Đây là thành quả của cả quá trình dày công nghiên cứu của Trung tâm Công nghệ sinh học Đà Nẵng, từ điều tra tìm loài cây thích hợp cho đến việc hỏi ý kiến chuyên gia, tuyển chọn danh mục. Sau đó, trung tâm bắt đầu lên rừng lấy mẫu. Khi gieo hạt, phải theo sát khả năng nảy mầm, sinh trưởng của cây...
Theo ông Nguyễn Quyết, Trưởng Phòng Khoa học ứng dụng Trung tâm Công nghệ sinh học Đà Nẵng, trong quá trình thực hiện, đơn vị đã gặp một số khó khăn về việc thu thập nguồn giống vì hạt giống chỉ có theo mùa, trong thời gian ngắn. Kỹ thuật trồng và chăm sóc, nhất là trồng thử nghiệm trong điều kiện khắc nghiệt ở công viên hay đường phố, để cây sinh trưởng tốt cũng không hề dễ dàng. "Chúng tôi đã chọn được biện pháp kỹ thuật phù hợp để kích thích tăng tỉ lệ nảy mầm, diệt khuẩn, đồng thời sử dụng phân bón, ánh sáng đúng cách nên tỉ lệ ươm hạt đạt kết quả cao" - ông cho biết.
Nhân viên Trung tâm Công nghệ sinh học Đà Nẵng trồng cây thàn mát tại khu dân cư ở phường Nại Hiên Đông, quận Sơn Trà
Đến nay, Trung tâm Công nghệ sinh học Đà Nẵng đã chuyển giao hơn 600 cây thàn mát, găng cao, thành ngạnh cho quận Sơn Trà, Ban Quản lý bán đảo Sơn Trà và các bãi biển Đà Nẵng trồng thử nghiệm tại tuyến đường Hoàng Sa và các công viên, đường phố trên địa bàn phường Nại Hiên Đông. Trung tâm cũng giao Hạt Kiểm lâm liên quận Sơn Trà - Ngũ Hành Sơn trồng thử nghiệm 50 cây các loại.
Từ vườn ươm ra thực địa, đến nay, gần 500 cây thàn mát, găng cao, thành ngạnh đã được trồng, sinh trưởng tốt tại các công viên, tuyến đường ở phường Nại Hiên Đông. 30 cây găng cao tại nhà Vọng Cảnh, đỉnh Bàn Cờ cũng được kỳ vọng sẽ điểm xuyết cho bức tranh cây xanh trên bán đảo Sơn Trà. Với cây thàn mát và thành ngạnh thì sau 3 - 5 năm có thể cho hoa, tùy vào điều kiện chăm sóc.
Đại diện Ban Quản lý bán đảo Sơn Trà và các bãi biển du lịch Đà Nẵng nhìn nhận việc nhân giống cây bản địa có thể tạo ra những loài đặc thù, đặc hữu trồng trên các tuyến phố, từ đó tạo màu sắc riêng cho đô thị du lịch.
Đánh giá về kết quả trồng thử nghiệm thời gian qua, ông Nguyễn Quyết cho rằng các loài cây thàn mát, găng cao, thành ngạnh đã bắt đầu thích nghi tốt, nhất là cây thàn mát vì có sức chống chịu khá cao. Trong thời gian tới, Trung tâm Công nghệ sinh học Đà Nẵng sẽ tiếp tục nghiên cứu, nhân giống và phát triển các loài cây bản địa để góp phần cung cấp giống cây, xây dựng mô hình nhằm bảo tồn, cải tạo cảnh quan, tạo nét đặc sắc cho TP Đà Nẵng.
Bình luận (0)