Đây là một đạo luật rất được dư luận xã hội quan tâm bởi rượu, bia liên quan đến sự hình thành, phát triển nhân cách của giới trẻ; duy trì giống nòi, sức khỏe của người dân. Thời gian qua, nhiều vụ tai nạn giao thông xảy ra có nguyên nhân từ việc người điều khiển xe uống rượu, bia gây ra, làm chết và bị thương hàng chục ngàn người mỗi năm. Ngoài ra, rượu, bia còn gây ra nhiều loại bệnh lý khác, nhất là bệnh ung thư. Rượu, bia gây thiệt hại cho gia đình, xã hội và cả nền kinh tế là quá lớn.
Trong 10 năm qua, mức tiêu thụ rượu, bia trên đầu người hằng năm của Việt Nam gia tăng liên tục, lên đến 8,9 lít cồn/người (năm 2017), vượt xa mức tiêu thụ bình quân của thế giới (6,4 lít/người), đi kèm là các hậu quả: nghèo đói, bệnh tật, tai nạn giao thông, bạo hành gia đình, bạo lực xã hội, tâm thần. Vì thế, việc Quốc hội đưa vào chương trình xây dựng pháp luật đối với dự thảo Luật Phòng chống tác hại rượu, bia là hết sức cần thiết.
Bộ Y tế là đơn vị được giao nhiệm vụ làm đầu mối xây dựng dự thảo luật này. Chính ông Nguyễn Huy Quang (Vụ trưởng Vụ Pháp chế - Bộ Y tế) đã thừa nhận, so với nội dung dự thảo ban đầu thì dự thảo trình ra Quốc hội lần này, công cụ pháp lý quan trọng đang bị làm yếu hơn, tạo nhiều khoảng trống pháp luật như: Quy định cấm quảng cáo rượu, bia từ 15 độ trở lên bị thay thế bằng chỉ cấm quảng cáo, khuyến mại rượu từ 15 độ cồn trở lên, không cấm đối với bia; bán rượu, bia từ 15 độ cồn trở lên trên internet, dự thảo lần này bị bỏ qua, không đưa vào hành vi cấm. Ngoài việc bỏ quy định cấm quảng cáo rượu, bia trên internet, mạng xã hội, dự án luật còn làm "mềm" đi các hành vi quản lý việc khuyến mại, quảng cáo rượu dưới 15 độ cồn. Đối với bia từ 5,5 độ cồn đến dưới 15 độ cồn thì không bị đưa vào diện quản lý việc khuyến mại, quảng cáo.
Đây là những vấn đề làm dư luận hết sức băn khoăn. Nếu dự thảo luật này được thông qua sẽ tạo ra một lỗ hổng pháp lý rất lớn liên quan đến việc quản lý đối với việc quảng cáo khuyến mại bia từ 5,5 độ cồn đến dưới 15 độ cồn. Ngoài ra, việc này còn không thống nhất với quy định của Luật Quảng cáo đối với sản phẩm có cồn.
Có một thực tế không phủ nhận là việc đóng góp ngân sách cho đất nước từ ngành công nghiệp rượu, bia là rất lớn nên việc ban hành quy định pháp luật ràng buộc, hạn chế đối với việc sản xuất, lưu thông, mua bán rượu, bia sẽ ít nhiều tác động đến ngành này. Tuy nhiên, việc đóng góp vào ngân sách chỉ là cái lợi trước mắt. Về lâu dài, không thể vì việc đóng góp của ngành này mà nới lỏng hay bỏ qua việc quản lý rượu, bia. Một đất nước muốn phát triển thì phải ưu tiên đến sự phát triển nguồn nhân lực và nòi giống của dân tộc. Một dân tộc, một đất nước không thể phát triển khi người dân mua rượu, bia còn dễ hơn mua bó rau, con cá ngoài chợ và mức độ uống bia, rượu ngày càng tăng. Mong rằng các đại biểu Quốc hội hết sức thận trọng, có trách nhiệm khi bấm nút thông qua dự án luật này.
Bình luận (0)