Những ngày đầu tháng 7-2021, chúng tôi có dịp trở lại xã Jơ Ngây, huyện Đông Giang, tỉnh Quảng Nam và gặp già làng Alăng Chô, năm nay đã 70 tuổi nhưng vẫn còn khỏe mạnh, nhanh nhẹn. Già dẫn chúng tôi đến con sông Ra’lang, nơi đặt những chiếc a’ruung để bắt cá, cách nhà gần 2 km.
Đều đặn mỗi buổi sáng, già Chô đều đến khúc sông này để "thăm" a’ruung, mong kiếm ít cá tươi cải thiện bữa ăn của gia đình. Già làng Alăng Chô dùng hết sức tháo từng chiếc a’ruung khỏi mặt nước rồi đập mạnh miệng chúng xuống đất để lấy ra những con cá đang mắc bên trong.
Theo người dân thôn Ra’lang, xã Jơ Ngây, trước kia, con sông Ra’lang này cá tôm nhiều vô kể, đủ để cung cấp cho hàng trăm hộ gia đình trong thôn. Vài năm trở lại đây, cá không còn nhiều như trước nữa do những cuộc khai thác tận diệt của một số người thiếu ý thức ở dưới xuôi lên.
"Nước sông bị ô nhiễm, môi trường sống bị ảnh hưởng, cá không phát triển được. Đã vậy, một số người còn lén lút dùng bình điện chích cá, thậm chí dùng cả chất nổ để đánh. Cá đâu mà còn nữa" - già Chô buồn bã.
Già làng Alăng Chô đặt a’ruung ở một khúc suối nước chảy xiết
Dân làng Ra’lang phải mất gần nữa tháng để hoàn thành công trình bắt cá thuộc loại công phu nhất này
Ngoài việc được sử dụng đơm cá, a’ruung còn tác dụng ngăn chặn lâm tặc vận chuyển gỗ bằng đường sông. Già Chô nhớ lại những năm 1996, nạn phá rừng xảy ra trầm trọng ở thượng nguồn sông Ra’lang. Lâm tặc tứ xứ tìm về khu vực này khai thác rồi vận chuyển gỗ bằng đường sông. Để ngăn chặn, các già làng bàn cách lập các "chốt" a’ruung dày đặc trên các đoạn sông. Cách làm này mang lại hiệu quả cao suốt thời gian dài.
A’ruung được làm rất kỳ công. Người Cơ Tu tận dụng những viên đá dưới sông để bỏ vào từng chiếc rọ cỡ lớn, dựng hàng rào kiên cố tạo luồng nước theo hình chữ V, ngăn cá lọt ra ngoài. A’ruung là công cụ bắt cá truyền thống duy nhất còn sót lại của đồng bào Cơ Tu, được ví như chất keo gắn kết cộng đồng. Người Cơ Tu đặt ra quy định về việc chọn đặt a’ruung, họ chia nhau từng khúc sông và đánh dấu đó là "lãnh địa" của mình, tuyệt đối không tranh giành làm mất đoàn kết.
Hơn nửa tháng trời miệt mài làm việc với sự góp sức của dân làng, công trình bắt cá thuộc loại công phu bậc nhất của già Alăng Chô mới được hoàn thành. Hiện gỗ rừng khan hiếm, người Cơ Tu lấy gỗ keo để đóng cọc. Vì gỗ tạp nên khi ngâm lâu dưới nước, cây keo thường mau mục nát nên vòng đời của a’ruung chỉ kéo dài khoảng 6 - 7 tháng. Dù tốn công tốn sức là vậy nhưng gần như năm nào già Chô cũng huy động dân làng giúp mình làm a’ruung. Già nói rằng làm không chỉ vì thú vui của bản thân mà còn vì muốn truyền lại cho con cháu đời sau cách làm a’ruung, giữ lại nét truyền thống của cha ông.
"Những câu chuyện về aruung hay các vật dụng khác được truyền lại sẽ nung nấu tình yêu quê hương cho những thế hệ sau, từ đó gắn kết các cá nhân với nhau thành một cộng đồng Cơ Tu đoàn kết, vững mạnh" - già Alăng Chô bày tỏ.
Bình luận (0)