết không kiểm định đối với các xe khách giường nằm lắp đặt thêm các thiết bị điện tử không theo quy định, gây quá tải cho hệ thống điện của xe. Đặc biệt, xử lý nghiêm đối với các tổ chức và cá nhân không tuân thủ về kiểm định phương tiện.
Theo ông Nguyễn Hữu Trí, Phó Cục trưởng Cục Đăng kiểm Việt Nam, có rất nhiều nguyên nhân gây cháy xe, trong đó có lỗi kỹ thuật của phương tiện do chủ xe lắp thêm thiết bị điện không được kiểm soát như thùng đá, tivi, đầu đĩa, karaoke... Các thiết bị điện này không có trong thiết kế của nhiều xe, song vẫn được sử dụng, gây quá tải cho hệ thống điện. Ngoài ra, việc sử dụng dây điện không chuyên dụng, mối nối không chặt chẽ cũng tiềm ẩn nguy cơ chập điện.
Đại diện cơ quan đăng kiểm cho biết hiện tượng nhiều xe du lịch, xe khách giường nằm đã lắp màn hình tivi lớn để khách xem ca nhạc, xem phim hoặc hát karaoke. Tuy nhiên, hệ thống điện trên xe là điện một chiều 24V đã bị nhà xe tự chế, dùng cục biến điện lên 220V, điều này không những gây nguy hiểm cho người sử dụng mà còn dễ gây ra cháy nổ.
Đăng kiểm rồi lắp vào ai biết?
Có thể nói tại các tỉnh, thành rất nhiều ôtô chở khách đều gắn thêm các thiết bị phụ. Ghi nhận tại Bến xe Miền Đông (quận Bình Thạnh, TP HCM) vào sáng 25-6, hầu hết loại xe khách lớn đều được gắn màn hình tivi, đầu máy nghe nhạc. Khi được hỏi, các tài xế cho rằng những thiết bị này giúp hành khách giải trí trên đường và không ảnh hưởng tới quá trình chạy xe. "Xe chạy đường dài cần phương tiện cho hành khách giải trí" - tài xế Mạnh Hùng, lái xe khách loại 52 chỗ tuyến TP HCM - Đà Nẵng, cho biết.
Trong khi đó, ghi nhận trên các loại xe 16 chỗ ngồi, hầu hết không gắn các thiết bị như tivi hoặc đầu nghe nhạc bởi diện tích hẹp và đầu xe thiết kế thấp. Tuy nhiên, một số tài xế cho biết xe vẫn được gắn cục phát điện để phục vụ nhu cầu cần sử dụng điện trên hành trình.
Trước quy định trên của Cục Đăng kiểm, nhiều doanh nghiệp kinh doanh vận tải không đồng tình. Họ cho rằng thiết bị giải trí không thể gây mất an toàn cho xe và đây là việc cần thiết. Ở các nước tiên tiến vẫn lắp đặt tivi hoặc hệ thống âm thanh cho xe du lịch. Nhiều nhà xe đã đối phó bằng cách tháo các thiết bị ra khi đăng kiểm, sau đó về lắp lại. Đại diện một số trung tâm đăng kiểm cũng lo ngại quy định này dễ phát sinh tiêu cực, nhất là đối với các đơn vị kinh doanh vận tải như taxi, xe khách, du lịch.
Ông Trần Đình Vinh, Giám đốc Trung tâm Đăng kiểm xe cơ giới 8103D (Gia Lai), cho biết từ lâu nay, những xe đến đăng kiểm mà gắn tivi, bảng hiệu, biển quảng cáo thì đơn vị kiên quyết không đăng kiểm, yêu cầu trả lại nguyên hiện trạng ban đầu của nhà sản xuất. Các xe vi phạm khi đến đăng kiểm không nhiều lắm vì làm nghiêm một số xe đầu tiên, các xe sau thấy vậy sẽ tự tháo dỡ trước khi tới đăng kiểm. "Tuy nhiên, sau khi đăng kiểm, các nhà xe lại lắp vào thì nhiều lắm" - ông Vinh nói và cho biết việc xử lý sau đăng kiểm là của lực lượng thanh tra và cảnh sát giao thông.
Thực hiện theo thông tư của Bộ Giao thông Vận tải
Vấn đề cải tạo xe cơ giới có được Bộ Công an quy định, tuy nhiên, chỉ áp dụng đối với xe cơ giới trong Công an Nhân dân, theo Thông tư 16/2012/TT-BCA ngày 29-3-2012 của Bộ Công an quy định về việc cải tạo xe cơ giới trong Công an Nhân dân. Đồng thời, vấn đề này được quy định tại Thông tư 70/2015/TT-BGTVT ngày 9-11-2015 của Bộ Giao thông Vận tải quy định về kiểm định an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường phương tiện giao thông cơ giới đường bộ, văn bản này có hiệu lực từ ngày 1-1-2016. Do đó, các vấn đề liên quan đến kiểm định trên sẽ được thực hiện theo thông tư này.
TR.HOÀNG
Bình luận (0)