Tuần qua, lãnh đạo Công ty CP Tập đoàn Mai Linh đã gửi công văn đến các cơ quan chức năng xin giãn khoản nợ 180 tỉ đồng về BHXH, đồng thời đề nghị miễn lãi, phạt nợ. Tuy nhiên, trả lời về vấn đề này, các đơn vị chức năng đều khẳng định không có "đặc thù" cho bất cứ doanh nghiệp (DN) nào và khẳng định từ ngày 1-1-2018, các hành vi trốn đóng BHXH sẽ bị xử lý hình sự.
Thu hồi hơn 720 tỉ đồng
Theo ông Nguyễn Trí Đại, Trưởng Ban Thu - BHXH Việt Nam, đến tháng 12-2017 tổng số tiền nợ BHXH của các DN là 5.737 tỉ đồng, trong tổng số gần 14.000 tỉ đồng nợ 3 loại bảo hiểm (xã hội, y tế, thất nghiệp).
Ông Đại cho biết thời gian qua, BHXH Việt Nam đã chỉ đạo BHXH các tỉnh tập trung mọi nguồn lực để đôn đốc kiểm tra, thanh tra, đặc biệt là thanh tra đột xuất các đơn vị sử dụng lao động nợ đọng từ 3 tháng trở lên, phải đóng đủ BHXH, BHYT, BHTN trước thời điểm 31-12-2017. Qua thanh tra, kiểm tra 11.800 đơn vị sử dụng lao động, BHXH Việt Nam phát hiện gần 20.000 lao động chưa được đóng, đóng thiếu BHXH với số tiền truy đóng hơn 60,5 tỉ đồng; 30.772 lao động bị DN đóng không đúng mức BHXH quy định, với số tiền truy đóng gần 28,5 tỉ đồng.
Công nhân Công ty TNHH Nam Phương ngừng việc vì bị nợ lương, nợ BHXH Ảnh: MAI CHI
Cơ quan BHXH đã lập biên bản vi phạm hành chính đối với 356 đơn vị, xử phạt 4,8 tỉ đồng. Trước khi thanh tra, kiểm tra, số tiền DN nợ các loại BHXH, BHTN, BHYT hơn 1.694 tỉ đồng. Qua quá trình thanh tra, kiểm tra, các DN đã nộp lại gần 720 tỉ đồng.
Ông Nguyễn Trí Đại cho biết BHXH Việt Nam xác định các DN nợ đọng là cố tình trốn đóng BHXH, xâm hại nghiêm trọng đến quyền và lợi ích hợp pháp của người lao động (NLĐ), gây ảnh hưởng xấu đến an sinh xã hội. Do đó, BHXH Việt Nam đã làm việc với các địa phương và xác định, đối với các DN cố tình vi phạm sẽ chuyển hồ sơ cho cơ quan công an và tòa án xử lý.
Có thể bị tù đến 7 năm
Hiện quy định trong Bộ Luật Hình sự về việc xử lý các hành vi trốn đóng BHXH sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự đã có hiệu lực. Với những DN trốn đóng, nợ BHXH, BHYT, BHTN đều phải truy thu; cố tình chây ì sẽ bị khởi tố. Những quy định tại Bộ Luật Hình sự được xem là "thuốc đặc trị" mới cho các DN, đơn vị cố tình để nợ BHXH kéo dài. "Trong tất cả quy định hiện hành không có ưu tiên bất cứ DN nào, dù số tiền nợ là vài triệu đồng hay lên đến 180 tỉ đồng như Công ty CP Mai Linh" - ông Đại nói.
Nói thêm về vấn đề này, Phó Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam Trần Đình Liệu cho biết đã yêu cầu BHXH các tỉnh, TP tập trung hơn nữa vào công tác thanh tra chuyên ngành; thu, khai thác và phát triển đối tượng, giảm thấp nhất nợ đọng BHXH. "BHXH Việt Nam đang phối hợp với tòa án xây dựng thông tư hướng dẫn; thanh tra, xử phạt DN không chấp hành hoặc chấp hành không nghiêm thì chuyển hồ sơ sang công an và tòa án theo quy định của Bộ Luật Hình sự" - ông Liệu nói. Ông Liệu nêu ví dụ khoản 3, điều 216 của Bộ Luật Hình sự quy định tội trốn đóng BHXH, BHYT, BHTN cho NLĐ, tùy mức độ hành vi có thể bị phạt tiền từ 500 triệu đồng đến 1 tỉ đồng hoặc bị phạt tù từ 2 - 7 năm.
Thứ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ-TB-XH) Lê Quân nhìn nhận: "Chúng ta đã có xử phạt vi phạm hành chính và cũng không hình sự hóa tất cả hành vi trốn đóng. Tuy nhiên, công cụ của Bộ Luật Hình sự đưa vào xử phạt tù là đối với những trường hợp mà trong luật quy định rõ là gian lận, gian dối, dùng thủ đoạn...".
Ông Bùi Sỹ Lợi, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội, nhấn mạnh việc xử lý hình sự để bảo đảm công bằng trong kinh doanh của các DN, bình đẳng trước pháp luật. Một DN trốn đóng BHXH chứng tỏ mối quan hệ với NLĐ không tốt và không tạo niềm tin để NLĐ muốn đóng góp, xây dựng, phát triển DN. Với sự ra đời của 3 điều luật này (điều 214, 215, 216 Bộ Luật Hình sự), dứt khoát việc tuân thủ của các DN sẽ tốt hơn.
