Là doanh nghiệp sản xuất nước mắm quy mô lớn và có thâm niên tại TP Phan Thiết, Công ty TNHH Nước mắm Bà Hai (phường Phú Hài) vẫn duy trì được sản lượng xuất bán khá ổn định trong thời gian dịch Covid-19 bùng phát. Trong số sản lượng bình quân 8.000 lít sản phẩm bán ra mỗi tháng, các kênh bán hàng ký gửi bưu điện, sàn thương mại điện tử: lazada.vn, shopee.vn, tiki.vn… giúp doanh nghiệp tiêu thụ 40% sản lượng. Hiện doanh nghiệp đang xúc tiến mở rộng sản phẩm lên sàn "Thương mại điện tử Bình Thuận" và sàn giao dịch nông sản smartgap. "Trong đợt dịch bùng phát lần thứ 4 vừa qua, việc bán hàng qua mạng phát huy hiệu quả rõ rệt" - ông Nguyễn Hữu Dũng, Giám đốc Công ty TNHH Nước mắm Bà Hai, nói.
Nước mắm truyền thống của tỉnh Bình Thuận có sản lượng bán ra ổn định dù dịch bệnh nhờ thông qua các sàn thương mại điện tử
Ngoài kênh bán hàng là các sàn thương mại điện tử đã có thị phần lớn trên cả nước, hiện các doanh nghiệp tại Bình Thuận còn được hỗ trợ khâu marketing, tiêu thụ sản phẩm đặc thù của địa phương thông qua sàn "Thương mại điện tử Bình Thuận". Sau thời gian chuẩn bị, hiện sàn thương mại này đã giới thiệu khoảng 150 sản phẩm OCOP, sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu của 3 tỉnh: Bình Thuận, Ninh Thuận và Lâm Đồng. Khi truy cập trang bán hàng này, khách hàng trên cả nước và thế giới dễ dàng tiếp cận các sản phẩm đặc trưng như: thanh long, hải sản của Bình Thuận, nước ép nho Ninh Thuận hay trà Lâm Đồng. Các sản phẩm có xuất xứ hàng hóa rõ ràng, giá bán hợp lý và quan trọng là người tiêu dùng được giao dịch trực tiếp với các điểm bán hàng để tạo tâm lý an tâm về sản phẩm.
Sàn "Thương mại điện tử Bình Thuận" xây dựng từ đề án "Xây dựng sàn thương mại điện tử nhằm hỗ trợ kết nối giao thương 3 tỉnh Bình Thuận, Ninh Thuận và Lâm Đồng", được Bộ Công Thương phê duyệt thuộc chương trình thương mại điện tử quốc gia năm 2020. Ngoài việc cung cấp sản phẩm OCOP, sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu của 3 tỉnh, đơn vị xây dựng đề án là Sở Công Thương tỉnh Bình Thuận đặt mục tiêu mở rộng sự tham gia của nhiều tỉnh khác nhằm đa dạng hóa sản phẩm cung ứng. "Bên cạnh những thuận lợi bước đầu thì việc cung cấp thông tin sản phẩm lên sàn thương mại điện tử là do doanh nghiệp tự thực hiện nên phải có nhân viên có kiến thức về công nghệ thông tin. Về nội dung, một số doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp nhỏ, còn lúng túng khi đưa lên trang web, trong khi do tình hình dịch bệnh nên chưa thể triển khai tập huấn cho các doanh nghiệp. Trong thời gian sắp tới, chúng tôi có kế hoạch khắc phục điều này" - đại diện Sở Công Thương tỉnh Bình Thuận cho biết.
Bình luận (0)