Sau các trận mưa lớn tại miền Trung vừa qua, tuyến đường cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi với tổng vốn đầu tư lên đến hơn 34.500 tỉ đồng lại xuất hiện hàng loạt "ổ gà", "ổ voi".
Lại do... lưu lượng xe tăng!
Ngày 12-12, Tổng Công ty Đầu tư Phát triển đường cao tốc Việt Nam (VEC - chủ đầu tư dự án đường cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi) có thông cáo báo chí thừa nhận tình trạng "ổ gà" tái xuất hiện ở tuyến đường này. VEC cho biết đã vá tạm thời, sau khi thời tiết thuận lợi sẽ bóc dỡ lớp bê-tông nhựa cũ để thảm lớp mới. Theo VEC, từ ngày 9 đến 11-12, Quốc lộ 1 bị nước lũ gây "tê liệt" nên lưu lượng xe trên cao tốc đạt kỷ lục với trung bình 4.300 lượt phương tiện/ngày, riêng ngày 10-12 cao nhất với 6.800 lượt.
Theo ghi nhận của chúng tôi, trên tuyến cao tốc đoạn từ TP Đà Nẵng đi TP Tam Kỳ (tỉnh Quảng Nam, đưa vào khai thác tháng 8-2017) xuất hiện hàng loạt "ổ gà" mới trên cả 2 chiều. Tại cầu Kỳ Lam có một "ổ gà" lớn với đường kính khoảng 40-50 cm; mặt đường nhựa bị bong tróc, đá sỏi vương vãi khắp nơi. Trên cầu này, một số vị trí khác cũng có dấu hiệu sắp hư hỏng.
Còn tại đoạn từ Tam Kỳ - Quảng Ngãi, dù mới đưa vào sử dụng trong tháng 9-2018 vừa qua nhưng nhiều vị trí, mặt đường xuất hiện bong tróc, "ổ gà". Đặc biệt, tại đoạn gói thầu A3 (qua xã Bình Trung, huyện Bình Sơn, tỉnh Quảng Ngãi), trong mấy ngày đầu tháng 12-2018, chúng tôi ghi nhận hàng chục "ổ gà", "ổ voi", nhiều chỗ có đường kính 30-40 cm. Sau những đợt mưa lớn liên tiếp, mặt đường xuất hiện nhiều điểm bong tróc mới, nhiều vị trí bờ ta-luy bị sạt lở.
"Bê-tông nhựa luôn có khuyết tật"?!
Chiều 13-12, trả lời phóng viên Báo Người Lao Động nguyên nhân vì sao tuyến cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi liên tục hư hỏng, nhất là sau mưa, ông Mai Tuấn Anh, Chủ tịch Hội đồng Thành viên VEC, lý giải: "Thứ nhất là do chất lượng bám dính nhựa cục bộ ở một số vị trí không tốt, dẫn đến bong bật nhỏ ở mặt đường, sau đó do xe chạy qua. Hư hỏng lại diễn ra trong mùa mưa nên bề mặt đường những vị trí bị hư cứ thế phá rộng dần ra và thành "ổ gà"".
Bên cạnh đó, chủ tịch Hội đồng Thành viên VEC cho biết việc xuất hiện các "ổ gà" trên tuyến cao tốc này một phần là do yếu tố công nghệ. Đó là do lớp nhựa tạo nhám sử dụng VTO - vật liệu lần đầu tiên được sử dụng trên đường cao tốc ở khu vực miền Trung. Ở các tuyến cao tốc khác như Cầu Giẽ - Ninh Bình, Long Thành - Dầu Giây, VEC cũng sử dụng vật liệu VTO. "Trong quá trình khai thác, các tuyến đường này cũng xuất hiện một số vị trí mặt đường bị bong tróc vì bản chất của bê-tông nhựa là như vậy, luôn có những khuyết tật" - ông Tuấn Anh giải thích.
Tuy nhiên, về bản chất, theo ông Tuấn Anh, nguồn gốc đá cung cấp ở khu vực miền Trung có độ thấm nhựa chưa đạt yêu cầu. "Do đó, trong tiêu chuẩn thi công phải đưa thêm phụ gia để tăng độ dính lên" - ông Tuấn Anh đề xuất.
Trả lời về giải pháp lâu dài để khắc phục tình trạng này sau khi công trình hết hạn bảo hành, chủ tịch Hội đồng Thành viên VEC cho biết đến bây giờ, những hư hỏng xuất hiện trên đường cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi chỉ là những khuyết tật nhỏ, cục bộ với diện tích không lớn. VEC sẽ yêu cầu các đơn vị tư vấn, nhà thầu cũng như các đơn vị liên quan, kiểm tra, theo dõi, đánh giá kỹ chất lượng. Sau bảo hành, đến giai đoạn khai thác, hằng năm VEC đều có chi phí duy tu, bảo dưỡng, bảo trì công trình theo định mức.
Cầu Kỳ Lam trên tuyến cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi xuất hiện “ổ gà” lớn sau mưa. Ảnh: HẢI HOÀNG
Lẽ ra ít nhất 12 năm mới hư
Kiến trúc sư Trần Dân, Phó Chủ tịch Hội Khoa học Kỹ thuật Cầu đường Đà Nẵng, cho biết việc thi công đường cao tốc luôn được giám sát rất kỹ lưỡng, bài bản, có quy trình quy phạm chặt chẽ đối với từng khâu một. Vậy nên, mặt đường bê-tông nhựa cao tốc phải sử dụng ít nhất 12 năm mới có thể bắt đầu xuất hiện hư hỏng.
"Đường cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi mới làm, chạy được chưa bao lâu đã hỏng thì do chất lượng thi công rồi. Thi công không tốt, cấp phối không tốt, không chặt chẽ, nước vào thì nó mau hỏng thôi" - ông Dân nhận xét. Ông đề nghị cơ quan chức năng truy cứu trách nhiệm của các đơn vị liên quan, trước mắt là đơn vị thi công, giám sát và ban quản lý dự án.
Một chuyên gia khác trong lĩnh vực công trình xây dựng, giao thông cho rằng cần phải xem lại cốt nền của những đoạn xảy ra hư hỏng. Cốt nền yếu tạo ra sự không ổn định của mặt đường mỗi khi có xe lưu thông qua, từ đó cũng làm cho bê-tông nhựa bị đứt gãy thành từng mảng dẫn đến bong tróc. Ngoài yếu tố cốt nền thì chất lượng bê-tông nhựa được vị chuyên gia này đặt ra nhiều nghi vấn.
"Qua hình ảnh trên báo chí, có thể thấy lớp kết dính giữa các viên đá không được tốt, gặp mưa dễ bị ngấm nước và mất độ kết dính, từ đó có thể dẫn tới hiện tượng bong tróc. Có thể chất lượng của nhựa đường hay trong lúc rải đã lu lèn không bảo đảm" - vị chuyên gia này đánh giá.
VEC: Khó tránh khỏi sai sót
Ông Mai Tuấn Anh khẳng định dự án đường cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi được quản lý chất lượng ở nhiều cấp khác nhau. Việc kiểm tra chất lượng đầu ra, đầu vào của vật liệu, quá trình thi công rất nghiêm ngặt. Mọi khâu thực hiện, thi công đều có biên bản rõ ràng. "Hội đồng Nghiệm thu nhà nước cũng có một bộ phận kiểm định độc lập vào kiểm tra, đánh giá. Nếu hạng mục nào không đạt sẽ phải làm lại. Không phải ai thích làm gì thì làm đâu" - ông Tuấn Anh trấn an và khẳng định không có chuyện "rút ruột công trình trong thi công".
Ông Tuấn Anh cho rằng trong quá trình thi công, với khối lượng hàng chục triệu mét khối đất, hàng triệu mét khối đá cấp phối tự nhiên thì khó tránh khỏi sai sót. "Vật liệu vào công trường đều phải kiểm tra đạt mới cho thi công. Tuy nhiên, nói bảo đảm chất lượng tuyệt đối 100% thì không bao giờ có, do vậy đã xuất hiện những khuyết tật nhỏ của công trình" - ông nói.
Bình luận (0)