Ngày 27-1 (nhằm 25 tháng chạp), Hội Hoa xuân Nhâm Dần tại Công viên Tao Đàn (TP HCM)chính thức mở cửa đón người dân và du khách tham quan. Trong khi đó, Đường hoa Nguyễn Huệ đang được các đơn vị thi công gấp rút hoàn thành những công đoạn cuối cùng để mở cửa đón khách vào tối 29-1.
Nét văn hóa truyền thống đặc sắc
Ban Tổ chức Hội Hoa xuân Nhâm Dần cho biết khác với mọi năm, năm nay vé vào cổng được miễn phí. Hội Hoa xuân là nét văn hóa truyền thống đặc sắc của TP HCM mỗi dịp Tết đến xuân về và thu hút hàng trăm ngàn lượt người đến tham quan, vui chơi. Đây là lần thứ 42 hoạt động này được tổ chức tại Công viên Tao Đàn.
Với chủ đề "Xuân quê hương - Ấm tình nhân ái", Hội Hoa xuân năm nay được tổ chức đến mùng 6 Tết. Hội Hoa xuân giới thiệu, quảng bá cho người dân và du khách tham quan, thưởng lãm hoa, cây cảnh; những tác phẩm nghệ thuật độc đáo về cây cảnh; trưng bày triển lãm, dự thi nghệ thuật ngành hoa, cá kiểng, bonsai, non bộ, tiểu cảnh... với các hiện vật, các loại hình nghệ thuật sân khấu dân gian; đa dạng hóa kết hợp nâng cao chất lượng hoạt động trưng bày hoa, cây cảnh, bonsai.
Với linh vật chính là hổ, gam màu chủ đạo của Đường hoa Nguyễn Huệ năm nay là màu cam và màu xanh xuyên suốt gắn với thông điệp về môi trường, rừng xanh Ảnh: HOÀNG TRIỀU
Hội Hoa xuân năm nay trưng bày hơn 3.000 hiện vật thuộc các bộ môn: hoa ôn đới - hoa kiểng - kiểng lá - kiểng có trái - cây quý hiếm; đá cảnh - cây khô; kiểng cổ - bonsai; tiểu cảnh - non bộ; hoa lan, hoa mai, cá cảnh, xương rồng... TP HCM cũng sẽ giới thiệu, quảng bá các mô hình nông nghiệp, mô hình hoa, cây kiểng kết hợp tham quan du lịch của thành phố đến du khách trong và ngoài nước; tạo cơ hội cho các nghệ nhân, nhà vườn trồng hoa, cây kiểng, hiệp hội nghề nghiệp giao lưu, trao đổi kinh nghiệm trong nghệ thuật trồng, chăm sóc, lai tạo hoa, cây kiểng đẹp, độc đáo; nghệ thuật thiết kế tiểu cảnh sân vườn cho khu đô thị. Lễ hội cũng có các hoạt động Tết cổ truyền như: biểu diễn lân sư rồng, võ thuật cổ truyền, các loại hình sân khấu dân gian, trò chơi dân gian, xiếc, ảo thuật, thư pháp, văn hóa ẩm thực...
Chị Nguyễn Thị Hảo (ngụ quận Bình Thạnh) bày tỏ: "Mấy ngày trước đi ngang Công viên Tao Đàn, thấy nhân viên tất bật trang trí cây cảnh, sắp xếp chậu hoa, tôi đã nôn nao trong lòng. Vì vậy, khi Hội Hoa xuân mở cửa đón khách là tôi đưa con đến tham quan, chụp ảnh ngay".
Ước vọng về tương lai tươi sáng
Sáng 27-1, tại Đường hoa Nguyễn Huệ trên phố đi bộ Nguyễn Huệ (quận 1), các phân đoạn, tiểu cảnh cuối cùng đang được gấp rút hoàn thành. Ai cũng tất bật với công việc của mình để đường hoa mở cửa phục vụ nhu cầu du xuân, thưởng ngoạn của người dân TP HCM và du khách vào tối 29-1 (27 tháng chạp). Đường hoa kéo dài đến 17 giờ ngày 4-2 (mùng 4 Tết).
