xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Du lịch đường sông cần tư duy mới

Bài và ảnh: GIA MINH

Có tiềm năng lớn để phát triển du lịch và giao thông thủy nhưng đường sông tại TP HCM chưa được khai thác tương xứng

Cải cách các thủ tục hành chính, quy hoạch mạng lưới để mở thêm nhiều cảng bến, thay đổi cách nhìn về du lịch đường sông...là những ý kiến của hàng loạt chuyên gia, doanh nghiệp khi nói về thực trạng và tiềm năng phát triển đường sông ở TP HCM - nhất là khi tuyến buýt đường sông vừa đưa vào khai thác.

Lợi nhiều, xài ít

Theo các chuyên gia, một lợi thế lớn là TP có 2 tuyến sông chính, gồm Sài Gòn và Đồng Nai chảy qua, đã tạo nên mạng lưới các con sông nhỏ và kênh, rạch chằng chịt, tạo ra nhiều tiềm năng trong phát triển du lịch cũng như xây dựng hệ thống giao thông thủy kết nối với các tỉnh lân cận. Nắm bắt được lợi thế này, nhiều tuyến du lịch đường thủy đã được đầu tư phát triển nhiều năm qua tại TP, bao gồm khu vực nội đô có các tuyến trên kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè, Bến Nghé - Tàu Hủ cùng các tuyến dài hơn như đến các khu di tích, địa điểm du lịch sinh thái nhà vườn dọc sông Sài Gòn. Xa hơn là các tuyến đến các tỉnh miền Tây như Cần Thơ, An Giang, Tiền Giang... Tuy nhiên, hầu hết các tuyến du lịch này vẫn chưa được khai thác hiệu quả, tương xứng với tiềm năng.

Ông Nguyễn Hải Linh, chủ tàu du lịch Elisa, cho rằng đúng là TP có chủ trương phát triển giao thông, du lịch đường thủy từ rất lâu nhưng việc đầu tư hạ tầng, quy hoạch bến bãi lại quá hạn chế, trong đó còn vướng nhiều bất cập liên quan đến chính sách, thủ tục.

Du lịch đường sông cần tư duy mới - Ảnh 1.

Dù có nhiều lợi thế nhưng đường sông ở TP HCM vẫn chưa thực sự mở

Đơn cử, việc tạm ngưng hoạt động bến thủy trung tâm tại Công viên Bạch Đằng (quận 1) hồi năm 2015 đã gây ảnh hưởng rất lớn đến hoạt động vận chuyển hành khách bằng đường thủy. Việc này thậm chí còn khiến nhiều đơn vị phải tạm ngưng hoạt động bởi không có vị trí thuận lợi, phù hợp kết nối giao thông từ các khu căn hộ cao cấp cho thuê ven sông đến trung tâm TP. "Chúng tôi đã phải bán tháo phương tiện do không thể hoạt động khi bến Bạch Đằng bị đóng cửa. Nếu khu bến này bị ngưng kéo dài thì không chỉ làm khó DN mà còn gây lãng phí khi khu vực trên vốn có lợi thế về hạ tầng cùng các yếu tố lịch sử, văn hóa" - ông An Sơn Lâm, Giám đốc Công ty TNHH Thuyền buồm Đông, nói. Từ đó, ông Lâm đề nghị để phát triển giao thông kết hợp du lịch đường sông, TP cần phải cải cách nhiều thủ tục hành chính, mạnh dạn cho DN đầu tư xây dựng bến bãi, áp dụng mức phí thuê bến bãi mà "DN có thể chịu được".

Bà Liêu Thị Mỹ Hạnh, đại diện Công ty CP Đầu tư Hoàng Triều, cho biết đơn vị có 15 tàu ca-nô cao tốc, nhu cầu rất lớn trong hoạt động du lịch đường sông nhưng như bị "kìm chân" do hạ tầng, hệ thống cảng bến phục vụ quá hạn chế. Bà Hạnh dẫn chứng các bến bãi hiện không chỉ thiếu mà còn không bảo đảm các điều kiện kỹ thuật như bến Cầu Mống, khi không có nhà chờ, mái che, toilet, trong khi chi phí lại cao. Vì vậy, bà Hạnh kiến nghị nhanh chóng cho DN hoạt động du lịch được tiếp cận với các bến cảng như Phú Mỹ (quận 7) để hoạt động hiệu quả.

Cần sáng tạo, đột phá

"TP đã có chủ trương phát triển giao thông, du lịch đường thủy thì cần phải có chính sách khuyến khích DN cũng như giải quyết những vướng mắc về hạ tầng, luồng tuyến" - bà Hạnh nói.

Tương tự, ông Nguyễn Văn Mỹ, Giám đốc Công ty TNHH Du lịch Lửa Việt, cho rằng cần thay đổi cách nhìn về du lịch đường thủy mà đầu tiên là tư duy làm du lịch đường sông. Chẳng hạn, nếu xây dựng cảnh quan, trang trí từng đoạn trên sông Sài Gòn thành "sông hoa", tương tự đường hoa Nguyễn Huệ thì sẽ tạo nên sự độc đáo mà ít nước nào trên thế giới có. Việc này cũng đồng nghĩa có thêm nhiều loại hình dịch vụ ven bờ, tăng khả năng lưu trú cho du khách và cũng giúp mạng lưới giao thông bộ kết hợp đường thủy được mở rộng, đa dạng hơn. "Phải có tư duy và cách nhìn mới thì sẽ được nhiều cái lợi nếu làm như vậy. Có thể chưa thực hiện được ngay nhưng cần định hướng và quy hoạch lâu dài, xác định mục tiêu cụ thể với từng giai đoạn rõ ràng" - ông Mỹ đề xuất.

Đồng tình với đề xuất trên, một số DN khác cũng cho rằng tại TP Cần Thơ, Mỹ Tho, chợ nổi phát triển như một nét văn hóa và cũng là điểm nhấn của địa phương nên nếu TP HCM cũng có định hướng như vậy thì không chỉ du lịch mà các loại hình giao thông, buôn bán trên sông cũng rất phát triển. Ông Bùi Tá Hoàng Vũ, Giám đốc Sở Du lịch TP HCM, cũng nhìn nhận hoạt động du lịch bằng đường thủy nội địa tại TP còn nhiều hạn chế. Vì vậy, TP đang có những điều chỉnh và quy hoạch lại. "Sở Du lịch sẽ kiến nghị UBND TP ban hành cơ chế, chính sách mới để hỗ trợ về giá, thuế nhằm khuyến khích, tạo điều kiện cho doanh nghiệp mạnh dạn đầu tư phát triển du lịch đường thủy" - ông Vũ chia sẻ. 

Kiến nghị đẩy nhanh dự án xây cầu sắt Bình Lợi

Ông Bùi Xuân Cường, Giám đốc Sở GTVT, cho biết đến năm 2020, TP sẽ tập trung đầu tư một số tuyến đường thủy với điểm xuất phát từ Bến Bạch Đằng, Cầu Mống và Bến cảng Sài Gòn - Khánh Hội đi các khu vực quận 5, 6, 7, 8 cùng các huyện Củ Chi, Cần Giờ và các tỉnh lân cận.

Để thuận lợi, trước mắt, Sở GTVT đang kiến nghị Bộ GTVT chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ thực hiện dự án xây dựng cầu đường sắt Bình Lợi trên sông Sài Gòn để nâng cao tĩnh không thông thuyền nhằm đáp ứng nhu cầu đi lại trên tuyến sông này.

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo