Thượng tướng Nguyễn Thành Cung, nguyên Thứ trưởng Bộ Quốc phòng, nhận định rằng có biết bao kỳ tích đã đi vào lịch sử cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước của dân tộc Việt Nam như là biểu tượng của sức mạnh phi thường và khí phách anh hùng thời đại Hồ Chí Minh. Mỗi kỳ tích là cả chuỗi những sự kiện mang dáng dấp một câu chuyện huyền thoại, vượt khỏi sự hình dung thông thường nhưng đó là một thực tế hết sức sinh động. Con đường chi viện chiến lược trên biển mang tên Hồ Chí Minh là một trong những kỳ tích như thế.
Thủ tướng Phạm Văn Đồng (người cao nhất, đứng giữa) đến thăm chiến sĩ tàu Không số tại TP Nha Trang (Khánh Hòa) tháng 6-1975. Ảnh: TƯ LIỆU
Quyết định chiến lược đúng đắn
Theo ông Cung, quá trình hoạch định đường lối kháng chiến là quá trình Đảng ta, đứng đầu là Chủ tịch Hồ Chí Minh, dành sự quan tâm, chỉ đạo chặt chẽ, cụ thể, tỉ mỉ công tác chi viện chiến trường thông qua Bộ Chính trị, Quân ủy Trung ương. Ngay sau Hội nghị Trung ương 15 khóa II (năm 1959) quyết định đường lối cách mạng miền Nam từ thế giữ gìn lực lượng sang thế tiến công, Bộ Chính trị đã trực tiếp chỉ đạo tổ chức mở tuyến đường Trường Sơn chi viện miền Nam (Đoàn 559). Không lâu sau đó, tuyến đường chi viện trên biển cũng được chỉ đạo tổ chức, xây dựng (tháng 7-1959).
Theo nguyên Thứ trưởng Bộ Quốc phòng, sự kiện chuyến tàu chở vũ khí đầu tiên bằng đường biển của Hải quân Nhân dân Việt Nam, từ Hải Phòng vào đến Cà Mau, đã chứng tỏ quyết định của Bộ Chính trị và Quân ủy Trung ương mở con đường vận chuyển chiến lược trên biển, tổ chức hoạt động chi viện từ miền Bắc cho miền Nam bằng đường biển là đúng đắn, kịp thời. Từ đây, con đường vận chuyển chiến lược trên biển, mặc dù trải qua nhiều khó khăn, gian khổ, tổn thất, hy sinh nhưng vẫn được duy trì, kết nối chặt chẽ, phối hợp nhịp nhàng giữa hai miền Nam - Bắc, tiền tuyến với hậu phương. Sự kết nối Bắc - Nam thực sự là biểu hiện sinh động của khối đại đoàn kết dân tộc, cùng phấn đấu vì mục tiêu giải phóng miền Nam, thống nhất Tổ quốc.
Con đường chi viện trên biển đã tạo bước phát triển vững chắc, mạnh mẽ cho cách mạng miền Nam, thúc đẩy sự lớn mạnh của lực lượng vũ trang cách mạng trên chiến trường, góp phần vào thắng lợi của những trận đánh gây tiếng vang lớn: Ấp Bắc, Đầm Dơi, Cái Nước, Chà Là, Bình Giã, Ba Gia, Vạn Tường...
Quyết định đúng đắn, sáng tạo, táo bạo của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh, mở con đường vận tải quân sự chiến lược chi viện miền Nam theo hướng biển, đã thể hiện rõ nhãn quan nhạy bén, tài tình của Đảng ta và Chủ tịch Hồ Chí Minh; đáp ứng khát vọng cháy bỏng và quyết tâm sắt đá giải phóng miền Nam, thống nhất Tổ quốc của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta.
"Có thể khẳng định thắng lợi của công tác chi viện chiến trường này chính là nguồn cổ vũ, động viên, khích lệ tinh thần đồng bào, chiến sĩ miền Nam vượt qua bao khó khăn, thử thách khốc liệt của chiến tranh, chiến đấu và chiến thắng kẻ thù xâm lược" - Thượng tướng Nguyễn Thành Cung bày tỏ.
Ông Vũ Trung Tính được nguyên Chủ tịch nước Trương Tấn Sang tặng kỷ niệm chương dịp kỷ niệm 50 năm ngày truyền thống “Đường Hồ Chí Minh trên biển” . Ảnh chụp lại: THANH TUẤN
Đóng vai trò to lớn
Theo PGS-TS Nguyễn Mạnh Hà, nguyên Phó Viện trưởng Viện Lịch sử Đảng, chỉ tính từ chuyến đầu tiên (tháng 10-1962) do đồng chí Lê Văn Một làm thuyền trưởng, Bông Văn Dĩa làm Chính trị viên, chở 30 tấn vũ khí từ Đồ Sơn (Hải Phòng) cập bến Vàm Lũng (Cà Mau) an toàn, cho đến khi xảy ra sự cố của tàu 143 ở Vũng Rô (tháng 2-1965), Đoàn 759 (sau đổi thành Đoàn 125) đã sử dụng 3 tàu gỗ, 17 tàu sắt, tổ chức được 88 chuyến đi, vận chuyển được 4.719 tấn vũ khí, đạn dược cho chiến trường miền Nam. Đây là thời kỳ tuyến vận tải trên biển đạt được hiệu suất rất cao trong bối cảnh phương tiện vận chuyển còn nhỏ bé, thô sơ, kinh nghiệm tích lũy chưa nhiều.
Nếu so với kết quả vận chuyển của Đường Hồ Chí Minh xuyên Trường Sơn cùng thời gian từ năm 1959 đến 1964, vận chuyển được 2.912 tấn hàng các loại và 12.000 cán bộ, chiến sĩ hành quân bằng các phương tiện từ Bắc vào Nam theo tuyến trên bộ này, ta thấy được ưu thế của vận tải biển với số lượng lớn hàng trên một chuyến tàu, nếu bảo đảm được an toàn.
Tuy nhiên, từ sau sự cố Vũng Rô, con đường vận chuyển bí mật trên biển đã bị kẻ thù phát hiện và dùng mọi lực lượng, phương tiện, thủ đoạn ngăn chặn, hủy diệt, chúng ta buộc phải thay đổi phương thức vận chuyển: quãng đường đi dài hơn qua nhiều cảng biển, đảo của các nước lân cận, ra tận hải phận quốc tế; đi bằng phương pháp thiên văn; lượng dự trữ xăng dầu, lương thực - thực phẩm, nước ngọt lớn hơn; cách thức thâm nhập, tiếp cận bờ, bốc xếp, cất giấu hàng, vận chuyển... nên hiệu quả vận chuyển không cao, bị tổn thất khá lớn.
PGS-TS Nguyễn Mạnh Hà cho biết tính chung trong suốt 14 năm tồn tại, hoạt động chi viện chiến trường, cán bộ, chiến sĩ vận tải biển Hải quân đã phối hợp cùng các lực lượng khác và cấp ủy, chính quyền, nhân dân các địa phương tuyến đường đi qua, vận chuyển, bốc dỡ, cất giấu, phân phối hàng trăm ngàn tấn vũ khí, trang thiết bị kỹ thuật, lương thực, thuốc men từ miền Bắc vào các chiến trường miền Nam, đưa đón hàng chục ngàn lượt cán bộ, chiến sĩ, trong đó có hàng trăm cán bộ cao cấp của Đảng, quân đội vào Nam, ra Bắc.
Cùng với các tuyến vận chuyển khác bằng đường bộ, đường ống (xăng dầu), đường hàng không (tiền, ngoại tệ), đường vận chuyển quá cảnh qua nước láng giềng, tuyến đường biển đã đóng một vai trò to lớn, đã làm phong phú, đa dạng các loại hình vận chuyển, góp phần phủ kín địa bàn chi viện, tạo nên một đặc trưng độc đáo của trận tuyến vận tải bảo đảm hậu cần của chiến tranh nhân dân Việt Nam trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước.
Hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ
Thiếu tướng, PGS-TS Vũ Quang Đạo khẳng định "Đường Hồ Chí Minh trên biển" - tuyến vận tải quân sự chiến lược - hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ chi viện sức người, sức của cho chiến trường miền Nam đánh Mỹ đến thắng lợi cuối cùng.
Tính từ năm 1961 đến tháng 4-1975, Đoàn 759 - Đoàn 125 đã vận chuyển được 44.324 tấn vũ khí, trang thiết bị, hàng hóa chi viện cho quân và dân miền Nam đánh Mỹ. Đặc biệt, trong cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân 1975, thực hiện Chỉ lệnh "thần tốc" của Đại tướng Tổng Tư lệnh Võ Nguyên Giáp, phải vận chuyển thật nhanh vũ khí hạng nặng và hàng chục ngàn cán bộ, chiến sĩ vào miền Tây, kịp thời hiệp đồng tác chiến với các cánh quân đường bộ, Đoàn 125 đã thực hiện thành công 130 lần với 143 chuyến tàu, chở 8.741 tấn vũ khí hạng nặng gồm 50 xe tăng và pháo cỡ lớn; đưa 18.741 cán bộ, chiến sĩ vượt 65.721 hải lý để kịp thời tham gia chiến đấu.
(*) Xem Báo Người Lao Động từ số ra ngày 19-10
Bình luận (0)