Ngày 3-11, vấn đề chất lượng dự án đường cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi tiếp tục làm "nóng" buổi họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 10-2018. Đại diện Bộ Giao thông Vận tải (GTVT), Thứ trưởng Nguyễn Ngọc Đông đã giải đáp nhiều vấn đề liên quan, trong đó làm rõ nghi vấn bán thầu.
Xem xét, kiểm điểm trách nhiệm
Liên quan đến việc lãnh đạo Ban Quản lý dự án đường cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi thừa nhận chất lượng của dự án này chỉ đạt 6/10 điểm, trong khi đó, số vốn lên tới 34.500 tỉ đồng, Thứ trưởng Nguyễn Ngọc Đông nhận định đánh giá định tính thì không có cơ sở để xác định chất lượng công trình. Theo ông Đông, việc xác định tiêu chuẩn kỹ thuật cũng như kiểm tra chất lượng công trình đã có quy định kỹ thuật và phải có thí nghiệm minh chứng. Bên cạnh đó, quá trình thực hiện thi công theo quy trình kỹ thuật phải có các thí nghiệm từ vật liệu đầu vào, rồi kiểm định xác suất, sau đó so sánh với yêu cầu thiết kế. "Do đó chúng tôi cho rằng phải trên cơ sở kiểm định, kết quả thí nghiệm giám sát trong quá trình thực hiện thi công" - Thứ trưởng Đông nói.
Trước nghi vấn nhà thầu Posco bán gói thầu A5 (đoạn đi qua địa bàn các huyện Sơn Tịnh, Tư Nghĩa và Nghĩa Hành thuộc tỉnh Quảng Ngãi) cho 18 công ty khác, Thứ trưởng Đông cho rằng không thể nói như vậy vì không có cơ sở. Giải thích rõ hơn vấn đề này, Thứ trưởng Bộ GTVT cho biết trong các quy định của hợp đồng, đặc biệt hợp đồng mà chúng ta vay vốn của Ngân hàng Châu Á theo quy định của nhà tài trợ và hợp đồng mẫu, có quy định nhà thầu chính có thể có các nhà thầu phụ. Nhà thầu phụ có thể được xác định ngay trong quá trình bỏ thầu của nhà thầu chính cũng như trong quá trình thi công những hạng mục, phần việc có thể thuê các nhà thầu phụ, nhưng trách nhiệm vẫn thuộc nhà thầu chính.
"Số lượng nhà thầu phụ còn phụ thuộc vào số hạng mục. Nhà thầu chính không được thoái thác trách nhiệm trong cả quá trình từ thực hiện thi công cho đến khi hoàn thiện công trình, bảo đảm chất lượng cũng như bảo hành" - Thứ trưởng Đông nhấn mạnh. Cho rằng không có cơ sở về việc bán thầu, ông Đông lý giải giữa các bên đều có hợp đồng phụ, được chấp thuận của nhà đầu tư trong quá trình đánh giá thầu hoặc sự chấp thuận trong quá trình thực hiện.
Thứ trưởng Đông cho biết bộ đang xem xét trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân liên quan, trong đó có trách nhiệm của cơ quan chủ quản chủ đầu tư là Cục Quản lý xây dựng và Chất lượng GTVT. Ông Đông khẳng định việc kiểm điểm không chỉ riêng Tổng Công ty Đầu tư Phát triển đường cao tốc Việt Nam (VEC) mà còn các đơn vị tư vấn, giám sát, các nhà thầu. "Chúng tôi đã chỉ đạo Cục Quản lý xây dựng rà soát kiểm điểm trách nhiệm vấn đề này" - ông Đông cho hay. Làm rõ thêm, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng cho biết sau khi nhận được thông tin của báo chí về dự án đường cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi, Thủ tướng đã chỉ đạo Bộ GTVT rà soát, báo cáo, công bố chính thức kết quả kiểm tra. "Ngày 18-10, Bộ GTVT đã công bố quyết định kiểm tra dự án này và hiện nay vẫn đang tiến hành" - ông Dũng cho hay.
Nhiều công trình sai phạm đất rừng phòng hộ ở xã Minh Phú (huyện Sóc Sơn, TP Hà Nội) đang được chính quyền vận động tự tháo dỡ. Ảnh: NGÔ NHUNG
Sai phạm tại Sóc Sơn phải xử lý
Phó Tổng Thanh tra Chính Phủ (TTCP) Bùi Ngọc Lam cho biết kết luận thanh tra về quản lý, sử dụng đất đai tại huyện Sóc Sơn (Hà Nội) đã được cơ quan này ban hành từ năm 2006. Từ đó đến nay, Hà Nội đã thực hiện nhiều nội dung trong kết luận. Tuy nhiên, ông Lam cũng chỉ rõ còn một số nội dung Hà Nội xử lý chưa triệt để, đặc biệt là xử lý công trình xây dựng, nhà hàng, khu vui chơi giải trí.
Theo ông Lam, mới đây TP Hà Nội mới ban hành quyết định thanh tra trên cơ sở phát hiện những vi phạm để chấn chỉnh; đồng thời kiểm tra đôn đốc việc chấp hành của huyện, TP trong việc thực hiện kết luận của TTCP. "Khi Hà Nội có báo cáo, TTCP sẽ kiểm tra, đôn đốc việc thực hiện. Cần thiết, TTCP sẽ có đề xuất, kiến nghị với Hà Nội để xử lý sao cho nghiêm minh".
Lùi thời gian miễn học phí THCS
Liên quan đến đề xuất của TP HCM về việc miễn học phí cho học sinh THCS (Luật Giáo dục chỉ quy định miễn học phí đối với cấp tiểu học), ông Mai Tiến Dũng cho hay Bộ Giáo dục và Đào tạo đang sửa Luật Giáo dục trong đó có quy định liên quan đến học phí, do vậy Thủ tướng đề nghị TP HCM lùi lại đến khi có Luật Giáo dục (sửa đổi) sẽ thực hiện theo. Trả lời câu hỏi về thời điểm áp dụng chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông mới, Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Hữu Độ cho biết Chính phủ kết luận theo hướng thực hiện đúng tinh thần Nghị quyết 51 của Quốc hội. Cụ thể, thời gian bắt đầu triển khai bảo đảm tuần tự trong từng cấp học, chậm nhất từ năm học 2020-2021 đối với lớp đầu cấp của cấp tiểu học; từ năm học 2021-2022 đối với lớp đầu cấp của cấp THCS và từ năm học 2022-2023 đối với lớp đầu cấp của cấp THPT.
Bình luận (0)