"Cần xây dựng Luật Tố tụng lao động để tất cả các mối quan hệ tranh chấp lao động sẽ đưa ra tòa. Trên thế giới đều thực hiện như vậy. Biện pháp hình sự hóa là công cụ cuối cùng. Chúng ta đi đến mục tiêu bảo đảm quyền lợi cho NLĐ" - ông Lợi đề nghị.
Đã khởi kiện 187 doanh nghiệp
Sau gần 2 năm thực hiện việc khởi kiện các đơn vị nợ BHXH ra tòa, các cấp CĐ đã tiếp nhận 2.705 bộ hồ sơ do cơ quan BHXH chuyển sang; 20 LĐLĐ tỉnh, TP đã gửi đơn khởi kiện đến các cấp tòa 187 vụ DN nợ BHXH. Trong 187 vụ kiện, tòa án đã hòa giải thành 28 vụ, thụ lý 2 vụ, 48 vụ trả lại hồ sơ, số còn lại không thụ lý với 3 nhóm lý do: Không có giấy ủy quyền NLĐ hoặc CĐ cơ sở cho CĐ cấp trên cơ sở khởi kiện; không thuộc thẩm quyền giải quyết của tòa án và đề nghị xem xét xử lý hành chính hoặc hình sự và đây là tranh chấp lao động tập thể về quyền chưa được chủ tịch UBND cấp huyện giải quyết.
Để bảo vệ tốt nhất quyền lợi NLĐ, nếu các quy định còn mâu thuẫn, chồng chéo hoặc có khoảng trống, Quốc hội giao Chính phủ tổng hợp, trình Quốc hội xem xét, sửa đổi, bổ sung vào luật.
Luật sư NGUYỄN THANH THANH, Giám đốc Công ty Luật TNHH Thanh và Cộng sự:
Luật cần quy định rõ hơn
Theo quy định của Bộ Luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017), kể từ ngày 1-1-2018, hành vi phạm pháp luật về BHXH, BHYT và BHTN sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự. Đây là một trong những nội dung được các DN quan tâm trong thời gian qua. Tôi cho rằng những quy định trên là cần thiết để giải quyết thực trạng DN trốn đóng hoặc trục lợi BHXH. Tuy nhiên, để các quy định trên đi vào thực tiễn thì còn nhiều vấn đề cần phải bàn. Trước hết, đối với những thuật ngữ như "gian dối" hoặc "bằng thủ đoạn khác" được quy định tại điều 216 chưa rõ ràng để các cơ quan có thẩm quyền áp dụng trong xử lý hình sự. Cần phải có văn bản hướng dẫn thi hành để cơ quan tiến hành tố tụng và tổ chức, cá nhân có liên quan hiểu và áp dụng quy định trên.
Chị PHAN THỊ KIM XUYÊN, công nhân Công ty TNHH Nam Phương (huyện Củ Chi, TP HCM):
Phải bảo đảm được quyền lợi cho người lao động
Tôi biết xử lý hình sự là giải pháp mạnh nhằm hạn chế tình trạng DN nợ BHXH tràn lan như hiện nay. Tôi cảm ơn về điều này nhưng vẫn hoài nghi về tính hiệu quả của nó. Tôi vào công ty từ năm 2010, đến năm 2012 công ty bắt đầu nợ BHXH và đến nay số nợ đã lên đến gần 27 tỉ đồng. Nghe đâu thời gian qua, cơ quan BHXH cũng đã khởi kiện công ty ra tòa và thắng kiện, song nợ vẫn hoàn nợ khiến tôi không được hưởng chế độ thai sản khi sinh con và khi chồng tôi (cũng là công nhân công ty) mất cũng không được thanh toán chế độ tử tuất. Từ thực tế trên, điều tôi quan tâm nhất hiện nay không phải là ai phải đi tù hay bị phạt tiền mà là việc phải làm sao để người vi phạm khắc phục hậu quả. Có như thế, quyền lợi của chúng tôi mới được bảo đảm, chứ cứ như trước đây đem ra cho tòa xử xong rồi không thi hành án được thì có quy định hay không cũng như nhau.
Ông LÊ VĂN PHÁT, Phó Chủ tịch Công đoàn Công ty TNHH Sài Gòn Ve Wong (quận 12, TP HCM):
Đáng lẽ luật phải ban hành từ sớm
Tôi cho rằng việc đưa tội nợ, trốn đóng BHXH, BHYT, BHTN vào Luật Hình sự là rất cần thiết và đáng lẽ phải ban hành sớm hơn. Thời gian qua, sở dĩ tình trạng nợ BHXH xảy ra tràn lan, làm ảnh hưởng đến quyền lợi của NLĐ là do các biện pháp xử phạt còn "giơ cao đánh khẽ", chủ yếu là xử phạt hành chính nên không đủ sức răn đe.
Ở công ty tôi làm việc, chủ DN là người nước ngoài và rất am hiểu pháp luật Việt Nam, luôn tuân thủ các quy định luật pháp. Vì vậy, việc đưa hành vi trốn đóng, nợ đóng BHXH vào Luật Hình sự sẽ khiến các chủ DN phải điều chỉnh hành vi, tuân thủ quy định của pháp luật nhằm tránh gây thiệt hại cho bản thân và cả NLĐ.
MAI CHI ghi
Bình luận (0)