xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Dựa vào dân để bảo vệ an ninh cơ sở

MINH CHIẾN - HUY THANH

Đề cập vụ việc ở tỉnh Đắk Lắk vừa qua, một số đại biểu Quốc hội cho rằng việc bảo đảm an ninh, trật tự ở cơ sở là yêu cầu quan trọng, cần có quy định cụ thể

Ngày 20-6, tiếp tục chương trình kỳ họp thứ 5, Quốc hội (QH) khóa XV, sau khi Chính phủ trình dự án Luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở, QH đã thảo luận tại tổ về nội dung này.

Củng cố thế trận lòng dân

Dự thảo luật quy định kiện toàn thống nhất lực lượng bảo vệ dân phố, lực lượng công an xã bán chuyên trách kết thúc nhiệm vụ và các chức danh đội trưởng, đội phó đội dân phòng thành lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở. Lực lượng này được bố trí theo mô hình tổ bảo vệ an ninh, trật tự ở thôn, tổ dân phố và đơn vị dân cư tương đương.

Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm cho biết cả nước có 66.723 người đang hoạt động trong lực lượng bảo vệ dân phố, 70.867 công an xã bán chuyên trách đang thực hiện nhiệm vụ bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở và 161.098 đội trưởng, đội phó đội dân phòng. Với 103.568 thôn, tổ dân phố trên cả nước, việc kiện toàn thống nhất các chức danh nói trên thành lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở sẽ đưa tổng quân số của các tổ bảo vệ an ninh, trật tự lên khoảng 300.000 người.

Thảo luận tại tổ về nội dung này, ĐB Hà Sỹ Đồng (đoàn Quảng Trị) lưu ý tình hình an ninh, trật tự ở cơ sở, tội phạm, tệ nạn xã hội... luôn tiềm ẩn nguy cơ phức tạp. Do đó, cần có lực lượng để phát hiện các vụ việc phức tạp từ sớm, từ xa và kịp thời nhất. Dẫn chứng "bài học rất đắt" từ vụ nhóm người dùng súng tấn công 2 trụ sở UBND xã ở tỉnh Đắk Lắk mới đây, ĐB Đồng cho rằng để công tác bảo đảm an ninh, trật tự cơ sở đạt kết quả tốt, cần có luật quy định về xây dựng, tổ chức, hoạt động của lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự cơ sở.

Cùng quan điểm, ĐB Trần Hoàng Ngân (đoàn TP HCM) nhấn mạnh việc nâng cao chất lượng, hiệu quả của công tác bảo đảm an ninh, trật tự cơ sở là yêu cầu quan trọng. Bởi lẽ, với nhiều yếu tố phức tạp có thể nảy sinh trên thực tế, việc thành lập lực lượng bảo đảm an ninh, trật tự ở cơ sở là rất cần thiết. Theo đó, lực lượng này cần được thành lập với sự thống nhất của các lực lượng gồm bảo vệ dân phố, công an xã bán chuyên trách và dân phòng để thành tổ chức hợp nhất, bài bản và mạnh hơn. Đồng thời, cần quy định rõ chức năng, nhiệm vụ của lực lượng này để tránh trùng lắp.

ĐB Phạm Thúy Chinh (đoàn Hà Giang) đề nghị ban soạn thảo cần quy định cụ thể hơn về quan hệ công tác, phối hợp và huy động đối với lực lượng này để không xảy ra chồng chéo trên thực tiễn.

Đáng chú ý, ĐB Lê Thanh Vân (đoàn Cà Mau) đề nghị ban soạn thảo nghiên cứu, cân nhắc vai trò của người dân cũng như đòi hỏi cần thiết phải dựa vào nhân dân trong việc bảo đảm an ninh, trật tự ở cơ sở. "Khi xây dựng mục tiêu bảo đảm an ninh, trật tự ở cơ sở, cần phải đề cao vai trò và sự tham gia của người dân. Trong sự kiện xảy ra ở tỉnh Đắk Lắk vừa qua, nếu không có sự tham gia của người dân thì làm sao nhanh chóng vây bắt được hàng chục đối tượng như thế? Củng cố thế trận lòng dân là tối quan trọng!" - ĐB Vân nhấn mạnh.

ĐB Nguyễn Chu Hồi (đoàn TP Hải Phòng) đề nghị ban soạn thảo xem xét bổ sung vào dự luật một chương về huy động sức dân tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở.

Dựa vào dân để bảo vệ an ninh cơ sở - Ảnh 1.

Đại biểu Trần Hoàng Ngân (đoàn TP HCM) lưu ý cần quy định rõ chức năng, nhiệm vụ của lực lượng bảo đảm an ninh, trật tự ở cơ sở khi thống nhất từ lực lượng bảo vệ dân phố, công an xã bán chuyên trách và dân phòng để tránh trùng lắp Ảnh: PHẠM THẮNG

Tính kỹ biên chế, kinh phí

Các ĐB đề nghị ban soạn thảo tính toán, giải trình rõ hơn về việc xây dựng lực lượng bảo đảm an ninh, trật tự ở cơ sở dựa trên nguyên trạng lực lượng hiện có liệu có khiến tăng biên chế và chi ngân sách hay không.

