Còn trên phạm vi toàn quốc, theo báo cáo của Tổng cục Thuế, tổng số tiền nợ thuế do cơ quan thuế quản lý đến thời điểm 31-12-2019 là 80.830 tỉ đồng. Trong số này, số nợ không còn khả năng thu hồi là 40.228 tỉ đồng. Mất trắng hơn 40.000 tỉ đồng là con số quá lớn, trong khi ngân sách quốc gia còn hạn hẹp, nhiều khoản đầu tư cho xã hội còn thiếu hụt, đời sống số đông người dân còn thấp.
Đối tượng nợ thuế thì thiên hình vạn trạng, doanh nghiệp tư nhân cũng có, doanh nghiệp có vốn nước ngoài (FDI) cũng có và cả doanh nghiệp nhà nước. Làm ăn thua lỗ hoặc gặp khó khăn nhất thời phải nợ thuế đã đành, nhưng không ít doanh nghiệp cố tình chây ì và tìm mọi cách để "xù" thuế. Trong báo cáo của Tổng cục Thuế có nêu thực trạng nhiều doanh nghiệp FDI liên tục nhiều năm báo lỗ nhưng vẫn mở rộng sản xuất, xây dựng thêm nhà máy, chi nhánh nhưng cơ quan công quyền không có biện pháp xử lý. Có doanh nghiệp khi bị nợ thuế thì đóng cửa rồi lập pháp nhân mới tiếp tục kinh doanh và "lấy thuế làm lời". Tinh vi là doanh nghiệp câu kết với người thu thuế để giảm số liệu kinh doanh và qua đó giảm thuế. Kiểu trốn thuế này thường không được nhắc đến trong các báo cáo của cơ quan chức năng.
Trước số lượng nợ thuế quá lớn, đầu năm 2020, Cục Thuế TP HCM đã công bố danh sách 553 doanh nghiệp chây ì nộp thuế với tổng số tiền thuế, tiền phạt lên đến 3.186 tỉ đồng. Biện pháp này áp dụng vài năm qua và đã có tác dụng đối với những doanh nghiệp "sĩ diện", sợ ảnh hưởng đế uy tín kinh doanh. Còn phần đông còn lại, nói thẳng, họ chẳng quan tâm.
Thuế là nguồn chính yếu của ngân sách quốc gia. Nguồn thu này bị ảnh hưởng thì sẽ tác động tiêu cực đến các chính sách đầu tư xã hội, qua đó tác động gián tiếp đến cuộc sống của người dân. Ngành thuế đã có nhiều biện pháp chấn chỉnh tình trạng nợ thuế, như công khai nêu tên doanh nghiệp; kiểm tra, xử phạt; kiến nghị các cơ quan công lực vào cuộc… Bộ Luật Hình sự tại điều 200 cũng quy định rất rõ về tội trốn thuế và mức phạt cao nhất lên đến 7 năm tù. Nếu thực hiện triệt để quy định này thì tin rằng chẳng có ông chủ nào nào dám trốn thuế.
Các quốc gia như Hàn Quốc, Nhật, Mỹ, Singapore… có một hệ thống kiểm soát thuế rất chặt chẽ. Trốn thuế nếu bị phát hiện thường phải nhận án phạt rất nặng, thậm chí là thân bại danh liệt. Năm 2018, Apple tại Ireland bị phát hiện trốn thuế và phải truy đóng 12 tỉ USD và 1,4 tỉ USD tiền lãi. Phạm Băng Băng bị nhà chức trách Trung Quốc bắt vì hành vi trốn thuế. Cô phải truy đóng 37 triệu USD và phạt gần 70 triệu USD…
Trốn thuế nhìn từ góc độ kinh doanh được gọi khá nhẹ nhàng là chưa thực hiện nghĩa vụ tài chính với nhà nước. Còn ở góc độ xã hội thì trốn thuế chính là ăn cắp - tức là anh đã lấy đi số tiền lẽ ra được đưa vào đầu tư cho xã hội. Nhìn vào những doanh nghiệp này, chợt nhớ đến những người mua bán nhỏ ở góc đường. Họ cũng phải đóng góp cho ngân sách, góp phần phát triển xã hội.
Bình luận (0)