Hai ngày qua, mạng xã hội đang lan truyền bài viết từ tài khoản Facebook Nguyễn Ngọc An về việc tác giả chứng kiến cảnh voi bị hành hạ, oằn mình cõng khách du lịch. Theo bài viết, hồi bé hay được nghe hát bài "Chú voi con ở Bản Đôn", hôm nay tác giả đến với Buôn Ma Thuột mới hiểu sao voi ở đây mãi là "trẻ con", vì ngà cứ mọc ra là bị cưa. Lông đuôi cứ mọc là bị cắt với quan niệm cổ hủ về việc lông voi sẽ mang lại may mắn.
Sự thật đau lòng!
Theo bài viết, voi dành khoảng 16 tiếng đồng hồ để tìm kiếm thức ăn và chỉ ngủ khoảng từ 3 đến 5 tiếng. Mỗi con voi trưởng thành ăn khoảng 150 kg cỏ, cành nhỏ, lá cây, trái cây... mỗi ngày.
Hình ảnh vết thương trên đầu voi được tác giả Nguyễn Ngọc An chia sẻ
Theo tác giả, đến với hồ Lắk - buôn Jun có ngay dịch vụ cưỡi voi ở ngay bên hồ, khách tham quan thay vì chèo thuyền độc mộc thì có thể cưỡi voi xuống hồ tham quan cảnh hùng vĩ nước non. Mỗi nhân viên hướng dẫn voi đều cầm 1 cây gậy với phía đầu là móc sắt nhọn dùng để móc vào tai và đầu voi điều hướng đi và "răn" chúng. Đầu con nào cũng chằng chịt những vết thương cũ và mới...
Còn ở Bản Đôn, ngày Tết có tổng cộng 6 con voi, chúng làm việc từ 8 giờ đến 17 giờ và chỉ nghỉ 30 phút giữa trưa với tần suất khách tới thăm hàng ngày lên đến vài nghìn người, người đợi để được cưỡi voi thì xếp hàng dài.
Nài voi cầm gậy để điều khiển và "răn" voi. Ảnh: Nguyễn Ngọc An
"Mình chuẩn bi sẵn 1 nải chuối và ít cùi dừa tươi khi đến Buôn Đôn với hy vọng được cho voi ăn. Nhưng khi đến, cái mình nhìn thấy là chúng chở người tham quan liên tục không ngừng nghỉ, những tấm mía được mời chào là hỗ trợ cho voi ăn không thể thấm tháp với khẩu phần ăn hàng ngày. Và cứ thử ngẫm xem, nếu bạn vừa phải vác gạo trên lưng vừa ăn thì có nuốt nổi không?"- tác giả cám cảnh.
Tác giả cũng cho rằng hiện nay, quần thể voi tại Đắk Lắk còn không quá 140 cá thể (khoảng 100 cá thể voi hoang dã và 37 cá thể voi nhà), giảm 90% số lượng so với năm 1980. Và rõ ràng UBND tỉnh Đắk Lắk đã ký kết hợp tác với Tổ chức Động vật Châu Á để chấm dứt hình thức du lịch cưỡi voi đối với toàn bộ voi nhà trong tỉnh Đắk Lắk. Hy vọng chính quyền sẽ tiến hành sớm để các cá thể voi tham gia vào dự án du lịch thân thiện được tận hưởng dinh dưỡng trọn vẹn, được nghỉ ngơi và được chăm sóc chu đáo. "Đây là trải nghiệm tệ nhất của mình trong chuyến thăm Buôn Ma Thuột" - tác giả Nguyễn Ngọc An viết.
Nài voi cầm bấm để cắt lông đuôi voi bán cho du khách. Ảnh: Nguyễn Ngọc An
Bài viết kèm theo những hình ảnh chân thực về những vết thương trên đầu voi đã được các trang mạng xã hội chia sẻ rầm rộ. Nhiều ý kiến tỏ ra bức xúc trước cảnh voi nhà bị đối xử thậm tệ, vắt kiệt sức cho du lịch và mong muốn cơ quan chức năng cần ban hành những chính sách sát thực để bảo tồn loài động vật quý hiếm trước khi quá muộn.
