xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Thủ tướng: Đừng sợ dân giàu!

Văn Duẩn - Minh Chiến - Nguyễn Hưởng

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã nói như vậy trước các đại biểu Quốc hội, đồng thời khẳng định phải có Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công - tư thì người dân, nhà đầu tư nước ngoài mới tham gia

Tiếp tục chương trình kỳ họp thứ 8, sáng 11-11, Quốc hội (QH) khóa XIV họp phiên toàn thể tại hội trường nghe trình bày Tờ trình về dự án Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công - tư (gọi tắt là Luật PPP) và sau đó QH thảo luận tại tổ.

"Có luật thì họ mới làm"

Dự thảo Luật PPP gồm 11 chương với 102 điều, trên cơ sở kế thừa Nghị định số 63/2018/NĐ-CP về PPP, đồng thời bổ sung một số chính sách mới.

Phát biểu tại thảo luận tổ, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Đoàn Đại biểu (ĐB) QH TP Hải Phòng, nhấn mạnh về sự cần thiết phải có Luật PPP. "Tất cả các nhà đầu tư đều hỏi: Ông muốn chúng tôi làm, vậy có luật pháp gì không? Trước mình mới làm cấp nghị định thôi nhưng họ không tin nghị định, họ tin luật. Phải có luật thì họ mới làm, vì luật mới bảo vệ cho nhà đầu tư, để xã hội hóa, kêu gọi tư nhân đầu tư" - Thủ tướng cho biết.

Thủ tướng: Đừng sợ dân giàu! - Ảnh 1.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại thảo luận tổ về dự án Luật PPP Ảnh: QUANG VINH

Theo Thủ tướng, xây dựng Luật PPP để đất nước kêu gọi nhiều nguồn lực phát triển. Đây là hướng đi hết sức cần thiết và là quá trình tư duy của Đảng và nhà nước, để có nhiều nguồn lực phát triển đất nước. Thủ tướng nhấn mạnh nguồn lực trong dân còn rất lớn, phải có luật pháp cụ thể thì người dân, nhà đầu tư nước ngoài mới tham gia. Vì vậy, Đảng, Chính phủ, Quốc hội đều thúc đẩy Luật PPP ra đời.

Với dự án luật này, người đứng đầu Chính phủ nêu rõ quan điểm hai bên (nhà nước - tư nhân) cùng có lợi. Chỉ có như vậy mới có thể kêu gọi người dân, nhà đầu tư nước ngoài đầu tư. "Hiện nay, do chồng chéo, vướng mắc của luật pháp nên người ta chưa nhiệt huyết khi đầu tư vào Việt Nam. Tôi nói nhiều lần, thể chế bây giờ rất quan trọng. Nếu gỡ được thể chế thì không khí đầu tư rất tốt, còn nếu cứ giữ tư duy lạc hậu thì không thể phát triển đất nước được. Một quốc gia thịnh vượng hay không thì vấn đề đầu tiên chính là thể chế" - người đứng đầu Chính phủ nói.

"Đừng sợ dân giàu, các đồng chí ạ!" - Thủ tướng bày tỏ, đồng thời nhấn mạnh quan điểm: "Chúng ta đều muốn nhà nước và tư nhân cùng làm. Trừ những việc mà nhà nước phải nắm "yết hầu" của nền kinh tế như tiền tệ, quốc phòng, an ninh…, còn nói chung là nên huy động vốn tư nhân".

Đồng tình với quan điểm của Thủ tướng, ĐB Nguyễn Văn Sơn (Hà Tĩnh) cho rằng đầu tư theo phương thức PPP là hình thức hiệu quả để tranh thủ nguồn vốn đầu tư ngoài nhà nước, góp phần phát triển kinh tế - xã hội. Vì thế, việc ban hành luật là cần thiết nhằm tạo cơ sở pháp lý rõ ràng điều chỉnh hoạt động đầu tư mang tính đặc thù này, phản ánh bản chất của mối quan hệ đối tác công và tư, giữa nhà nước và tư nhân.

Đại biểu Hoàng Văn Cường (Hà Nội) cũng nhất trí với sự cần thiết ban hành luật và cho rằng điều này sẽ giúp huy động không chỉ vốn mà còn cả tiềm lực, kinh nghiệm của các nhà đầu tư, từ đó nâng cao chất lượng và hiệu quả đầu tư công.

Băn khoăn nhà nước chia sẻ rủi ro

Quá trình thảo luận tại các tổ, cơ chế chia sẻ rủi ro về doanh thu cho nhà đầu tư là vấn đề được nhiều ĐB tranh luận.

Theo dự thảo Luật PPP, Chính phủ cam kết chia sẻ với nhà đầu tư, doanh nghiệp dự án không quá 50% phần hụt thu giữa doanh thu thực tế và doanh thu cam kết tại hợp đồng. Ngược lại, nhà đầu tư, doanh nghiệp dự án cam kết chia sẻ với Chính phủ không thấp hơn 50% phần tăng thu giữa doanh thu thực tế và doanh thu cam kết tại hợp đồng.

Theo ĐB Hồ Đức Phớc (Nghệ An), Tổng Kiểm toán nhà nước (KTNN), cần phải cân nhắc và nghiên cứu thật kỹ cơ chế chia sẻ rủi ro về doanh thu, bởi quy định về thanh tra, kiểm toán như dự thảo không đủ cơ sở để thanh quyết toán và chia sẻ rủi ro. Cụ thể, chỉ có thanh tra chuyên ngành mới được thanh tra, còn thanh tra cấp tỉnh hay Thanh tra Chính phủ không được thanh tra dự án PPP. Ngoài ra, tại điều 80 của dự luật quy định: "KTNN thực hiện việc kiểm toán về sử dụng tài chính công, tài sản công trong dự án PPP quy định tại điều 65 và điều 67 của luật này". Quy định này đồng nghĩa KTNN chỉ được kiểm toán vốn nhà nước hỗ trợ xây dựng công trình, hệ thống cơ sở hạ tầng (điều 65) và vốn nhà nước hỗ trợ xây dựng công trình phụ trợ, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư (điều 67). "Bản chất của các dự án PPP thì phải kiểm tra chặt chẽ từ đầu đến cuối, tài sản công phải quản thật chặt, tránh tình trạng ở nhiều dự án BOT và BT như vừa rồi" - ĐB Hồ Đức Phớc đề nghị.

ĐB Nguyễn Quốc Bình (Hà Nội) băn khoăn cho rằng với chia sẻ rủi ro như trên, từ chỗ "lời ăn, lỗ chịu", nhà đầu tư sẽ đòi bù doanh thu. Như vậy là bất hợp lý và không công bằng. "Nếu bù doanh thu thì sẽ tạo ra sự khó xử sau này và nhà đầu tư có tư tưởng ỷ lại" - ông Bình nói.

Cùng quan điểm, ĐB Hoàng Văn Cường đề nghị xác định rõ khi nào dự án cần đưa vào đầu tư theo phương thức PPP. ĐB Cường góp ý: "Trên thực tế có những rủi ro thực sự mà nhà đầu tư phải chịu nhưng cũng có những yếu tố lạm dụng rủi ro của PPP để mưu lợi từ một số dự án BT. Vì vậy, cái gì là rủi ro có tính chất chia sẻ và cái gì là lợi ích cần xác định rõ ràng".

Tham gia thảo luận nội dung này, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng (Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Trị), nhấn mạnh tinh thần khi xây dựng dự thảo Luật PPP là nhà nước hợp tác với tư nhân nên phải bình đẳng với nhau, minh bạch, chia sẻ những mặt được và rủi ro. "Không thể đẩy hết rủi ro của nhà nước về phía nhà đầu tư được. Làm sao để luật phải bình đẳng, bảo đảm chia sẻ rủi ro, tạo hành lang pháp lý tốt cho nhà đầu tư tham gia" - Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nói.

Cân nhắc quy định mức vốn đầu tư

Một nội dung khác được nhiều ĐB cho ý kiến là quy định quy mô đầu tư tối thiểu của dự án PPP ở mức 200 tỉ đồng. ĐB Trần Hoàng Ngân (TP HCM) và nhiều ĐB khác đề nghị cần cân nhắc quy định này, bởi lẽ có lĩnh vực thì số tiền này là thấp nhưng có lĩnh vực thì số tiền này là quá lớn. Ngoài ra, không nên giới hạn lĩnh vực đầu theo phương thức PPP như dự án luật mà nên bổ sung một số lĩnh vực như khu công nghiệp, khu kinh tế, khu chế xuất...

Theo ĐB Hoàng Văn Cường, dự thảo luật mới quy định về vốn và nếu chỉ dựa vào vốn có thể chưa đạt được mục tiêu đề ra, vì mức 200 tỉ đồng chỉ phù hợp với một số lĩnh vực về hạ tầng giao thông, trong khi nhiều lĩnh vực khác đòi hỏi kinh nghiệm, năng lực của nhà đầu tư... Do vậy, cần bổ sung các tiêu chí để xác định dự án nào cần kêu gọi đầu tư PPP chứ không chỉ đơn thuần dừng lại ở tiêu chí vốn.

Thông qua nghị quyết về kinh tế - xã hội năm 2020

Với tỉ lệ 88,20% ĐB tham dự tán thành, tại phiên họp sáng 11-11, QH đã thông qua Nghị quyết về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2020. Nghị quyết đề ra mục tiêu tổng quát là tập trung ổn định kinh tế vĩ mô; kiểm soát lạm phát; nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả, tính tự chủ và sức cạnh tranh của nền kinh tế; hoàn thiện thể chế, khơi thông nguồn lực; tạo môi trường đầu tư, kinh doanh bình đẳng, thông thoáng, thuận lợi; đẩy mạnh cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng; đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án quan trọng quốc gia, công trình trọng điểm; phát huy vai trò của các vùng kinh tế trọng điểm, các đô thị lớn.

Nghị quyết cũng đề ra 12 chỉ tiêu chủ yếu, gồm: Tổng sản phẩm trong nước (GDP) tăng khoảng 6,8%; tốc độ tăng giá tiêu dùng bình quân (CPI) dưới 4%; tổng kim ngạch xuất khẩu tăng khoảng 7%; tỉ lệ nhập siêu so với tổng kim ngạch xuất khẩu dưới 3%; tổng vốn đầu tư phát triển toàn xã hội khoảng 33%-34% GDP; tỉ lệ hộ nghèo (theo chuẩn nghèo tiếp cận đa chiều) giảm khoảng 1%-1,5%, riêng các huyện nghèo giảm 4%; tỉ lệ thất nghiệp của lao động trong độ tuổi ở khu vực thành thị dưới 4%; tỉ lệ lao động qua đào tạo đạt khoảng 65%, trong đó tỉ lệ lao động qua đào tạo có bằng, chứng chỉ đạt khoảng 25%; số giường bệnh trên 1 vạn dân (không tính giường trạm y tế xã) đạt 28 giường bệnh; tỉ lệ dân số tham gia BHYT đạt 90,7%; tỉ lệ khu công nghiệp, khu chế xuất đang hoạt động có hệ thống xử lý nước thải tập trung đạt tiêu chuẩn môi trường đạt 90%; tỉ lệ che phủ rừng đạt 42%.

Chiều cùng ngày, QH đã nghe báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự án Luật Lực lượng dự bị động viên và thảo luận về dự án luật này. Phó Chủ tịch QH Đỗ Bá Tỵ cho biết sau phiên họp, Ủy ban Thường vụ QH sẽ tổng hợp các ý kiến của ĐB, chỉ đạo cơ quan soạn thảo, cơ quan thẩm tra phối hợp với các cơ quan liên quan nghiên cứu, tiếp thu đầy đủ ý kiến để hoàn chỉnh dự án luật.

Dự kiến trong ngày làm việc 12-11, QH thảo luận ở hội trường Báo cáo nghiên cứu khả thi về dự án Cảng Hàng không quốc tế Long Thành giai đoạn 1; dự án Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức QH; biểu quyết thông qua Nghị quyết về dự toán ngân sách nhà nước năm 2020.

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo