Đó là chưa kể năm 2017, Thanh Hóa thu ngân sách khoảng 13.000 tỉ đồng nhưng chi 23.000 tỉ đồng. Còn năm 2018, dự chi khoảng 28.000 tỉ đồng, dự thu chỉ được khoảng 1/2 dự chi, tức là sẽ tiếp tục ngửa tay xin trung ương 14.000 tỉ đồng.
Ai có thể giải thích giùm cho sự vô cảm này, nếu không phải là những lãnh đạo đương nhiệm của tỉnh Thanh Hóa!
Cái bệnh xài sang ở xứ ta trị hoài không dứt. Nó lan rộng và dường như chống lại mọi loại thuốc, kể cả đặc trị. Lan rộng là bởi nơi này làm được thì nơi khác cũng nghĩ mình làm được. Tỉnh bạn xin gạo cứu đói được, xin ngân sách trung ương được thì tỉnh mình cũng có cái quyền ấy, chả sao. Nghĩ là làm, bầu sữa ngân sách đã sẵn, đàn con tranh nhau mà vắt.
Mấy năm trước, Sơn La gây lùm xùm với dự án quần thể quảng trường - tượng đài - trung tâm hành chính 1.400 tỉ đồng. Lãnh đạo tỉnh này phân trần về sự cần thiết kèm theo cam kết tiết kiệm tối đa ngân sách, nghĩa là không ngưng theo đuổi công trình hoành tráng ấy. Hà Giang mới đây cũng đề nghị trung ương cho xây trung tâm hành chính tập trung hơn 1.000 tỉ đồng. Cũng may, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã bác bỏ vì lý do vừa không có tiền vừa không phù hợp vào thời điểm này. Nghĩ cũng lạ, Hà Giang thu ngân sách mỗi năm không tới 1.000 tỉ đồng, phải nhờ trung ương chi viện đến gần 7.000 tỉ đồng, vậy thì xây trụ sở mới cho các cơ quan nhà nước tốn kém đến thế để làm gì. Ngồi trong trụ sở mới có làm tăng thu ngân sách không, có nghĩ được ra kế sách gì để địa phương giàu có lên không?
Năm ngoái, tỉnh Quảng Ninh khánh thành cổng chào gần 370 tỉ đồng. Nếu so với chi phí làm cái cổng chào này thì gần 105 tỉ đồng của Thanh Hóa chỉ là "muỗi" và từ đó mới hiểu vì sao người ta bảo đây là cổng chào hoành tráng nhất nước. Hoành tráng bởi hình thù khối thép bên ngoài và hoành tráng bởi mức độ tốn kém, lãng phí vô đối của nó.
Lễ kỷ niệm, cổng chào, tượng đài, trụ sở… có ích gì cho dân? Đừng viện cớ lấy đó "làm giàu đời sống tinh thần nhân dân"! Điện - đường - trường - trạm tốt, có công ăn việc làm, an ninh trật tự xã hội bảo đảm thì đời sống tinh thần ắt sẽ bật lên. Người dân không cần được "làm giàu" kiểu trá hình như thế, cũng đừng nhân danh làm giàu tinh thần cho dân để làm giàu vật chất cho mình.
Đã từ lâu người ta kháo nhau về chuyện quan chức hữu quyền "chấm mút" trong các dự án công, bảo rằng phải được vậy thì họ mới sốt sắng làm dự án đến thế. Nhưng dựa vào đâu để họ làm và làm được? Xin chỉ ngay rằng đó là kẽ hở trong cơ chế giám sát, kiểm tra ở các cấp; đó là sự du di, cả nể, có qua - có lại trong thực thi chính sách chung.
Rất nhiều địa phương cứ nhăm nhăm miếng bánh ngân sách với suy nghĩ "con khóc mẹ sẽ cho bú". Nay mẹ đừng cho bú nữa, để con tự túc miếng ăn; thậm chí, mẹ phải ra đòn với những đứa con hư.
Bình luận (0)