xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Dùng dằng mở lối xuống biển

NHÓM PHÓNG VIÊN

Những sai lầm trong quy hoạch, giao đất của chính quyền các địa phương đã dẫn đến nạn cát cứ bờ biển, gây ra xung đột lợi ích, tranh chấp kéo dài giữa chủ đầu tư với người dân

Từ năm 2006, bờ biển quận Ngũ Hành Sơn, TP Đà Nẵng bắt đầu được các nhà đầu tư đổ tiền vào làm hàng loạt dự án. Suốt 12 km bờ biển xinh đẹp này nhanh chóng bị vây kín bởi resort, khách sạn. Không gian biển trở thành không gian của resort - "lãnh địa" riêng của nhà đầu tư.

Gần biển mà hóa xa

Hầu hết dự án ở bờ biển quận Ngũ Hành Sơn chiếm luôn lối đi xuống biển, từ đó phát sinh tranh chấp mà người dân ở đây coi như một "cuộc chiến". Nhiều năm dài, họ kiến nghị chính quyền can thiệp, buộc chủ đầu tư trả lại lối đi. "Nếu quy hoạch tốt, có tầm nhìn thì nên dành khoảng trống nào đó, chừa ra một phần nhằm để lại lối đi, bãi tắm cho dân giữa các khu resort. Những sai lầm trong quy hoạch, giao đất đã ảnh hưởng đến cuộc sống người dân" - ông Nguyễn Văn Mỹ (ngụ phường Bắc Mỹ An, quận Ngũ Hành Sơn) nói.

Một nguyên lãnh đạo Sở Tài nguyên và Môi trường TP Đà Nẵng cho biết dọc bờ biển Ngũ Hành Sơn có khoảng 33 dự án, được giao đất trong giai đoạn năm 2006-2013. Trong đó, nhiều dự án chậm triển khai, lãnh đạo TP nhiều lần muốn thu hồi để trả lại không gian công cộng cho người dân nhưng gặp khó bởi vướng nhiều quy định.

Năm 2017, tại TP Đà Nẵng "ồn ào" về việc Tập đoàn Trung Thủy xây hàng rào bít kín phần đất đã được cấp phép để chuẩn bị triển khai dự án Khu Du lịch sinh thái Nam Ô (quận Liên Chiểu). Việc này đã vấp phải phản ứng của người dân địa phương. Lãnh đạo TP Đà Nẵng sau đó phải vào cuộc và Bí thư Thành ủy Đà Nẵng Trương Quang Nghĩa đã yêu cầu quận đề nghị chủ đầu tư tháo dỡ hàng rào, trả lại lối đi cho dân. Gần 2 năm nay, dự án này bao phen lao đao, mặc dù đã được cấp phép nhưng liên tục bị chính quyền TP Đà Nẵng "lôi ra" để điều chỉnh nhằm phù hợp với lợi ích của cộng đồng.

Dùng dằng mở lối xuống biển - Ảnh 1.

Lối xuống biển ở đường Hồ Xuân Hương (quận Ngũ Hành Sơn, TP Đà Nẵng) đã đưa vào sử dụng sau khi bị chủ đầu tư rào chắn Ảnh: BÍCH VÂN

Tại Quảng Nam, từ nhiều năm qua, dọc bờ biển từ phường Cửa Đại (TP Hội An) đi qua thị xã Điện Bàn đến địa phận giáp TP Đà Nẵng, cả trăm khu nghỉ dưỡng, khách sạn đua nhau mọc lên, lối đi, không gian biển bao đời nay của người dân dần bị thu hẹp. Một lãnh đạo UBND phường Điện Dương, thị xã Điện Bàn cho biết trên địa bàn phường có hàng chục dự án du lịch, nghỉ dưỡng đã và đang xây dựng. Từ phản ứng của người dân về việc một số dự án có dấu hiệu chiếm đường xuống biển, chính quyền đã cho rà soát; trên cơ sở đó điều chỉnh quy hoạch, cho xây dựng các bãi tắm công cộng cũng như mở hoặc giữ nguyên hiện trạng các tuyến đường xuống biển để hài hòa lợi ích đôi bên.

Tận dụng lợi thế bờ biển đẹp, các tỉnh duyên hải miền Trung khác cũng thi nhau cấp phép cho các dự án du lịch, hậu quả là các nhà đầu tư tranh nhau cát cứ. Như ở TP Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa, vào tháng 6-2018, một chủ đầu tư ngang nhiên rào chắn đường N2 (phường Vĩnh Hòa) để xây dựng resort. Do bít luôn lối xuống biển nên dự án này bị người dân phản ứng quyết liệt, buộc chính quyền địa phương phải can thiệp.

Hay ở TP Phan Thiết, tỉnh Bình Thuận, bãi biển ở 2 phường Mũi Né và Hàm Tiến có đến gần 200 resort. Không gian biển giờ trở thành không gian resort - "lãnh địa" của nhà đầu tư. Người dân ở gần biển hóa thành xa, bởi muốn ra biển hít thở không khí, vui chơi không còn dễ dàng như trước.

Khẩn trương "sửa sai"

Nạn cát cứ bờ biển dẫn đến xung đột lợi ích, tranh chấp kéo dài giữa chủ đầu tư với người dân. Trước tình hình này, tháng 4 vừa qua, UBND TP Đà Nẵng đã ra văn bản yêu cầu đẩy nhanh tiến độ triển khai đầu tư các lối xuống biển và tuyến đường phía Đông các khu du lịch trên địa bàn quận Ngũ Hành Sơn. UBND TP giao Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông TP làm chủ đầu tư kiêm điều hành dự án lối xuống biển trên địa bàn. Ông Thái Ngọc Trung, Phó Giám đốc phụ trách Sở Xây dựng TP Đà Nẵng, xác nhận đến thời điểm hiện tại đã thi công cơ bản hoàn thành 3 lối xuống biển, 2 lối còn lại đang tiếp tục triển khai ở khu vực này. Sở Xây dựng TP Đà Nẵng cũng đang phối hợp các đơn vị liên quan hoàn tất thủ tục để triển khai thi công những dự án lối xuống biển trên toàn địa bàn theo tiến độ TP giao.

Ông Thái Ngọc Trung nêu rõ việc rà soát, mở lối xuống biển được triển khai theo Chỉ thị 20/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ và trên cơ sở kiến nghị của người dân tại khu vực ven biển. "Đây là chủ trương vì lợi ích chung, phục vụ công cộng, cộng đồng, TP mong các doanh nghiệp cũng vì mục đích chung" - ông Trung nhấn mạnh.

Bí thư Thành ủy Đà Nẵng Trương Quang Nghĩa cho rằng lãnh đạo TP rất quyết tâm trong việc mở lối xuống biển cho người dân, hạn chế thấp nhất các vụ việc tranh chấp kéo dài như thời gian qua. Ngoài quận Ngũ Hành Sơn, ở quận Thanh Khê và Liên Chiểu, TP cũng đang rà soát để tiếp tục thực hiện hàng loạt lối xuống biển. "Các doanh nghiệp cũng đã thấy trách nhiệm của mình và chia sẻ với lãnh đạo TP cùng bà con nên việc này khá thuận lợi" - ông Nghĩa nhận định.

Ông Trần Ngọc Căng, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi, cũng nhấn mạnh chủ trương của tỉnh không cấp phép cho những dự án không phù hợp với quy hoạch, ảnh hưởng đến môi trường, người dân các vùng ven biển. Đặc biệt, rút kinh nghiệm từ các địa phương khác, nếu dự án nào bít lối xuống biển hoặc bố trí lối xuống biển quá thưa, tỉnh sẽ không cấp phép cho dự án triển khai. 

Sai lầm do nhận thức chưa đầy đủ

Ông Huỳnh Khánh Toàn, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Quảng Nam, thừa nhận trước đây, do nhận thức chưa đầy đủ nên trong quy hoạch vùng ven biển khu vực Hội An - Điện Bàn có một số bất cập, nhiều dự án được triển khai xây dựng quá sát bờ biển, không có không gian chung cho người dân cùng sử dụng. Hiện nay, nhìn nhận lại, tỉnh thấy có sự bất cập nên địa phương đã tổ chức thương thảo với các nhà đầu tư để điều chỉnh quy hoạch trên cơ sở bảo đảm không gian biển cho cộng đồng, xây dựng các tuyến đường xuống biển, tạo thuận lợi cho người dân sinh hoạt, mưu sinh.

Cũng từ kinh nghiệm đó, trong quy hoạch vùng ven biển từ Cửa Đại (TP Hội An) đến Cửa Lở (huyện Núi Thành), tỉnh Quảng Nam đưa ra định hướng mở tuyến đường ven biển phục vụ du lịch. Trong đó, quy định khu vực từ mép biển vào bờ 150 m sẽ không cho phép xây dựng dự án để dành diện tích cho cộng đồng. "Những dự án được thực hiện sau này sẽ tuyệt đối không có tình trạng bít lối xuống biển của người dân" - ông Huỳnh Khánh Toàn cam kết.

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo