Theo nghiên cứu của các cơ quan y tế, để đạt được miễn dịch cộng đồng, Việt Nam cần có khoảng 150 triệu liều vắc-xin phòng Covid-19 để tiêm cho khoảng 75 triệu người dân trong năm 2021.
Chiến dịch tiêm chủng lớn nhất
Tại buổi giao lưu trực tuyến, các chuyên gia y tế đã giải đáp hàng trăm câu hỏi, giúp độc giả có cái nhìn toàn diện và rõ hơn về tác dụng của vắc-xin Covid-19.
PGS-TS Dương Thị Hồng - Phó Viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ trung ương, Trưởng Văn phòng Tiêm chủng mở rộng quốc gia - cho biết thời gian qua, Bộ Y tế nỗ lực tìm kiếm, trao đổi, đàm phán để có các nguồn vắc-xin Covid-19 nhập khẩu và đẩy mạnh nghiên cứu, sản xuất vắc-xin trong nước nhằm đạt mục tiêu 150 triệu liều vắc-xin như Nghị quyết 21 của Chính phủ.
Vắc-xin ngừa Covid-19 đang và sẽ được sử dụng ở Việt Nam hiện nay đều được Tổ chức Y tế thế giới (WHO) tiền thẩm định, khuyến cáo; được Cục Quản lý Dược cấp phép lưu hành, Viện Kiểm định quốc gia vắc-xin và sinh phẩm y tế cấp giấy phép xuất xưởng. Bộ Y tế cũng đã có kế hoạch huy động tối đa nhân lực của hệ thống y tế - bao gồm cả giảng viên, sinh viên các trường đại học, cao đẳng y tế trên toàn quốc, các hệ thống y tế tư nhân - tham gia chiến dịch tiêm chủng này.
Báo Người Lao Động phối hợp với Bộ Y tế tổ chức giao lưu trực tuyến về tiêm ngừa vắc-xin Covid-19 vào sáng 17-6Ảnh: HUẾ XUÂN
Thời gian tới, lực lượng chức năng sẽ tổ chức tiêm chủng theo hệ thống tiêm chủng mở rộng đã bao phủ tới xã, phường. Các vắc-xin Covid-19 hiện nay đều có hiệu lực từ trên 60%-95%. Vì vậy, WHO khuyến cáo vắc-xin là một vũ khí để chấm dứt đại dịch Covid-19.
"Chúng tôi khuyến cáo việc sớm tiêm vắc-xin để chủ động phòng bệnh cho cá nhân và cộng đồng. Người dân không nên có tâm lý chờ đợi lựa chọn vắc-xin mà bỏ qua cơ hội tiêm chủng sớm" - PGS Dương Thị Hồng nhấn mạnh.
Về việc bảo quản, PGS-TS Trần Đắc Phu, Cố vấn cao cấp Trung tâm Đáp ứng khẩn cấp sự kiện y tế công cộng Việt Nam, khẳng định Việt Nam có đủ năng lực bảo quản vắc-xin. Từ năm 1980, Việt Nam đã là một trong những quốc gia tổ chức tiêm chủng mở rộng với hơn 12.000 điểm tiêm tại các trạm y tế xã, phường và nhiều điểm tiêm chủng dịch vụ khác. Đây là những điểm tiêm chủng đã được cấp phép để triển khai tiêm chủng hằng tháng cho trẻ em.
"Tôi cho rằng chắc chắn phải sử dụng hệ thống này vào việc tiêm chủng vắc-xin ngừa Covid-19 thì mới đạt được tỉ lệ cao, an toàn và thuận lợi cho người dân. Trong thời gian tới, Bộ Y tế tiếp tục kết hợp với Bộ Quốc phòng trong việc bảo quản vắc-xin, nên tôi cho rằng Việt Nam đủ năng lực để bảo quản vắc-xin ngừa Covid-19" - PGS Trần Đắc Phu nhấn mạnh.
Bị bệnh mạn tính vẫn có thể tiêm vắc-xin
Về những phản ứng sau tiêm, PGS Dương Thị Hồng cho biết với hơn 1,5 triệu liều vắc-xin sử dụng, Việt Nam đã ghi nhận số trường hợp phản ứng thông thường từ khoảng 14%-20%. Tỉ lệ này tương đương theo khuyến cáo của nhà sản xuất và WHO.
TS-BS Lê Quốc Hùng, Trưởng Khoa Bệnh nhiệt đới Bệnh viện Chợ Rẫy (TP HCM), lưu ý người mắc các bệnh mạn tính như tiểu đường, cao huyết áp, tim mạch, hen suyễn, ung thư… đang điều trị ổn định vẫn có thể tiêm được vắc-xin Covid-19. Bất cứ loại thuốc nào đều có chỉ định và chống chỉ định vì lợi ích của chính người sử dụng. Để có hiệu quả tốt nhất tạo ra kháng thể đầy đủ thì cơ thể người được tiêm phải trong trạng thái khỏe mạnh, ổn định. Do vậy, khi đang mắc một số bệnh cấp tính hoặc mạn tính điều trị chưa ổn định thì tiêm vắc-xin sẽ không đạt hiệu quả như mong muốn. Nhìn chung, tất cả đối tượng có tiền sử dị ứng đều vẫn có thể tiêm vắc-xin nhưng cần được tiêm tại các cơ sở y tế có khả năng chăm sóc đặc biệt nếu gặp trường hợp phản ứng nặng xảy ra.
Về vấn đề người từng bị Covid-19 đã điều trị khỏi bệnh có cần tiêm hay không, bác sĩ Hùng cho biết người từng mắc Covid-19 thì cơ thể sẽ tạo ra kháng thể. Tuy nhiên, sẽ có 2 vấn đề xảy ra: Thứ nhất, tùy theo cơ địa mỗi người thì lượng kháng thể tạo ra sau khi bị bệnh sẽ khác nhau. Một số người lượng kháng thể này được tạo ra không đủ bảo vệ, do đó vẫn có thể mắc bệnh lần 2, 3... Thứ hai, loại virus này có sự biến chủng rất nhiều, nếu là chủng mới xuất hiện mà kháng thể được tạo ra của người mắc bệnh không thể bảo vệ được thì vẫn có thể mắc bệnh lại.
Đường dây nóng tiếp nhận đăng ký vắc-xin
Về việc đặt mua vắc-xin Covid-19, theo bác sĩ Bạch Thị Chính, Giám đốc y khoa Hệ thống Trung tâm Tiêm chủng VNVC (thuộc Công ty Cổ phần Vắc-xin Việt Nam), các cơ quan chức năng đã cấp phép cho 36 công ty được nhập khẩu vắc-xin Covid-19. Việc nhập vắc-xin cho từng địa phương đang được đẩy nhanh tiến độ.
Đối với việc người dân ở TP HCM muốn tiêm vắc-xin dịch vụ thì cách thức đăng ký thế nào, bác sĩ Bạch Thị Chính cho rằng hiện nay, việc tiêm vắc-xin Covid-19 dịch vụ chưa được triển khai. Về việc tiếp nhận đăng ký vắc-xin Covid-19, VNVC đang theo lộ trình của Chính phủ và Bộ Y tế, khi được cho phép sẽ triển khai rộng rãi. Trong thời gian tới, người có nhu cầu có thể liên lạc đường dây nóng của VNVC (02873006595) sẽ được cập nhật thông tin mới nhất.
Bình luận (0)