xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Đừng làm khổ phụ huynh nghèo

HOÀNG TRUNG

Môi trường giáo dục luôn rất cần sự minh bạch, không làm tổn thương phụ huynh và cả học sinh nghèo.

Do tính chất công việc, ngành nghề nên một số người được nhà trường và giáo viên chủ nhiệm mời tham gia vào Ban Đại diện cha mẹ học sinh (CMHS - còn gọi là Hội CMHS hay Hội Phụ huynh học sinh) của trường và của lớp. Có người vui nhưng cũng có người không vui với công việc này, nhất là mỗi khi họp Ban Đại diện CMHS của lớp hay lúc ngồi vui vẻ với người thân, bạn bè, còn bị trêu là hội phụ… thu.

Biết đó là cách gọi vui song người làm công việc này cũng đành chấp nhận vì đó là cách gọi có phần đúng về những việc họ đã làm.

Hầu như ngay từ đầu năm học nào, ngành giáo dục cũng có văn bản, yêu cầu các trường phải công khai các khoản thu chi, không được lạm thu. Nhưng dù văn bản rành rành, tình trạng thu thêm ngoài quy định vẫn diễn ra ở không ít nơi. Thu thêm ngoài quy định thì gọi "lạm thu" và xã hội phê phán, yêu cầu chấm dứt là đúng, cần được tiếp thu và xóa đi tình trạng không hay này.

Nhiều người ở các thành phố lớn có con đi học đều thấu rõ chuyện đi họp Ban Đại diện CMHS vào đầu năm hay mỗi học kỳ. Lúc đó, những diễn giải của nhà trường, của giáo viên chủ nhiệm về một số vấn đề đều khá thuyết phục, nhất là khi một số CMHS có ý kiến, nói con em chúng ta học trong môi trường còn nóng quá, giá có máy lạnh thì tốt hơn. Xã hội tân tiến, lẽ nào lớp học không trang bị tivi, laptop, máy chiếu để tiện cho các con học hành (?)…

Dĩ nhiên những lý lẽ và thực tế là đúng, trang bị phương tiện cho con em học hành tốt hơn là xác đáng. Nhưng đến khi huy động đóng góp theo kiểu đổ đồng thì không ít CMHS toát mồ hôi hột. Bởi những CMHS này làm những công việc có thu nhập không cao, phải vun vén cho cuộc sống gia đình một cách tằn tiện mới có thể lo cho con đến trường. Họ đến họp Ban Đại diện CMHS với cả sự lo lắng trong lòng, thắc thỏm khi đại diện ban hay giáo viên chủ nhiệm xướng lên số tiền phải đóng. 

Bao nhiêu nỗi lo nặng trong đầu những CMHS có thu nhập thấp, nhất là khi chi phí sinh hoạt tăng cao, nhiều khoản phải tính toán, gia đình có thêm người nhà đau yếu, nằm viện chẳng hạn thì việc phụ thu của trường, của lớp là thêm gánh nặng lên vai của họ. Người có tiền thì xăng xái đóng góp tức thì, người nghèo có khi lâm vào thế khó xử.

Chủ trương xã hội hóa trong việc hỗ trợ nhà trường để dạy và học tốt hơn là đúng. Nhưng hiểu không đúng và vận dụng tùy tiện thì sinh ra lạm thu, thu những khoản tiền phi lý như: xây trạm biến áp, tiền điểm danh, hỗ trợ khai giảng… Có những khoản thu mà ngay giáo viên chủ nhiệm và những người trong Ban Đại diện CMHS cũng cảm thấy lấn cấn, sai sai, nên nói ra cũng ngại ngần.

Ngày 30-9, qua tiếp xúc cử tri, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn nói sẽ sửa thông tư quy định về hoạt động của Ban Đại diện CMHS nhưng sửa ra sao, định hướng thế nào thì bộ trưởng nói còn cân nhắc để cho thấu đáo.

Xem ra chuyện lạm thu còn dài. Nhưng để hạn chế tình trạng này, phải gia tăng năng lực quản lý ngành và hãy mạnh tay xử lý trách nhiệm người đứng đầu - hiệu trưởng. Môi trường giáo dục luôn rất cần sự minh bạch, không làm tổn thương CMHS và cả học sinh nghèo. 

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo