xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Đưa dạy thêm vào nghề kinh doanh có điều kiện

Nhóm phóng viên

Dạy thêm ngoài giờ, ngoài nhà trường mà đáp ứng các nhu cầu bổ sung kiến thức cho học sinh thì không thể cấm

Sáng 11-11, dưới sự điều hành của Chủ tịch Quốc hội (QH) Vương Đình Huệ, QH đã tiến hành phiên chất vấn Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) Nguyễn Kim Sơn xung quanh các vấn đề nóng như dạy thêm, sai sót trong sách giáo khoa (SGK), chất lượng dạy học trực tuyến, thiếu giáo viên…

Tránh tư duy "không quản được thì cấm"

Đại biểu (ĐB) Nguyễn Huy Thái (tỉnh Bạc Liêu) bày tỏ sự quan tâm đối với vấn đề dạy, học thêm trong bối cảnh học sinh chịu nhiều áp lực khi học trực tuyến.

Trả lời câu hỏi của ĐB Thái về việc Bộ GD-ĐT sẽ giải quyết ra sao đối với tình trạng dạy, học thêm trực tuyến gần đây, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn khẳng định bình thường việc dạy thêm đã cần phải ngăn chặn. Khi học trực tuyến, học sinh căng thẳng hơn nên việc dạy thêm cần phải nghiêm cấm. 

"Trong Thông tư 09 của Bộ GD-ĐT đã quy định rõ số giờ được dạy cho các cấp học. Căn cứ vào đó, sở GD-ĐT các địa phương cần thanh, kiểm tra việc học trực tuyến có hiện tượng dạy quá số giờ hay không? Chúng tôi sẽ tích cực ngăn chặn việc này" - Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn nêu rõ.

ĐB Nguyễn Công Long (tỉnh Đồng Nai) bày tỏ sự đồng tình với Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn về việc phải cấm dạy thêm trực tuyến. Tuy nhiên, ĐB này không đồng tình với cách quản lý theo tư duy "không quản được thì cấm" bởi nếu chỉ cấm thì chưa giải quyết được căn nguyên của vấn đề. 

"Chúng tôi trưởng thành, đỗ đạt, đi làm nhờ học thêm, nên học thêm là có tác dụng. Tại sao ngành y được làm thêm mà giáo dục không được dạy thêm?" - ĐB này đặt vấn đề. Theo ông Long, do thu nhập của giáo viên quá thấp, rất nhiều người coi dạy thêm là để mưu sinh; vì vậy, phải nhìn thẳng vấn đề này để có giải pháp căn cơ. 

Trả lời câu hỏi này, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn cho rằng nếu dạy thêm ngoài giờ, ngoài nhà trường mà đáp ứng các nhu cầu bổ sung kiến thức cho học sinh thì không thể cấm. Còn bớt nội dung dạy chính thức để dạy thêm ngoài giờ mới là điều đáng lưu ý. Theo Bộ trưởng Bộ GD-ĐT, năm 2016, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã bỏ dạy thêm ra khỏi ngành nghề kinh doanh có điều kiện. Rà soát các văn bản quy phạm pháp luật, Bộ GD-ĐT đang đề nghị bổ sung việc dạy thêm vào danh mục này.

ĐB Nguyễn Lâm Thành (tỉnh Thái Nguyên) cho rằng có 4 vấn đề cần quan tâm liên quan đến việc dạy thêm. Thứ nhất, cần giảm tải chương trình, SGK do ở nhiều môn học, học sinh phải tiếp nhận khối lượng chương trình quá lớn. Thứ hai, đổi mới phương pháp dạy học, từ dồn ép kiến thức sang dạy tư duy. Thứ ba, đề nghị cần đổi mới, cải tiến phương pháp thi cử mạnh mẽ hơn nữa thay vì thi theo mẫu. Thứ tư, nếu còn hệ thống trường chuyên thì còn dạy thêm, học thêm. Về vấn đề này, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn thừa nhận việc trang bị, nhồi nhét kiến thức chính là một trong những nguyên nhân dẫn đến dạy thêm, học thêm nên cần thay đổi phương pháp. Trong thời gian tới, bộ cũng tính đến phương án điều chỉnh thi THPT, đổi mới kiểm tra đánh giá thường xuyên, để từ góc độ kiểm tra, đánh giá hạn chế được việc dạy, học thêm.

Đưa dạy thêm vào nghề kinh doanh có điều kiện - Ảnh 1.

Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn trả lời chất vấnẢnh: VGP

Không phó thác cho NXB và nhóm tác giả

Đánh giá về hiệu quả dạy, học trực tuyến, theo Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn, học trực tuyến là giải pháp thách thức, nên "chất lượng không thể nói sẽ như học trực tiếp". Bộ đã có hướng dẫn để bổ sung, củng cố kiến thức cho học sinh khi quay lại trường. Đồng thời, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT cũng lưu ý các trường "không đưa các em ra đánh giá ngay". 

"Phải cho các em làm quen môi trường, tự phòng chống dịch, rồi sau đó mới bắt đầu. Không nên nhồi nhét, đặt vào tay các em các phiếu đánh giá, khảo sát. Việc cân đo đong đếm còn ở phía trước" - ông Sơn nói.

Những sai sót trong SGK cũng như những ưu điểm và hạn chế việc học SGK mới với lớp 1-2-6 cũng là vấn đề được nhiều đại biểu quan tâm. ĐB Nguyễn Thị Huế (tỉnh Bắc Kạn) đề nghị Bộ trưởng Bộ GD-ĐT đưa ra ý kiến cũng như giải pháp khắc phục cho tình trạng một số SGK có bài thiếu tính khoa học, giáo dục. 

Trả lời câu hỏi này, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn cho biết sau khi nhận phản ánh từ dư luận về vấn đề SGK, Hội đồng chuyên môn, Bộ GD-ĐT đã trao đổi với các tác giả, điều chỉnh kịp thời nội dung trước khi sách được in và chuyển đến tay học sinh. 

Về lâu dài, Bộ GD-ĐT đang tiến hành điều chỉnh các quy trình, điều kiện bảo đảm SGK trong thời gian tới có chất lượng cao hơn. Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn cho rằng SGK phụ thuộc nhiều yếu tố như người biên soạn, quy trình biên soạn, thẩm định dạy mẫu, lấy ý kiến đóng góp. 

Bộ GD-ĐT đang ráo riết sửa đổi Thông tư 33 về quy trình biên soạn xuất bản SGK. Chủ trương là không đợi các nhóm tác giả, các NXB mang các bộ SGK đến thì tổ chức thẩm định mà sẽ giám sát, đồng hành ngay từ đầu. Tuy là xã hội hóa nhưng Bộ GD-ĐT không phó thác cho các NXB và nhóm tác giả. Bộ GD-ĐT sẽ nâng cao yêu cầu, tiêu chuẩn của các thầy cô, nhà khoa học tham gia soạn sách và những người tham gia biên soạn sẽ không được tham gia thẩm định. 

Linh hoạt tổ chức kỳ thi THPT

Trả lời ý kiến về việc có nên bỏ kỳ thi tốt nghiệp THPT, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn cho rằng kỳ thi có nhiều tác dụng, không chỉ đánh giá kết quả học tập của học sinh và còn là căn cứ để các cơ sở ĐH tuyển sinh. Năm 2022, bộ đã nghiên cứu phương án thi linh hoạt để ứng phó với diễn biến phức tạp của dịch bệnh. Căn cứ vào tình hình, các tỉnh - thành hoặc nhóm tỉnh - thành có thể có lịch thi linh hoạt hơn.

Bộ đang xây dựng ngân hàng đề thi mang tính tổng hợp và theo hướng cho phép thi thành nhiều đợt hơn, thậm chí mỗi tỉnh có một kế hoạch thi. Tuy nhiên, đây là phương án bất đắc dĩ. Nếu kỳ thi được tổ chức thành một đợt vẫn là tối ưu.

Tạo điều kiện để NLĐ trở lại làm việc

Làm rõ thêm ý kiến, câu hỏi của một số ĐBQH liên quan đến người lao động (NLĐ) trước tác động, ảnh hưởng nặng nề của đại dịch Covid-19, tại phiên chất vấn sáng cùng ngày, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cho biết sắp tới Chính phủ sẽ có một số chương trình và báo cáo QH, các cơ quan có thẩm quyền để từng bước giải quyết căn cơ những vấn đề này.

Phó Thủ tướng cho rằng cần phân loại các nhóm NLĐ để có biện pháp giải quyết phù hợp. Cụ thể là lao động có hợp đồng chính thức, ổn định và dài hạn, làm việc ở doanh nghiệp lớn, đặc biệt, các khu chế xuất, các KCN; lao động làm việc ở các xí nghiệp nhỏ, các công trường, có tính thời vụ; lao động tự do; người nhà đi theo để trông con cho NLĐ.

Theo Phó Thủ tướng, 3 vấn đề quan trọng để NLĐ yên tâm quay lại làm việc.

Thứ nhất, có kế hoạch cụ thể để kiểm soát tốt dịch bệnh, không để NLĐ vừa quay lại làm thì phải tạm nghỉ do dịch bùng phát.

Thứ hai là phải mở lại trường học, nhất là mẫu giáo và tiểu học, đây không chỉ là vấn đề giáo dục mà chính là giải quyết cho NLĐ đi làm vì đa phần họ có con nhỏ.

Thứ ba, NLĐ muốn doanh nghiệp cam kết tiếp tục trả một phần lương trong trường hợp phải tạm nghỉ do dịch bùng phát trở lại. Các bộ, ngành cần khẩn trương xây dựng, ban hành một số quy định có tính chất tạm thời nhưng rất thiết thực cho doanh nghiệp, NLĐ.

Phó Thủ tướng lấy ví dụ hiện nay Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đang trình các cơ quan có thẩm quyền về việc tạm thời áp dụng trong một thời gian ngắn quy định đặc biệt về số giờ làm việc. Về lâu dài phải có chương trình xây dựng nhà ở cho công nhân, xem xét cơ cấu lại sản xuất, lao động.

V.Duẩn

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo