Vậy điều hành giá như thế nào?
Với điện, theo Quyết định 24 của Thủ tướng Chính phủ, lĩnh vực độc quyền được phép điều hành giá 6 tháng một lần. Nhà nước chấp nhận tăng giá điện nếu đầu vào tăng bởi lý do khách quan như giá đầu vào, tỉ giá biến động... Còn nếu giá thành tăng do nguyên nhân chủ quan như năng suất thấp, chưa tiết kiệm chi phí, tổn thất điện năng lớn... thì không được phép tăng giá. Ngoài ra, việc điều chỉnh giá điện cũng cần được tính đến trong bối cảnh nhu cầu sử dụng điện tăng phi mã, ngành điện cần nguồn lực đầu tư để "đi trước một bước", sẵn sàng đáp ứng đủ nhu cầu của nền kinh tế.
Trở lại với quyết định điều chỉnh giá điện tăng 8,36% từ ngày 20-3. Theo tính toán, với người tiêu dùng điện ở mức thấp, quyết định điều chỉnh này khiến người tiêu dùng điện sinh hoạt phải chi trả thêm từ 7.000-77.000 đồng/tháng. Hộ sản xuất, kinh doanh, cho thuê hoặc có nhu cầu tiêu dùng lớn thì mức chi trả sẽ tăng lũy tiến. Mức tăng này là tạm thời thông cảm và chấp nhận được sau một thời gian khá dài giá điện được kìm giữ nhằm ổn định kinh tế. Tuy nhiên, con số 8,36% liệu có chính xác? Trong bối cảnh tồn tại nhóm lợi ích, nghi vấn có sự móc nối với nhau để định giá thiếu hợp lý là không thể loại trừ. Cần cơ quan tư vấn độc lập vào cuộc kiểm tra số liệu của ngành điện nhưng đáng tiếc là không phải cơ quan, hiệp hội nào cũng đủ mạnh và đủ am hiểu nghiệp vụ. Nếu làm rõ được, người dân sẽ không phản đối tăng giá để bù đắp chi phí, tái đầu tư, góp phần tăng trưởng kinh tế.
Với giá xăng, dù vẫn cần bàn tay can thiệp của nhà nước nhưng không thể can thiệp "thô bạo", "ăn đong" mà phải sát với giá thị trường thế giới. Cơ chế hiện nay cho phép sử dụng 3 công cụ để điều hành giá gồm: thuế, quỹ bình ổn giá xăng dầu và giá. Sử dụng 3 công cụ này cần hài hòa, bảo đảm bình ổn giá cho người dân, không được để quỹ âm tạo gánh nặng cho DN và phải đạt mục tiêu kinh tế vĩ mô. Trong bối cảnh giá thế giới có xu hướng tăng cao, quỹ dùng để hạn chế mức tăng chứ không thể đảo chiều giá cả. Điều hành có lợi tức thì cho người tiêu dùng mà gây bất lợi sau này thì vẫn chưa hợp lý. Chưa kể đến nguy cơ DN găm hàng gây khan hiếm nguồn cung bán lẻ và đối tượng chịu trận vẫn là người dân. Xăng dầu là loại vật tư chiến lược quan trọng, ngoài đòi hỏi giá được bình ổn còn cần bảo đảm tuân thủ quy luật thị trường thế giới.
Nhìn chung, dù cần thiết có bàn tay điều hành giá của nhà nước với điện, xăng và chưa thể ngay lập tức buông ra theo thị trường nhưng điều hành giá không được xa rời thị trường, nếu không có vấn đề quá lớn về vĩ mô thì nên bám sát thị trường ở mức cao nhất có thể.
Ngoài ra, khi đã đưa ra quyết định tăng giá các mặt hàng thiết yếu, cũng cần bàn tới giải pháp giảm thiểu tác động rủi ro đến nền kinh tế. Thứ nhất, đòi hỏi các cơ quan chức năng vào cuộc kiểm soát và phải có chế tài nghiêm, tránh tình trạng "té nước theo mưa". Thứ hai, năng lực cạnh tranh của DN còn yếu, giá điện, xăng tăng chắc chắn ảnh hưởng đến chi phí đầu vào của nhiều DN, đặc biệt là DN sử dụng trực tiếp điện như luyện kim, sắt thép, hóa chất. Yêu cầu đổi mới công nghệ, xóa bỏ công nghệ tiêu hao năng lượng lớn là cấp thiết. Cuối cùng, ý thức tiết kiệm điện trong DN và người dân cũng là mấu chốt quan trọng giúp điều hành giá và ổn định vĩ mô đạt hiệu quả cao.
Bình luận (0)