Ngày 26-3, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chủ trì cuộc họp Thường trực Chính phủ về phòng chống dịch bệnh Covid-19. Tại đây, Thủ tướng biểu dương ngành y tế, các cấp, các ngành, Ban Chỉ đạo đã quyết liệt thực hiện nghiêm với quyết tâm cao trong triển khai các chủ trương, biện pháp của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đề ra trong những ngày qua.
Mạnh tay đóng cửa
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đánh giá lây nhiễm Covid-19 đang gia tăng, xuất hiện tình trạng lây nhiễm trong cộng đồng; có trường hợp nhiễm tại cộng đồng nhưng chưa được phát hiện. Vì vậy, cả hệ thống chính trị, chính quyền các cấp cần tăng tốc triển khai quyết liệt các biện pháp phòng chống dịch. Phát hiện sớm, cách ly kịp thời, khoanh vùng dịch và điều trị bệnh, bảo vệ sức khỏe nhân dân là mục tiêu tối thượng.
Thủ tướng dẫn lại một ý kiến khuyến nghị nên xem tình hình dịch của Mỹ để rút kinh nghiệm cho Việt Nam, đó là đầu tháng 3-2020, cả Việt Nam và Mỹ có 100 trường hợp bị nhiễm, nhưng sau 3 tuần Mỹ có tới 55.000 người bị nhiễm và tuyên bố tình trạng thảm họa, đóng cửa bang California (ngày 22-3) khi đã quá muộn, đáng lẽ nên đóng cửa vào 12-3 khi số ca nhiễm dưới 1.000. Thủ tướng đặt vấn đề về việc có nên tạm thời đóng cửa tất cả các hoạt động và đi lại của người dân khi số ca nhiễm còn thấp, không phải con số 1.000?
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu ít nhất trong 2 tuần tới, người đứng đầu chính quyền các cấp tạm dừng tất cả hoạt động hội họp, các sự kiện tập trung trên 20 người (cùng một chỗ). Dừng triệt để các nghi lễ tôn giáo, sẽ xử lý nghiêm chính quyền địa phương nếu để xảy ra việc tập trung trên 20 người (cùng một chỗ). Đóng cửa các dịch vụ không cần thiết như massage, vũ trường, các cơ sở du lịch, tham quan, các tụ điểm vui chơi, giải trí, các rạp chiếu phim, quán bia hơi, nhà hàng ăn uống…
Thăm khám bệnh nhân mắc Covid-19 tại Bệnh viện Bệnh nhiệt đới trung ươngẢnh: HẢI ANH
Chế tài người không đeo khẩu trang
Cùng ngày, phát biểu tại cuộc họp giao ban trực tuyến của Ban Chỉ đạo phòng chống dịch Covid-19 TP HCM, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TP HCM Nguyễn Thiện Nhân khẳng định việc đeo khẩu trang sẽ giúp ngăn chặn dịch bệnh lây lan, đây là phương pháp hiệu quả, rẻ. Người dân khi ra đường phải đeo khẩu trang, nếu không đeo khẩu trang sẽ bị chế tài.
Bí thư Thành ủy Nguyễn Thiện Nhân nêu một số kinh nghiệm của các nước trong công tác chống dịch như: Ý không đeo khẩu trang và hạn chế đi lại chậm nên lây nhiễm nhanh; Tây Ban Nha hạn chế đi lại quá muộn nên số người lây nhiễm tăng cao. Ngoài ra, Bí thư Thành ủy cũng đề nghị TP làm rõ doanh nghiệp nào còn hoạt động, doanh nghiệp nào dừng hoạt động trong 2 tuần tới. "Vừa qua, Thường vụ Thành ủy TP HCM đã họp và có chủ trương cán bộ, công chức TP sẽ giảm 1/2 phần thu nhập tăng thêm trong năm 2020 để hỗ trợ cho khoảng 600.000 người mất việc làm không có thu nhập, với số tiền 1 triệu đồng/tháng" - Bí thư Nguyễn Thiện Nhân nói.
Tại cuộc họp, Chủ tịch UBND TP HCM Nguyễn Thành Phong đề nghị Sở Giao thông Vận tải (GTVT) TP có báo cáo chi tiết về các phương án đối với các loại hình vận tải. Đồng thời, tham mưu văn bản kiến nghị Chính phủ về việc hạn chế chuyến bay quốc nội đến TP HCM. Đồng ý để Sở Y tế chỉ định thầu mở rộng cơ sở xét nghiệm, bảo đảm xét nghiệm 5.000 mẫu mỗi ngày để đẩy mạnh phòng chống dịch Covid-19. Toàn bộ cán bộ y tế không rời khỏi TP HCM từ 18 giờ chiều 26-3 và sẵn sàng chờ lệnh điều động.
Quản lý chặt đường bộ, hàng không, đường thủy...
Về các biện pháp chống dịch, đối với TP Hà Nội, TP HCM, TP Hải Phòng, TP Cần Thơ, TP Đà Nẵng, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu cần thực hiện đóng cửa toàn bộ các cơ sở dịch vụ, trừ dịch vụ cung cấp thực phẩm, dược phẩm, các cơ sở khám chữa bệnh. Nhà nước bảo đảm nhu cầu cần thiết cho nhân dân, những dịch vụ không cần thiết trong lúc này thì tạm thời đóng cửa.
Tạm dừng hoặc tổ chức lại rất ít chuyến giao thông công cộng. Thực hiện nghiêm khắc quản lý biên giới đường bộ, đường hàng không, đường thủy. Bộ GTVT chỉ đạo hạn chế bay từ 2 TP lớn đến các TP khác. Người dân được yêu cầu ở trong nhà trừ trường hợp thực sự cần thiết mới ra ngoài. Đối với người dân từ các TP, khu vực đang có dịch, các địa phương có trách nhiệm quản lý như đi từ vùng dịch. Thời gian thực hiện các biện pháp này là từ 0 giờ ngày 28-3 trong 1 tuần hoặc vài tuần và sẽ xem xét cụ thể sau.
Với các cơ sở khám chữa bệnh, thực hiện việc xét nghiệm các nhân viên y tế ở khu vực có nguy cơ lây nhiễm. Thủ tướng giao Bộ Y tế có hướng dẫn cụ thể để làm sao không để bệnh viện thành nơi tập trung đông người dễ lây nhiễm.
Ngành y tế có biện pháp cách ly các bác sĩ, nhân viên y tế làm tại các cơ sở chăm sóc, điều trị bệnh nhân Covid-19. Chính quyền địa phương, các ngành, đặc biệt là ngành y tế có trách nhiệm hỗ trợ việc cách ly này để các thầy thuốc yên tâm làm việc. "Tinh thần là có phương án chăm sóc tốt hơn cho các bác sĩ, nhân viên y tế, nhất là tại các bệnh viện trực tiếp điều trị bệnh nhân Covid-19. Bảo toàn đội ngũ y tế để có sức chiến đấu lâu dài trong mùa dịch" - Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh.
Thêm 3 ca được trị khỏi bệnh
Bác sĩ Lê Đức Nhân - Giám đốc Bệnh viện Đà Nẵng, cho biết 3 ca mắc Covid-19 đang điều trị tại bệnh viện hiện đã ổn định sức khỏe, có 3 lần xét nghiệm âm tính với SARS-CoV-2, không còn các triệu chứng lâm sàng liên quan đến Covid-19. Cụ thể, 3 ca bệnh được xuất viện vào sáng 27-3 gồm 2 bệnh nhân người Anh (bệnh nhân thứ 22 và 23) và nữ nhân viên Điện máy Xanh (bệnh nhân thứ 35).
Hỗ trợ trang - thiết bị y tế cho Lào và Campuchia
Chiều 26-3, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã có các cuộc điện đàm với Thủ tướng Chính phủ Lào Thongloun Sisoulith và Thủ tướng Vương quốc Campuchia Samdech Techo Hun Sen về phối hợp giữa Việt Nam với Lào và Campuchia trong ứng phó với đại dịch Covid-19. Trên tinh thần hữu nghị, đoàn kết đặc biệt giữa 3 nước, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã thông báo Chính phủ Việt Nam quyết định hỗ trợ Chính phủ Lào và Chính phủ Campuchia các trang - thiết bị y tế cần thiết trị giá 100.000 USD cho mỗi nước, ngoài hỗ trợ trực tiếp của các bộ, ngành, địa phương và doanh nghiệp cho các đối tác Lào và Campuchia; đồng thời khẳng định Việt Nam sẵn sàng cử chuyên gia y tế sang hỗ trợ, chia sẻ kinh nghiệm về phòng chống dịch nếu Lào và Campuchia có yêu cầu.
Chiều cùng ngày, tại cuộc họp báo thường kỳ của Bộ Ngoại giao, Người Phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Thị Thu Hằng cho biết: Từ ngày ngày 21 đến 25-3, Bộ Ngoại giao đã chỉ đạo các cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài và phối hợp với các cơ quan chức năng trong và ngoài nước hỗ trợ khoảng 800 công dân bị "kẹt" ở các sân bay nước ngoài về nước an toàn. Đến nay, chỉ còn khoảng 40 công dân diện này ở nước ngoài. Các cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài vẫn duy trì các hoạt động đối ngoại và dành ưu tiên cao nhất cho công tác bảo hộ công dân Việt Nam ở sở tại.
D.Ngọc
Bình luận (0)