Càng bất ngờ hơn khi lý do được anh Hải nêu ra là phường bắt ông phải kiểm điểm do trong quá trình theo dõi để bắt quả tang một đối tượng trộm xe của người dân đã đi ra khỏi địa bàn phường mà không báo cáo. Anh Hải xin nghỉ tham gia CLB Phòng chống tội phạm phường Phú Hòa cũng để lại nhiều tiếc nuối cho người dân, nhất là những người từng được anh giúp đỡ, truy bắt bọn tội phạm, lấy lại tài sản giúp họ.
Hơn chục năm qua, "hiệp sĩ" Nguyễn Thanh Hải và các thành viên CLB Phòng chống tội phạm phường Phú Hòa đã lập được nhiều thành tích trong công tác đấu tranh phòng chống tội phạm trên địa bàn tỉnh Bình Dương cũng như các địa bàn lân cận, là cánh tay nối dài của lực lượng phòng chống tội phạm chính quy.
Các "hiệp sĩ" ở Bình Dương "hành hiệp" từ những năm 1999. Đến năm 2006, Bình Dương là địa phương đầu tiên ban hành Quyết định 203/QĐ-UBND của UBND tỉnh về Quy chế hoạt động cho các CLB phòng chống tội phạm. Năm 2009, Công an tỉnh Bình Dương đã chỉ đạo thành lập mô hình CLB phòng chống tội phạm. Năm 2013, UBND tỉnh Bình Dương đã ban hành Quyết định 34, các "hiệp sĩ" chính thức trở thành thành viên đội xung kích phòng chống tội phạm hoạt động tại các phường, hoạt động gắn chặt với vai trò của "đội trưởng" là trưởng công an cấp xã, phường. Đến nay, có 84/91 xã, phường của tỉnh Bình Dương thành lập được đội xung kích chống tội phạm, với hơn 1.500 thành viên.
Hoạt động của CLB phòng chống tội phạm và các "hiệp sĩ" gắn với lực lượng công an nhằm phát huy được vai trò, thế mạnh của "hiệp sĩ" trong phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc nhưng cũng quản lý hoạt động của "hiệp sĩ" đúng khuôn khổ pháp luật, tránh lạm quyền, vi phạm pháp luật, kịp thời chấn chỉnh những biểu hiện không đúng quy định, chệch hướng. Điều đó là đúng và cần thiết.
Tuy nhiên, khi rong ruổi trên đường truy bắt, phát hiện tội phạm, nhất là các đối tượng phạm tội quả tang hoặc đối tượng có lệnh truy nã thì cần sự linh động hơn, các quy định cứng nhắc sẽ không phát huy được tác dụng, thậm chí còn trói tay các "hiệp sĩ". Theo quy định tại điều 111, 112 Bộ Luật Tố tụng Hình sự năm 2015, đối với người phạm tội quả tang hoặc đối tượng bị truy nã thì bất kỳ người nào cũng có quyền bắt và giải ngay người bị bắt đến cơ quan công an, VKSND hoặc UBND nơi gần nhất. Với quy định này, không riêng gì các "hiệp sĩ" mà mọi công dân đều có quyền bắt giữ tội phạm nhưng phải giao ngay cho cơ quan có thẩm quyền. Nếu quy định cứng nhắc, trong lúc truy đuổi đối tượng vượt qua địa bàn khác, muốn bắt phải báo đội trưởng, chủ nhiệm CLB thì không những thiếu khả thi mà còn trái luật. Việc quy định báo cáo chủ nhiệm chỉ nên thực hiện đối với những trường hợp nhận tin báo của người dân nghi vấn về tội phạm hoặc tiếp nhận các đơn thư của người dân về các hành vi có dấu hiệu tội phạm, cần sự phối hợp, hướng dẫn nghiệp vụ của công an.
Đưa ra các quy định cho "hiệp sĩ" thực hiện trong khuôn khổ pháp luật là cần thiết, song các quy định đó cũng cần phải bảo đảm tính khả thi, hợp pháp và sát với thực tế.
Bình luận (0)