Liên quan thông tin báo chí phản ánh về việc Liên danh tư vấn Apave-Certifer-Tricc (Tư vấn ACT - Pháp) đưa ra cảnh báo 16 nguy cơ mất an toàn dự án đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông, trao đổi với phóng viên Báo Người Lao Động chiều 10-6, Thứ trưởng Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) Nguyễn Ngọc Đông cho biết đây là những thông tin cảnh báo cũ. Bộ GTVT đã có thông tin gửi báo chí về nội dung này.
Chỉ còn chờ Hội đồng Nghiệm thu nhà nước
Thông tin mà ông Nguyễn Ngọc Đông nhắc tới ở trên chính là thông cáo báo chí mà Bộ GTVT đã gửi tới các cơ quan báo, đài từ ngày 29-4-2021. Trong đó, Bộ GTVT cho biết cùng ngày 29-4, Tư vấn ACT đã ban hành chứng nhận an toàn hệ thống cho dự án.
Trước đó, từ đầu tháng 4-2021, Ban Quản lý Dự án Đường sắt (Bộ GTVT) và Công ty Metro Hà Nội đã hoàn thành công tác bàn giao hồ sơ tài liệu, hoàn thành công tác kiểm đếm tài sản dự án tại hiện trường. Bộ GTVT đã phối hợp với UBND TP Hà Nội trong việc tiếp nhận dự án và hoàn thiện các giải pháp xử lý đối với những khuyến cáo của tư vấn ACT trước khi được cấp chứng nhận an toàn hệ thống cho dự án.
Một chuyến chạy thử nghiệm đường sắt Cát Linh - Hà Đông vào tháng 4-2021
Hiện Bộ GTVT đang chờ Hội đồng Nghiệm thu nhà nước nghiệm thu công trình xây dựng, xem xét, đánh giá cuối cùng để ra thông báo về kết quả nghiệm thu của chủ đầu tư. Thông báo của Hội đồng Nghiệm thu nhà nước về công tác nghiệm thu công trình xây dựng là cơ sở quan trọng để Bộ GTVT, UBND TP Hà Nội và Tổng thầu Trung Quốc hoàn tất thủ tục bàn giao dự án để đưa vào vận hành, khai thác.
Trả lời câu hỏi của phóng viên Báo Người Lao Động: "Dự kiến khoảng bao lâu nữa thì Hội đồng Nghiệm thu nhà nước về công tác nghiệm thu công trình xây dựng có thể ban hành kết quả kiểm tra, đánh giá nghiệm thu?", Thứ trưởng Nguyễn Ngọc Đông đáp: "Chắc chỉ ít ngày nữa thôi!".
Đủ điều kiện an toàn để khai thác
Theo Bộ GTVT, những khuyến cáo của Tư vấn ACT gồm: Không đáp ứng nhiều tiêu chuẩn kỹ thuật trong vận hành hệ thống metro của châu Âu, ví dụ như về an toàn hệ thống điện kéo, hệ thống phanh điện. Hệ thống cũng chưa sẵn sàng xử lý tình huống khẩn cấp trong khai thác, khi thử nghiệm 10 quy trình khẩn cấp của hệ thống, có 8 quy trình thất bại; hệ thống an toàn cháy nổ nhà ga trên tuyến không bảo đảm; hệ thống cầu cạn cũng chưa bảo đảm an toàn; dự án không bảo đảm an toàn hệ thống điện kéo, hệ thống phanh điện… Những khuyến nghị trên mang tính phòng ngừa rủi ro trong quá trình vận hành, khai thác. Chủ đầu tư và các đơn vị liên quan đã khắc phục và hoàn thành sửa chữa theo các khuyến nghị mà Tư vấn ACT đưa ra.
Dự án đường sắt đô thị Hà Nội tuyến Cát Linh - Hà Đông hiện cũng đã được cấp chứng nhận của Cục Cảnh sát phòng cháy chữa cháy, kết quả đánh giá an toàn bước 2 về hệ thống tín hiệu. Công ty Metro Hà Nội cũng đã hoàn thiện lại 64 quy trình xử lý tình huống khẩn cấp và đã diễn tập ngoài hiện trường, bổ sung các biển chỉ dẫn cho người khuyết tật...
Trong văn bản gửi Hội đồng Nghiệm thu nhà nước về công tác nghiệm thu công trình xây dựng hôm 5-5, Bộ GTVT cho biết ngày 29-4, bộ đã báo cáo Hội đồng Kiểm tra nhà nước về công tác nghiệm thu công trình xây dựng tại văn bản số 3801/BGTVT-CQLXD báo cáo bổ sung công tác nghiệm thu hoàn thành công trình dự án đường sắt đô thị Hà Nội, tuyến Cát Linh - Hà Đông (kèm theo Chứng nhận an toàn hệ thống số EC_9082_0021_rev 02 do CERTIFER SA cấp ngày 29-4-2021).
Trong thời gian vừa qua, Bộ GTVT/Ban Quản lý dự án đường sắt tiếp tục làm việc với Tư vấn ACT để giải trình các công việc liên quan đến đánh giá an toàn hệ thống. Ngày 5-5, Tư vấn đánh giá an toàn hệ thống đã ban hành Chứng nhận an toàn hệ thống số EC_9082_0022_rev 02 do CERTIFER SA cấp (thay thế Chứng nhận đã cấp ngày 29-4-2021). Bộ GTVT cho rằng với chứng nhận an toàn này, dự án đủ điều kiện an toàn đưa vào vận hành, khai thác. Vì vậy, Bộ GTVT đề nghị Hội đồng Kiểm tra nhà nước kiểm tra công tác nghiệm thu trên cơ sở Chứng nhận an toàn hệ thống số EC 9082_0022_rev 02 do CERTIFER SA cấp ngày 5-5-2021 (thay thế chứng nhận an toàn cấp ngày 29-4-2021).
Tốc độ tối đa 80 km/giờ
Dự án đường sắt Cát Linh - Hà Đông được khởi công tháng 10-2011, dự định hoàn thành vào tháng 6-2015 với tổng mức đầu tư hơn 552 triệu USD; nay đã bị đội vốn lên 891 triệu USD (chủ yếu vốn vay ODA của Trung Quốc).
Tuyến Cát Linh - Hà Đông có chiều dài 13 km với 12 ga đưa đón khách. Tuyến có 13 đoàn tàu (mỗi đoàn 4 toa), tần suất hoạt động 4 đến 6 phút/lượt, tốc độ vận chuyển tối đa 80 km/giờ. Đến nay dự án đã có một số lần chạy tàu thử nghiệm nhưng vẫn chưa thể chạy chính thức với nhiều lý do.
Bình luận (0)