ĐB Lê Trường Lưu (đoàn Thừa Thiên - Huế) kiến nghị Chính phủ, Bộ Công an chỉ quy định khung quy mô dân số phường, xã bao nhiêu thì lực lượng bảo vệ an ninh, trật tự tương ứng bấy nhiêu để phù hợp. Căn cứ vào đó, HĐND phường, xã phê duyệt số lượng và kinh phí bảo đảm hoạt động của lực lượng này.

Quan tâm đến khía cạnh khác, ĐB Tô Văn Tám (đoàn Kon Tum) đề nghị cần có khung pháp lý cho lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở hoạt động để tránh những thực thi nhiệm vụ được giao một cách "thái quá". Theo ĐB Tám, dự luật đã quy định lực lượng này hoạt động dưới sự quản lý của chính quyền địa phương, sự giám sát của Ủy ban MTTQ xã, phường, thị trấn và người dân; sự quản lý, lãnh đạo, chỉ đạo trực tiếp, hướng dẫn, kiểm tra của cơ quan công an. Tuy nhiên, cũng cần đặt lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở dưới sự lãnh đạo của cấp ủy, đồng thời quy định rõ điều kiện, tiêu chuẩn để lựa chọn người tham gia lực lượng bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở.

Làm rõ một số vấn đề ĐB nêu ra, Bộ trưởng Tô Lâm khẳng định mục tiêu của dự án luật nhằm bảo đảm an ninh trật tự, xây dựng xã hội trật tự, kỷ cương, an toàn. Theo Bộ trưởng Tô Lâm, từ vụ việc nhóm người tấn công 2 trụ sở UBND xã ở tỉnh Đắk Lắk vừa qua, không thể coi thường nhiệm vụ bảo đảm an ninh, trật tự ở cơ sở. Việc xây dựng lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự cấp xã phải bám vào cơ sở, quan tâm đến từng gia đình, người dân bởi thực tiễn cho thấy lực lượng công an luôn có sự đồng hành của người dân.

Về kinh phí, ngân sách cho lực lượng này, Bộ trưởng Tô Lâm cho hay nhiều địa phương khẳng định đây không phải là gánh nặng lớn và địa phương sẽ bảo đảm được kinh phí.

Theo Bộ trưởng Tô Lâm, lực lượng bảo đảm an ninh, trật tự ở cơ sở không có trụ sở riêng; hoạt động chủ yếu ở trụ sở chính quyền, công an xã và nhà sinh hoạt cộng đồng. Lực lượng này chủ yếu chỉ được trang bị công cụ hỗ trợ do Bộ Công an cấp và quản lý. 

"Chốt" thành lập Quỹ Phòng thủ dân sự

Cùng ngày, QH thông qua dự án Luật Phòng thủ dân sự. Theo đó, Quỹ Phòng thủ dân sự được thành lập trước khi có thảm họa, sự cố. Đây là quỹ tài chính nhà nước ngoài ngân sách, được thành lập ở trung ương và cấp tỉnh để huy động nguồn lực xã hội, hỗ trợ hoạt động phòng thủ dân sự.

QH cũng đã thông qua dự án Luật HTX (sửa đổi), dự án Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (sửa đổi), dự thảo nghị quyết về quyết định chủ trương đầu tư dự án đường giao thông từ Quốc lộ 27C đến đường tỉnh ĐT.656 tỉnh Khánh Hòa - kết nối với Lâm Đồng và Ninh Thuận.

Theo chương trình kỳ họp, QH dành cả ngày 21-6 để thảo luận về dự án Luật Đất đai (sửa đổi).

Bỏ ngỏ quản lý nước khoáng, nước nóng thiên nhiên?

Thảo luận tại hội trường về dự thảo Luật Tài nguyên nước (sửa đổi), các ĐB quan tâm đến quy định về phạm vi điều chỉnh của dự luật. Cụ thể, dự luật quy định: "Nước dưới đất và nước biển thuộc vùng đặc quyền kinh tế, thềm lục địa của nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam và nước khoáng, nước nóng thiên nhiên không thuộc phạm vi điều chỉnh của luật này".

ĐB Tráng A Dương (đoàn Hà Giang) cho rằng nước khoáng, nước nóng thiên nhiên là tài nguyên nước, tồn tại ở các tầng chứa nước dưới đất nên cần đưa vào phạm vi điều chỉnh của dự thảo luật để bảo đảm thống nhất quản lý về tài nguyên nước. Bên cạnh đó, đây là loại tài nguyên có giá trị cao và có khả năng tái tạo nên cần có quy định cụ thể nhằm tạo thuận lợi cho hoạt động khai thác, sử dụng nguồn tài nguyên quý giá này để phục vụ nhu cầu của người dân, phát triển dịch vụ - du lịch và tăng thu ngân sách.

Theo ông Đặng Quốc Khánh, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường, việc quản lý nước khoáng và nước nóng thiên nhiên đã được quy định trong Luật Khoáng sản. Tuy nhiên, cơ quan soạn thảo sẽ tiếp thu ý kiến của các ĐB để tiếp tục hoàn thiện dự thảo Luật Tài nguyên nước (sửa đổi).

Đ.Hồ - C.Minh

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo