Sự việc lẽ ra đã chẳng ồn ào nếu như UBND huyện Nhơn Trạch không quá cứng nhắc và bất nhất trong việc giải quyết nguyện vọng về thay đổi hộ tịch (cải tên) của người dân, ở đây là trường hợp của chị Phương.
Cụ thể, trước đó chị Nguyễn Thị Kim Hoàng Linh Phương có đơn gửi UBND huyện Nhơn Trạch đề nghị được cho phép đổi tên vì lý do tên dài quá, làm thẻ ATM không được, bị nhiều ngân hàng từ chối. Ngay lập tức, đề nghị của chị không được chính quyền địa phương đồng ý vì không thuộc các trường hợp được thay đổi họ và tên theo quy định tại khoản 1, điều 28, Bộ Luật Dân sự 2015.
Chị Phương phải nhờ đến luật sư và đưa đơn lên cấp cao hơn, là Sở Tư pháp tỉnh Đồng Nai. Tỉnh hướng dẫn chị đem hồ sơ trở về huyện để giải quyết.
Người trong cuộc đã bế tắc, may thay, chuyện đến tai báo chí và sau đó được một số tờ báo phản ánh. Sự lên tiếng của truyền thông và áp lực từ dư luận đã buộc UBND huyện Nhơn Trạch xem xét lại. Và qua trình bày thêm với những lý do bổ sung như bất tiện trong xưng hô, mặc cảm vì bị trêu chọc..., chị Phương được đồng ý công nhận đổi tên. UBND huyện Nhơn Trạch từ chỗ không đồng ý nay lại chịu ban hành trích lục thay đổi hộ tịch cho công dân này!
Đổi tên vì lý do tế nhị chẳng phải chuyện mới. Anh thanh niên Mai Phạt Sáu Nghìn Rưởi (viết đúng phải là "Rưỡi") quê huyện Đại Lộc, tỉnh Quảng Nam đã được đổi tên thành Mai Hoàng Long, chẳng gặp rắc rối nào. Mới đây nhất là Phan Hết Gas Hết Số ở tỉnh An Giang, cái tên này không phù hợp quy định pháp luật vì có từ "Gas" là tiếng nước ngoài, buộc phải đổi. Và trường hợp mới nhất ở Đồng Nai kể trên dù chỉ của một cá nhân nhưng nói lên nhiều điều, cũng từ đây có thể tham chiếu được những vấn đề khác trong xã hội. Riêng về đổi tên, hẳn chuyện của chị Nguyễn Thị Kim Hoàng Linh Phương sẽ "mở đường" cho nhiều người khác nữa với những cái tên rất dài, gây bất tiện nhất định, ví dụ như ba chị em Lê Hiếu Nghĩa Đệ Nhất Thương Tâm Nhàn, Lê Hiếu Nghĩa Đệ Nhất Thương Linh Phượng và Lê Hoàng Hiếu Nghĩa Đệ Nhất Thương Tâm Nhân, ở huyện Nhà Bè, TP HCM.
Nhưng vấn đề lớn, đáng nói hơn đó là thái độ ứng xử và tinh thần phục vụ người dân của cán bộ, công chức. Theo cách giải quyết ban đầu vụ chị Phương thì rõ ràng những cán bộ hữu quan ở UBND huyện Nhơn Trạch đã quan liêu, máy móc. Họ đã không đánh giá toàn diện hoàn cảnh của người đề nghị đổi tên. Nếu cứ cứng nhắc giở luật ra rồi từ chối phục vụ công dân thì... đâu phải là cán bộ, làm vậy ai làm chẳng được! Mà dạng cán bộ nhà nước như thế này không ít. Mới đây thôi, một cán bộ phường Tân Chính, quận Thanh Khê, TP Đà Nẵng đã bị kiểm điểm vì hành dân khi họ đến làm thủ tục đổi tên cho con.
Làm thế nào để chấm dứt tình trạng cán bộ nhà nước hành dân? Có gì khó đâu, chỉ cần ghi nhớ mấy lời của Bác Hồ và làm theo, là được: "Muốn cho dân yêu, muốn được lòng dân, việc gì có lợi cho dân phải hết sức làm, việc gì có hại cho dân phải hết sức tránh" (đăng Báo Cứu quốc, số 65, ngày 12-10-1945).
Bình luận (0)