Hiện nay, rất nhiều sinh viên sau khi ra trường đi làm trái với ngành, nghề được học. Đó là việc bình thường trong thời kỳ mở cửa hội nhập.
Thủ khoa Bùi Thị Hà cũng như vậy, do chờ vào biên chế nên thất nghiệp, buộc phải chọn việc trái nghề - dù là phụ gia đình buôn bán, nuôi heo.
Nhưng hãy đặt tình huống Hà gắn bó với nghề nuôi heo luôn thì sao? Có khi làm trái nghề, làm một công việc mà ai cũng làm được nhưng nếu Hà biết cách tổ chức công việc thì cũng có thể khởi nghiệp thành công. Rất nhiều cử nhân, kỹ sư về làm ruộng và làm giàu bằng những trang trại gà, heo... đó thôi.
Nói thế để thấy cần có một sự thay đổi lớn trong nhận thức nghề nghiệp của giới trẻ. Đừng ảo tưởng về bản thân, cứ cho mình giỏi, có bằng cấp tốt thì phải làm đúng "đẳng cấp". Trong thị trường lao động mở, kỹ sư về làm ruộng hay thủ khoa ở nhà nuôi heo đã là chuyện bình thường.
Thực ra, nếu học một ngành và sau khi ra trường lại làm đúng với ngành nghề đó thì thật sự quá hạnh phúc, không có gì để bàn cãi. Nhưng trong quá trình học lẫn sau khi ra trường, ta nhận ra mình với nghề đó không có cái duyên. Nghĩa là mình không phù hợp, mình không có tố chất và mình chỉ có thể dừng lại ở mức độ trung bình của công việc thì không thể nào tạo ra được giá trị lao động tối ưu cho bản thân và xã hội. Vậy tại sao chúng ta lại không thử một nghề khác phù hợp hơn?
Những năm ở giảng đường chỉ là quá trình học nghề, sau khi ra trường, bạn mới bắt đầu làm nghề. Dĩ nhiên phải làm nghề với những nghề phù hợp nhất với mình. Đó chính là quá trình nghề chọn người. Vì thế, cho dù có làm trái nghề nhưng nếu làm bằng tất cả đam mê, tinh thần trách nhiệm và tạo ra những giá trị lao động thật cao, thật tốt thì không có gì phải cho là yếu kém, là hoàn toàn thất bại .
Thủ khoa Bùi Thị Hà hơn một năm nay chờ vào biên chế, làm việc gần nhà Ảnh: Tư liệu
Trong xã hội hiện nay, việc tạo ra giá trị của sức lao động mới là điều quan trọng nhất. Bằng cấp hay chứng chỉ chuyên môn trong quá trình học ở trường là hành trang tốt cho nghề nghiệp chứ nó không quyết định cho sự tiến thân.
Hệ thống đào tạo nước ta hiện có hơn 300 nhóm ngành nghề phù hợp với trong thị trường lao động mở, hội nhập với nền kinh tế trong khu vực và thế giới. Tuy nhiên, công việc cụ thể trong thị trường lao động thì rất đa dạng với hàng chục vạn nghề. Điều này cho thấy thực chất có rất nhiều ngành nghề không có trong hệ thống giáo dục nhưng khi ra đời, người lao động vẫn có thể thực hiện và làm tốt. Các bạn trẻ đừng lo không có việc làm sau khi tốt nghiệp, bởi nhu cầu luôn có và quan trọng là chúng ta có hòa vào được xu thế, thay đổi mình để thích nghi hay không.
Một thực trạng dễ thấy, doanh nghiệp luôn cần nhân lực hài hòa 3 yếu tố: Kiến thức nghề, kỹ năng nghề và thái độ (đạo đức nghề nghiệp, kỷ luật, trách nhiệm...). Để có cơ hội việc làm sau khi ra trường, trình độ kiến thức là điều kiện cần nhưng chưa đủ. Ngoài kiến thức, sinh viên cần phải nâng cao kỹ năng sống (kỹ năng mềm) của bản thân. Đây là điều kiện cần nhưng lại đang rất thiếu đối với giới trẻ.
Thực tế là hiện nay, doanh nghiệp rất cần đội ngũ nhân sự chất lượng cao nhưng ngược lại nhiều sinh viên tốt nghiệp chưa đáp ứng được nhu cầu tuyển dụng, đặc biệt phần kỹ năng. Cử nhân thất nghiệp nhiều là vì lý do này.
Nhìn nhận một cách thẳng thắn thì có đến 70% sinh viên tốt nghiệp chưa trang bị tốt về chuyên môn cũng như các kỹ năng mềm và trình độ ngoại ngữ. Ngoài vấn đề vừa nêu, một số ngành nghề cũng đang mất cân đối giữa các cấp đào tạo và nhu cầu tuyển dụng. Sự chênh lệch về thu nhập trong từng ngành nghề dẫn đến sự lựa chọn khác nhau trong nhu cầu tuyển dụng và tìm việc, cũng là một trong số nguyên nhân.
Chúng ta đang sống và làm việc trong một thị trường lao động mở, một xã hội học tập suốt đời, liên tục. Các bậc học đang được mở ra việc liên thông nên không ai có thể tự nói rằng học cao thì sẽ thành công cao, học thấp thì không thành công.
Thị trường lao động luôn đón nhận tất cả, ai học ở bậc nào thì cần rèn luyện mình hoàn thiện ở đó. Hãy chủ động tìm cơ hội cho mình chứ đừng chờ "giải cứu thủ khoa".
Hãy chứng minh năng lực, thay vì viết "tâm thư"
TS Đàm Quang Minh, Hiệu trưởng Trường ĐH Thành Tây, cho rằng danh hiệu "thủ khoa" chỉ minh chứng một cử nhân có thể hoàn thành một cách máy móc các bài học và được trả điểm cao nhất chứ không chứng minh năng lực về sự sáng tạo, về khả năng hợp tác trong công việc và nhiều kỹ năng khác. "Nơi em xin việc phải là nơi họ cần em. Hãy chứng minh năng lực, thay vì viết "tâm thư" cho bí thư Tỉnh ủy Hà Giang" - ông Minh nói.
Từ trường hợp này, ông Minh nhận xét sinh viên Việt Nam khá thụ động. Không ít người đã tốt nghiệp ĐH, ở ngưỡng tuổi gần 30 nhưng khi đi xin việc bố mẹ vẫn phải dắt đi. Thậm chí, nhiều phụ huynh còn xin được ngồi cùng con trong buổi phỏng vấn để có cơ hội nói đỡ cho con. "Rõ ràng vấn đề ở đây là các cử nhân chưa trang bị cho mình những điều kiện cần thiết để gia nhập thị trường lao động sau khi tốt nghiệp" - ông Minh nhấn mạnh.
Y.Anh
Ông Vũ Văn Sử, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Hà Giang:
Không thể đòi việc gần nhà, lương tốt
Bùi Thị Hà là trường hợp hiếm có ở tỉnh Hà Giang khi trở thành thủ khoa xuất sắc (điểm tốt nghiệp trung bình từ 9 phẩy trở lên). Tỉnh Hà Giang không từ chối Hà mà chính là do em tự quyết định.
Người trẻ mới ra trường mà muốn được vào luôn cơ quan hành chính sự nghiệp, làm việc gần nhà, lương tốt là điều khó có thể đạt được. Biên chế chỉ là một cánh cửa, một sự lựa chọn mà thôi, không nên là tất cả. Sinh viên trẻ mới ra trường, ngoài kiến thức cần học hỏi thêm nhiều điều về cuộc sống để có kinh nghiệm sống.
Bà Hoàng Mai Phương, Trường ĐH Sư phạm Hà Nội:
Phải mạnh dạn tìm lối đi
Tâm lý của Bùi Thị Hà cũng là tâm lý chung của nhiều sinh viên hiện nay: quá thụ động và tự hạn chế cơ hội của chính mình khi chờ đợi một suất biên chế. Biên chế không phải là con đường duy nhất của các thủ khoa. Rất nhiều cử nhân sư phạm giỏi đã bắt đầu sự nghiệp của mình ở một ngôi trường tư thục, thậm chí làm gia sư, dạy trực tuyến. Nếu Hà giỏi thật sự và muốn chăm sóc mẹ như em chia sẻ, em hãy khẳng định bản lĩnh của mình, chứ đừng chờ "giải cứu".
Hành trang bước vào đời của mỗi người trẻ luôn là sự năng động, sáng tạo và dấn thân. Hãy trang bị cho mình những kiến thức, kỹ năng cần thiết. Phải mạnh dạn tìm lối đi, can đảm đối diện khó khăn cũng như biết chấp nhận các thử thách.
TS Nguyễn Văn Vịnh, nguyên Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu xã hội và phát triển:
Thiếu năng lực tự lập, kỹ năng sống
Câu chuyện thủ khoa chấp nhận về nhà nuôi heo chờ biên chế thật sự là một câu chuyện buồn. Điều này cho thấy tâm lý của nhiều cử nhân hiện nay là thích vào công chức nhà nước mà không muốn làm ở các khu vực ngoài công lập. Nhiều người coi đó là một sự an toàn và ổn định, cũng là sự hãnh diện cho gia đình, dòng họ nên sẵn sàng "chạy" biên chế. Bên cạnh đó là sự thụ động, thiếu tự tin của giới trẻ về chính kiến thức và kỹ năng của mình nếu phải bươn chải ở ngoài. Họ thiếu năng lực tự lập, kỹ năng sống, cũng như sự cầu thị trong nghề nghiệp.
TS Lê Thống Nhất,nhà sáng lập hệ thống BigSchool:
Thất nghiệp do thiếu kỹ năng
Cách đánh giá ở các trường ĐH với đánh giá tuyển dụng của thị trường có sự khác nhau rõ nét. Bởi có không ít thủ khoa ở trường đại học nhưng khi ra thi tuyển vào làm việc ở các đơn vị, doanh nghiệp lại không thể qua nổi. Như vậy, sản phẩm mà trường đào tạo ra liệu có đúng với chuẩn đánh giá của nhà tuyển dụng không?
Điều này cho thấy dù là thủ khoa hay bất kỳ ai, nếu muốn có chỗ đứng tốt thì phải học thêm rất nhiều các kỹ năng để có thể thích ứng với môi trường mới. Nhiều khi thất nghiệp là do chính các bạn không đủ các kỹ năng khác.
Y.Anh ghi
Bình luận (0)