Ban Tổ chức cho biết với chủ đề "Xuân quê hương - Ấm tình nhân ái", Đường hoa Nguyễn Huệ Tết Nhâm Dần 2022 ghi đậm dấu ấn về một "giai đoạn lịch sử" khó quên của TP HCM đang từng bước hồi sinh sau khi trải qua nhiều tháng dịch bệnh diễn biến phức tạp.
"Năm 2021 là quãng thời gian đặc biệt khó khăn nhưng với sự quan tâm, chỉ đạo thống nhất của lãnh đạo TP HCM, Saigontourist Group và các đơn vị đồng hành vẫn thể hiện sự quyết tâm, nỗ lực duy trì thực hiện Đường hoa Nguyễn Huệ. Bởi lẽ, đây là nét đẹp văn hóa, nhu cầu thưởng ngoạn không thể thiếu đối với người dân thành phố và du khách mỗi dịp Tết đến xuân về" - ông Trương Đức Hùng, Phó Tổng Giám đốc phụ trách điều hành Saigontourist Group kiêm Trưởng Ban Tổ chức Đường hoa Nguyễn Huệ 2022, nhấn mạnh.
Chính vì thế, chiếm lĩnh ngay vị trí trung tâm ở đoạn giữa Đường hoa Nguyễn Huệ là không gian TP HCM tri ân đồng bào cả nước đã dành tình cảm tương thân tương ái, những lực lượng tuyến đầu chống dịch đã dành trọn tâm huyết, sự hy sinh, sát cánh cùng thành phố trong giai đoạn khó khăn nhất. Cách đó chỉ vài bước chân, chú hổ đất mũm mĩm với nụ cười đáng yêu cao hơn 1,8 m sẽ là nơi đón nhận sự đóng góp, sẻ chia của người dân và du khách dành cho những hoàn cảnh khó khăn vì dịch Covid-19. Ngoài ra, dọc theo khu vực Đường hoa Nguyễn Huệ còn bố trí những tấm bảng với mã QR để sẵn sàng đón nhận sự sẻ chia của mọi người qua hệ thống ví điện tử.
Nhìn lại và tri ân, Đường hoa Nguyễn Huệ năm nay còn thể hiện ước vọng về một tương lai tươi sáng, với 3 phân đoạn trải dài trên 600 m: "Về rừng sâu - Thiên nhiên tươi xanh", "Xuân nghĩa tình - Tự hào Việt Nam" và "Ra biển lớn - Nước non hội ngộ".
Người dân, du khách cần biết
Để bảo đảm công tác phòng chống dịch Covid-19, Ban Tổ chức cho biết Đường hoa Nguyễn Huệ có 2 cổng vào tại đầu đường hoa, giao lộ Nguyễn Huệ - Lê Lợi. Khách tham quan Đường hoa Nguyễn Huệ sẽ xếp hàng và thực hiện các biện pháp phòng dịch trước khi vào: khai báo y tế qua app PC-Covid, sát khuẩn tay, kiểm tra nhiệt độ.
Khách tham quan phải đeo khẩu trang đúng quy định trong suốt thời gian tham quan Đường hoa Nguyễn Huệ, kể cả khi chụp ảnh. Các lực lượng chức năng sẽ kiểm tra việc thực hiện đeo khẩu trang trong đường hoa. Khách tham quan di chuyển một chiều trong Đường hoa Nguyễn Huệ, từ cổng chính đường hoa hướng về sông Sài Gòn. Ban Tổ chức bố trí 6 cổng ra dọc hai bên đường tại giao lộ giữa đường Nguyễn Huệ và các đường nhánh.
Ban Tổ chức cũng cho biết tùy theo tình hình dịch bệnh, thời gian hoạt động, đóng cửa, thời gian tạm ngừng đón khách tham quan của Đường hoa Nguyễn Huệ sẽ thay đổi theo sự chỉ đạo của lãnh đạo TP HCM, kiến nghị của Sở Y tế và Trung tâm Kiểm soát bệnh tật thành phố (HCDC) mà không cần báo trước.
Đường hoa Nguyễn Huệ có gì đặc biệt?
