Ngày 29-1, Tổng cục Thống kê (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) đã công bố báo cáo tình hình kinh tế - xã hội tháng 1-2023.
Theo cơ quan thống kê, trong tháng đầu tiên của năm 2023, xuất khẩu hàng hóa nước ta ước đạt 25,08 tỉ USD, giảm 13,6% so với tháng trước và giảm 21,3% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, nhóm hàng công nghiệp chế biến chiếm 89% nhóm hàng xuất khẩu.
Ở chiều ngược lại, Việt Nam nhập khẩu trong tháng 1 ước đạt 21,48 tỉ USD. Về thị trường xuất, nhập khẩu hàng hóa, Mỹ là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam với kim ngạch ước đạt 7,6 tỉ USD. Trung Quốc là thị trường nhập khẩu lớn nhất của Việt Nam với kim ngạch ước đạt 8,1 tỉ USD.
Khách quốc tế đến Đà Nẵng trong dịp Tết Nguyên đán Quý Mão. Ảnh: NLĐO
Tổng cục Thống kê cho biết cán cân thương mại hàng hóa tháng 1-2023 ước tính xuất siêu 3,6 tỉ USD. Trong đó khu vực kinh tế trong nước nhập siêu 1,04 tỉ USD, khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) xuất siêu 4,64 tỉ USD.
Cơ quan thống kê nhấn mạnh Tết Nguyên đán Quý Mão vào tháng 1-2023 nên nhu cầu mua sắm của người dân tăng cao, giá hàng hóa và dịch vụ tăng theo quy luật tiêu dùng vào dịp Tết; giá xăng dầu trong nước tăng theo giá nhiên liệu thế giới và điều chỉnh theo mức thuế bảo vệ môi trường là những yếu tố làm cho chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 1-2023 tăng 0,52% so với tháng trước.
So với cùng kỳ năm 2022, CPI tháng 1 tăng 4,89%. Trong 11 nhóm hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng chính, có 8 nhóm hàng tăng giá; 2 nhóm hàng giảm giá; riêng nhóm bưu chính, viễn thông có giá ổn định so với tháng trước.
Cũng trong tháng 1-2023, lượng khách quốc tế đến Việt Nam đạt 871,2 ngàn lượt người, tăng 23,2% so với tháng trước và gấp 44,2 lần cùng kỳ năm trước do Việt Nam đã mở cửa du lịch, các đường bay quốc tế được khôi phục trở lại (tháng 1-2022 đạt 19,7 ngàn lượt - PV).
Tuy nhiên, khách quốc tế đến Việt Nam trong tháng 1-2023 vẫn giảm 42% so với cùng kỳ năm 2019, năm chưa xảy ra dịch Covid-19.
Bên cạnh đó, vận tải hành khách ước đạt 341,7 triệu lượt khách vận chuyển, tăng 11,9% so với tháng trước và tăng 34,7% so với cùng kỳ năm trước.
Theo Tổng cục Thống kê, công tác bảo đảm an sinh xã hội dịp Tết Nguyên đán Quý Mão cho người có công với cách mạng, các đối tượng bảo trợ xã hội, các đối tượng có hoàn cảnh khó khăn đã được thực hiện hiệu quả, vui tươi, đầm ấm, thiết thực.
Cơ quan thống kê dẫn báo cáo của Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội cho thấy trong dịp Tết Nguyên đán đã trích kinh phí tặng quà cho các đối tượng nguồn ngân sách trung ương, địa phương và các nguồn vận động xã hội với tổng kinh phí khoảng 10 ngàn tỉ đồng (ngân sách trung ương khoảng 600 tỉ đồng; ngân sách địa phương khoảng trên 3.200 tỉ đồng).
Bình luận (0)