Ông nói như vậy tại diễn đàn Quốc hội chiều 13-6 nhằm mục đích khuyến cáo người dân linh động lựa chọn thịt gia súc, gia cầm và chính Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN-PTNT) từ nhiều tháng trước cũng đã chủ động thực hiện các giải pháp đa dạng hóa nguồn thực phẩm.
Mà hiểu kiểu gì đi nữa cũng không phủ nhận được một thực tế, đó là các bộ, ngành hữu quan đã thất bại trong việc kiểm soát giá thịt heo trong nước. Từ nhiều tháng trước, giá thịt heo nóng đã tăng vùn vụt, tới nay chưa dừng, dù cơ quan quản lý nhà nước đã thực hiện nhiều biện pháp kìm giá, như cho nhập thịt lạnh từ Nga và mới đây cho nhập cả thịt nóng từ Thái Lan. Khâu trung gian có thao túng, găm hàng và đẩy giá hay không, đến bây giờ vẫn chưa ai tìm được bằng chứng để kết luận, song diễn biến thị trường thì đã hiển thị rất rõ: nhu cầu tiêu dùng cao trong khi nguồn heo ít nên giá tăng; đắt mà vẫn bán được, thậm chí khan hàng thì giá sẽ tăng thêm, đó là quy luật thị trường. Giải pháp tối ưu và duy nhất để giảm giá thịt heo chính là tăng nguồn cung. Mọi sự can thiệp bằng mệnh lệnh hành chính đều vô nghĩa, bởi đi ngược lại quy luật về giá, quy luật cung - cầu.
Mà muốn tăng nguồn cung thì phải chờ thêm nhiều tháng, theo Bộ NN-PTNT thì tới quý IV năm nay mới cân đối được, dịch tả heo châu Phi đã làm chết tới 6 triệu con heo nên khâu tái đàn gặp khó khăn vì giống đắt và mất thời gian. Nhưng đó là chuyện của các cơ quan quản lý, phải làm sao để vừa không hụt nguồn thịt vừa điều tiết được giá hợp lý theo nguyên tắc thị trường, chứ không thể bảo người dân khoan ăn thịt heo, chờ tái đàn cái đã, khi ấy giá mới rẻ được; hoặc heo đắt thì đừng ăn, chuyển qua ăn gà, ăn trứng cho rẻ, có khác nào khuyên bệnh nhân đang hấp hối rằng muốn đỡ tốn thì đừng dùng máy trợ thở, cứ hít không khí bình thường!
Tựu trung, cốt lõi của vấn đề vẫn là giải pháp thế nào và làm sao để giải pháp ấy khả thi. Không riêng thịt heo, chuyện xả rác nhiều phải trả tiền nhiều được quy định trong dự thảo Luật Bảo vệ môi trường (sửa đổi) đang được Quốc hội cho ý kiến cũng vấp phải câu hỏi về tính khả thi. Đúng là một số nước tiên tiến như Hàn Quốc, Nhật Bản từ nhiều năm trước đã thu tiền rác theo cách cân ký - tính phí rồi, song liệu có bê nguyên xi cách làm của họ về Việt Nam được không? Làm thế nào để ngăn chặn nạn xả rác trộm hoặc đổ lén qua nhà người khác (nhằm đỡ trả phí)? Bộ Tài nguyên và Môi trường dự kiến sẽ tính khối lượng rác của tổ chức, cá nhân thải ra theo màu sắc/chủng loại túi đựng nhưng rồi phải làm sao để loại túi đựng ấy không trở thành rác, tức là không tạo thêm áp lực lên khâu xử lý và chống ô nhiễm túi thải nhựa?
Đừng quên bài học về phân loại rác tại nguồn, thất bại là vì chỉ khuyến khích chứ không bắt buộc và chế tài. Cho nên, ngay từ khâu dự thảo, quy định pháp lý phải thể hiện tính khả thi cao, tránh tình trạng đi tìm giải pháp cho... giải pháp được áp dụng trước đó.
Bình luận (0)