Khác với các năm trước, linh vật cổng chào Đường hoa 2022 không nằm ở vị trí trung tâm mà được chuyển sang hai bên với hình tượng "Song hổ tương phùng" cao 3 m, dài gần 7 m, được tạo thành từ những lát thép, lát inox cắt gọt tinh tế. Hai chất liệu này thể hiện tố chất mạnh mẽ và kiêu hãnh của loài vật được mệnh danh là "chúa sơn lâm". Trên Đường hoa Nguyễn Huệ còn tái hiện hình ảnh "chúa sơn lâm" cao 4,6 m, dài hơn 10 m với sự kết hợp hài hòa giữa kính cường lực, mica và rêu cỏ, tạo nên hiệu ứng thoắt ẩn thoắt hiện của hổ.
Đây cũng là lần đầu tiên, sỏi được chọn làm chất liệu để thể hiện linh vật cho đường hoa, phù hợp với đặc tính "phong thủy" của hổ. Với bề ngoài tự tin đến lạnh lùng, đầy khí chất, sẵn sàng đối đầu và không ngại thử thách, hổ như một viên sỏi được môi trường thiên nhiên hoang dã tôi luyện mỗi ngày, trở nên đẹp kiêu dũng và sắc lạnh. Những viên sỏi được chọn lọc kỹ về kích thước, hình dáng, màu sắc bao bọc xung quanh kết cấu thép và xốp, tạo nên linh vật hổ cao 3,5 m, dài 8 m và nặng gần 2 tấn với hoa văn sọc đặc trưng và dáng vẻ oai hùng.
Tại vị trí trung tâm cùng 2 cổng chào tạo thành hình tam giác là hình ảnh tán rừng "Cây cao bóng cả" do 51 cây lộc vừng cao 3 - 4 m, được bố trí thành 5 dãy. Các hàng cây có chiều dài tăng dần từ ngoài vào trong làm tăng độ bao phủ, tạo bóng râm cho khu vực bên dưới, diện tích 250 m2, vừa đủ cho sự tái hiện một khu rừng gần như thật. Phần gốc 51 cây lộc vừng được bao bọc bởi hệ thống bục kết cây lá màu, bảo đảm khoảng cách giữa 2 hàng là 2 m, đủ rộng để khách thưởng lãm giữ khoảng cách an toàn 5K khi tham quan và chụp ảnh.
Lần đầu tiên, sỏi được chọn làm chất liệu để thể hiện linh vật cho đường hoa, phù hợp với đặc tính “phong thủy” của hổ. Ảnh: HOÀNG TRIỀU
Nếu "Cây cao bóng cả" chỉ 250 m2 thì tiểu cảnh "Hoa thơm cỏ lạ" có diện tích gần gấp 3 lần (khoảng 741 m2) lại được phủ râm tạo bóng mát với gần 73 mái che. "Hoa thơm cỏ lạ" được trang trí bằng 5 loại hoa nền và 6 loại hoa treo tụ hội xung quanh những thân cây lớn được tạo thành bởi khung thép bện dây thừng làm vỏ.
Tầm nhìn trên Đường hoa 2022 sẽ không hoàn toàn xuyên suốt nhưng hứa hẹn mang lại những khám phá bất ngờ, thú vị. Bốn dãy núi trùng điệp từ khung thép tạo hình và dây đan hình lưới, diện tích từ 9,6 - 13 m2 gần như cắt ngang đường hoa. Xung quanh khu vực này là những hình ảnh quen thuộc nhưng được thể hiện theo thủ pháp hoàn toàn mới.
Cánh đồng lúa truyền thống từng xuất hiện nhiều lần trên đường hoa, năm nay được thể hiện mềm mại, uốn lượn như dải lụa và được phân tầng rõ rệt với độ cao đến 2 m. Trên diện tích hơn 600 m2, khách tham quan sẽ tản bộ giữa một bên là ruộng lúa tầng cao gợi nhớ hình ảnh thửa ruộng bậc thang miền núi và một bên là ruộng lúa tầng thấp của những thửa ruộng miền xuôi.
Những năm trước, gạch thường được sử dụng để tạo viền bo mảnh quanh các luống hoa. Năm nay, đường viền bo bằng gạch sẽ được xây cao, dao động từ 10 -14 đường gạch, bo xung quanh các thảm hoa, bố trí theo các cụm màu sắc khác nhau để tạo ấn tượng thị giác hoàn toàn mới mẻ. Khách thưởng lãm có thể cảm nhận rõ sự thay đổi này tại khu vực cao nguyên.
Bình luận (0)