Tỉnh ủy, UBND tỉnh Đắk Lắk chỉ đạo báo cáo
Sáng 9-2, trao đổi với phóng viên Báo Người Lao Động về vấn đề này, ông Trần Xuân Phước, Giám đốc Trung tâm Bảo tồn voi Đắk Lắk, cho biết Tỉnh ủy, UBND tỉnh Đắk Lắk đã nắm thông tin về bài viết được chia sẻ trên mạng xã hội nói trên. Sáng nay (9-2), Trung tâm Bảo tồn voi Đắk Lắk đã cử cán bộ tới huyện Lắk và Buôn Đôn nắm tình hình để báo cáo vụ việc.
Du khách chờ đến lượt cưỡi voi trong các dịp lễ Tết ở Đắk Lắk. Ảnh Cao Nguyên
Cũng theo ông Phước, trước đó Tổ chức Động vật Châu Á đã ký kết hợp tác với Vườn Quốc gia Yók Đôn về việc thí điểm hỗ trợ chuyển đổi mô hình du lịch thân thiện với voi. Mới đây, tổ chức này đã ký kết với UBND tỉnh Đắk Lắk về nội dung tương tự. Tuy nhiên, đây mới là bước khởi đầu, mới "dạm ngõ" và 2 bên đang từng bước triển khai dự án để tiến tới chấm dứt hoạt động cưỡi voi, chuyển sang du lịch thân thiện với voi.
Voi oằn mình phục vụ khách du lịch. Ảnh: Cao Nguyên
Đối với các cơ chế, chính sách của tỉnh hiện hành, ông Phước cho biết tháng 12-2021, HĐND tỉnh Đắk Lắk đã thông qua nghị quyết sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị quyết của năm 2012 về việc quy định một số chính sách bảo tồn voi. Nghị quyết mới này cũng tập trung vào việc nâng mức hỗ trợ voi sinh sản, nâng mức hỗ trợ thiệt hại do voi gây ra và hỗ trợ lực lượng chức năng tổ chức bảo vệ, xua đổi voi rừng khi về phá hoại tài sản của người dân.
Những dùi sắt nhọn dùng để điều khiển voi. Ảnh: Cao Nguyên
"Chưa có quy định nào buộc chủ voi không được cho du khách cưỡi voi nên chúng tôi chỉ khuyến cáo, động viên chủ voi hạn chế tối đa việc này. Chúng tôi đang hy vọng dự án hợp tác lần này với Tổ chức Động vật Châu Á sẽ được triển khai quyết liệt để chấm dứt tình trạng cưỡi voi, chuyển sang du lịch voi thân thiện" - ông Phước thông tin.
Nếu được hỗ trợ, sẵn sàng hợp tác
Một nài voi ở thị trấn Liêng Sơn, huyện Lắk, cho biết khoảng 1 năm qua, hoạt động du lịch trên địa bàn bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 nên không mấy chủ voi tổ chức cho khách cưỡi. Tuy nhiên, những ngày nghỉ Tết Nguyên đán Nhâm dần 2022 vừa qua, lượng du khách tới đông, các nài voi trên địa bàn huyện đã khai thác du lịch cưỡi voi trở lại, mức giá theo thỏa thuận.
"Con voi là tài sản quý giá của gia đình, chúng tôi cũng mong muốn voi được nghỉ ngơi. Tuy nhiên, đây là "nồi cơm" mà chính quyền chưa ban hành chính sách hỗ trợ cụ thể nào để chúng tôi có thu nhập nên vẫn trông cậy vào con voi để mưu sinh" - nài voi nói và cho biết sẵn sàng hợp tác nếu được hỗ trợ chuyển đổi mô hình du lịch thân thiện với voi.
Bình luận (0)